1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng:

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: "Khẩn trương hỗ trợ dân, đó là mệnh lệnh trái tim"

(Dân trí) - “Không chỉ làm đúng và minh bạch, gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cần được giải ngân khẩn trương. Người dân rất mong chờ. Đây không chỉ là trách nhiệm mà còn mệnh lệnh từ trái tim của chúng ta…”

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: "Khẩn trương hỗ trợ người dân, đó là mệnh lệnh từ trái tim". (Clip: Quân Đỗ)

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhận định tại Hội nghị trực tuyến triển khai giám sát và thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức chiều 27/4 tại Hà Nội.

Không muốn thấy vi phạm, nhưng…

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã quy định rõ các nguyên tắc, đối tượng, thủ tục và quy trình triển khai gói hỗ trợ trị giá 62.000 tỷ đồng tới người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Khẩn trương hỗ trợ dân, đó là mệnh lệnh trái tim - 1
Hội nghị trực tuyến do Bộ LĐ-TB&XH và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức chiều 27/4 tại Hà Nội (Ảnh: Quân Đỗ).

Chỉ hỗ trợ người bị giảm sâu thu nhập

Bộ trưởng đề nghị các địa phương bám sát các nguyên tắc cơ bản, đó là: Chỉ hỗ trợ người lao động, người dân suy giảm sâu về thu nhập, do ảnh hưởng bởi Covid-19, không đảm bảo mức sống tối thiểu và một số đối tượng chính sách được quy định trong Quyết định và Nghị quyết của Chính phủ.

Bộ trưởng bổ sung, trong ngày hôm nay (27/4), Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có công văn chỉ đạo về việc triển khai chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19.

“Theo đó, bên cạnh việc chỉ đạo thực hiện nghiêm Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15/QĐ-TTg, Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương phải đảm bảo công khai, chính xác, đề cao trách nhiệm và sẵn sàng giải trình trước Quốc hội, Chính phủ và nhân dân” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Các địa phương cần tập trung rà soát kỹ đối tượng được hưởng chính sách, đảm bảo tổng kinh phí không vượt quá số đã báo cáo Chính phủ và Uỷ ban thường vụ Quốc hội, nhất là kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách của Trung ương.

Đặc biệt tăng cường kiểm tra, đôn đốc tình hình thực hiện, không để lợi dụng để trục lợi chính sách, lãng phí, lợi ích nhóm.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Khẩn trương hỗ trợ dân, đó là mệnh lệnh trái tim - 2
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung (Ảnh: Giáp Tống)

“Việc thực hiện gói hỗ trợ thể hiện sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Thể hiện sự gắn bó máu thịt của Đảng, Nhà nước với nhân dân. Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng đã và đang thu hút sự quan tâm, kỳ vọng và ủng hộ của đông đảo nhân dân cả nước” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Nhấn mạnh tính nghiêm minh của chính sách, Bộ trưởng cho biết: "Chúng tôi không mong muốn chuyện trục lợi và việc khởi tố hành vi trục lợi từ gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng. Nhưng nếu xảy ra tình trạng trục lợi vẫn cần phải xử nghiêm minh về Đảng, xử lý hành chính và nếu vi phạm đến mức độ hình sự thì chuyển cơ quan công an xử lý…”.

Mệnh lệnh từ trái tim

Giải thích thêm về mức chuẩn nghèo áp dụng trong Quyết định 15/QĐ-TTg, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý: “Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đà Nẵng đã quy định mức chuẩn nghèo cao hơn mức chuẩn nghèo tại Quyết định 59/2015/QĐ-TTg. Bởi vậy trong thực hiện Quyết định 15/2020/QĐ-TTg, 4 địa phương trên có thể áp dụng mức chuẩn nghèo cao hơn chuẩn nghèo chung của cả nước”.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Khẩn trương hỗ trợ dân, đó là mệnh lệnh trái tim - 3

Chiều 27/4, người dân xã Nhân Thịnh (Lý Nhân, Hà Nam) đã được nhận tiền hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng. (Ảnh: Giáp Tống)

Lưu ý nhóm nhận bảo trợ xã hội

“Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng không áp dụng với những người đang được hưởng chính sách hỗ trợ tiền ăn và tiền nuôi trong các cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội. Chính sách chỉ hỗ trợ đối tượng bảo trợ xã hội là những người đang hưởng chính sách hỗ trợ hàng tháng tại cộng đồng và theo Nghị định 136/2013/NĐ-CP của Chính phủ” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Bên cạnh việc làm đúng và minh bạch, yếu tố khẩn trương được chú trọng.

“Không để chính sách đi lòng vòng khiến việc áp dụng bị trễ trong thực tế. Nhiều người dân đang mong chờ lắm rồi. Chúng ta cần hỗ trợ ngay. Đây không chỉ là trách nhiệm mà còn mệnh lệnh từ trái tim” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.

Giải đáp một số ý kiến thắc mắc, Bộ trưởng cho biết, các tỉnh thành đều có từ trước danh sách của 4 nhóm nhận hỗ trợ là hộ nghèo và cận nghèo, người có công với cách mạng, người nhận bảo trợ xã hội. Do đó, các tỉnh và thành phố có thể chủ động triển khai hỗ trợ ngay trong tháng 4 cho các nhóm trên.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Khẩn trương hỗ trợ dân, đó là mệnh lệnh trái tim - 4

“Tuy nhiên, các nhóm nhận hỗ trợ khác không có nghĩa là chưa triển khai hỗ trợ trong tháng 4. Đặc biệt là đối tượng lao động tự do đang cần sự hỗ trợ, vì bị ảnh hưởng và giảm sâu thu nhập” - Bộ trưởng cho biết.

Trách nhiệm UBND tỉnh

“Chủ tịch UBND tỉnh có thẩm quyền uỷ quyền công tác phê duyệt quyết định hỗ trợ. Nhưng Chủ tịch tỉnh vẫn phải chịu trách nhiệm về kết quả của việc uỷ quyền trước Chính phủ, trước Hội đồng và trước cấp uỷ" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Những ngày qua, Bộ LĐ-TB&XH đã đề nghị ngay TP Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Hà Nam cố gắng chi hỗ trợ nhóm đối tượng người lao động tự do trước ngày 30/4.

Việc triển khai càng sớm càng tốt và không có bất cứ chỉ đạo nào cho phép đến 15/5 mới hỗ trợ tới nhóm lao động tự do.

Để đảm bảo yếu tố công khai, Bộ trưởng đề nghị Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc VN cho phép, Mặt trận Tổ quốc các cấp cơ sở và đoàn thể được tham gia từ giai đoạn đầu trong việc rà soát lên danh sách, không chờ khi lập xong danh sách rồi mới giám sát.

Đồng thời, tổ chức công đoàn cũng được để cao vai trò chủ động trong việc xác nhận, giám sát và hỗ trợ với doanh nghiệp trong việc lập danh sách người lao động bị ảnh hưởng.

Đừng để "dê, gà đi lạc đường..."

"Bộ LĐ-TB&XH và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đều nhận định, đây là một cái gói an sinh xã hội quan trọng. Chúng tôi mong muốn làm sao đừng để xảy ra tình trạng "dê, gà đi lạc đường" và không để ai phải bị xử lý về Đảng, về chính quyền và các hình thức kỷ luật khác vì sai phạm trong thực hiện” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung kỳ vọng.

 Hoàng Mạnh