Bỏ biên chế bậc đại học, giảng viên quá mừng?
“Nếu các trường ĐH chuyển đổi từ biên chế sang hợp đồng lao động, tôi nghĩ những giảng viên tài năng họ sẽ vô cùng mừng rỡ và sẽ ra đi khỏi trường Đại học ngay lập tức để thỏa sức tung hoành với cuộc sống thoải mái và đầy đủ” - TS Vũ Thu Hương, giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội bày tỏ quan điểm trước chủ trương bỏ biên chế bậc ĐH của Bộ GD ĐT.
“Ngày hôm qua, khi đọc bài viết Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu rằng sẽ bỏ biên chế tại trường ĐH, tôi đã nghĩ đến một tương lai khá không ổn cho các trường ĐH. Hiện trường ĐH là nơi làm việc của rất nhiều nhân tài, ở đó có những người thực sự giỏi. Tuy rằng vẫn còn có một số giảng viên chưa phải là tài năng nhưng kiến thức của họ thường nhiều đủ để làm ở rất nhiều môi trường khác nhau.
Khi mới ra trường, đi tìm việc làm, công việc giảng viên ĐH là một nghề nghiệp mơ ước của rất nhiều cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ. Khi đó họ tuy có khả năng nhưng chưa có đất dụng võ, họ chưa thể hiện được bản thân nên cũng còn đôi chút lo lắng. Vào trường ĐH để làm việc là một điều tuyệt vời nhất. Ở đó, họ được học tiếp lên cao học, tiến sĩ và cao hơn nữa. Họ có môi trường để nghiên cứu khoa học và phát triển tài năng của mình.
Đến tầm 35, 40 trở lên, phần lớn giảng viên đã lấy bằng tiến sĩ, có người còn có chức danh Phó giáo sư, Giáo sư. Công trình nghiên cứu của họ đã rất nhiều. Lúc này, khả năng của họ đã được khẳng định. Danh tiếng của họ được hình thành và phát triển.
Đến lúc này, công việc giảng viên ĐH không còn là quá tuyệt vời nữa khi họ thấy mức lương ba cọc ba đồng vẫn đeo bám họ suốt bao năm. Ngoài chế độ bảo hiểm do biên chế đem lại, họ làm vì bổn phận, vì đam mê hoặc vì chính sự ràng buộc biên chế mà họ đã ký cách đó hơn chục năm.
Chắc chắn rất nhiều các lưu học sinh là giảng viên ĐH sẽ chứng thực cho tôi rằng: trước khi đi ra nước ngoài học tập cao học, tiến sĩ, họ đều phải ký 1 bản cam kết là sau khi học sẽ trở về phục vụ cơ quan, phục vụ trường ĐH đã cho họ ra nước ngoài học tập.
Khi trở về nước, họ thực hiện cam kết của họ. Đến khi hết cam kết, biên chế là thứ duy nhất níu chân họ. Ra khỏi biên chế không dễ dàng gì, họ ngại phải làm thủ tục, họ ngại làm mất lòng những thầy cô đã hết lòng vì họ, họ ngại có sự ầm ĩ trong cơ quan khi bỏ biên chế….
Lương bổng vẫn rất thấp, nhưng những cơ quan, doanh nghiệp bên ngoài lúc này sẵn sàng trả cho họ lương gấp 5 đến 10 lần để họ làm bán thời gian ở nơi đó. Đến lúc này, các giảng viên cảm thấy trường ĐH đang trả lương cho họ quá ít. Vì biên chế, họ ở lại tiếp tục công hiến và giảng dạy.
Ở khoa của tôi, rất nhiều các giảng viên đã được các doanh nghiệp mời làm bán thời gian với mức lương 30-50 triệu đồng, thậm chí 70 triệu đồng/tháng. Họ từ chối để tiếp tục hoàn thành trách nhiệm của họ tại trường ĐH vì sự tự trọng, vì trách nhiệm và đặc biệt là vì họ còn đang trong biên chế.
Nếu giờ đây, Bộ GD-ĐT bỏ chế để đổi thành hợp đồng lao động ở các trường ĐH, tôi nghĩ rằng sẽ có một lượng khá lớn những nhân tài ra đi ngay lập tức. Không còn ràng buộc biên chế, họ sẽ thỏa sức tung hoành ở những lĩnh vực mà họ làm chuyên gia. Điều đó vừa giúp họ thực hiện những ước mơ, biến những nghiên cứu của riêng họ thành hiện thực, vừa đem lại cho họ cuộc sống khá giả với mức lương cao gấp 10, 15 lần khi họ còn ngồi trên giảng đường ĐH.
Tôi muốn hỏi Bộ trưởng Nhạ, liệu Bộ trưởng có thể cho giảng viên chúng tôi mức lương như vậy hay không? Sau 20 năm làm việc tại trường ĐHSPHN, mức lương của tôi hiện giờ vẫn là 7 triệu đồng. Liệu bộ trưởng có thể cho một người như tôi mức lương cao hơn gấp 5, 10 lần như các doanh nghiệp đã mời chào hay không?
Đó mới chỉ là tôi, một giảng viên chưa thực sự nhiều uy tín và kinh nghiệm trong giới khoa học. Còn các "đại giáo sư" với 30, 40, 50 năm kinh nghiệm, liệu Bộ trưởng Nhạ sẽ trả lương cho họ bao nhiêu?
Chúng tôi, giảng viên ĐH, có tiết thì vào dạy, không có thì phải ở nhà vì không có bàn làm việc trong cơ quan, điều kiện thí nghiệm, nghiên cứu khoa học cũng kém, mức lương thì quá tệ. Điều mà giữ chân chúng tôi chỉ ở biên chế, khi việc rời bỏ biên chế giờ còn là vô cùng khó khăn và ít nhiều đem lại sự ầm ĩ, xôn xao mà không ai muốn có.
Nếu Bộ trưởng muốn những người thực sự có khả năng ra đóng góp cho doanh nghiệp hết, còn ai sẽ ở lại đào tạo sinh viên? Tôi nghĩ, đã đến lúc việc bỏ biên chế nên xem xét lại một cách nghiêm túc chứ không phải là câu chuyện phát biểu mỗi lúc một khác như hiện nay.
Điều cuối cùng tôi muốn khẳng định, nếu các trường ĐH chuyển đổi từ biên chế sang hợp đồng lao động, tôi nghĩ những giảng viên tài năng họ sẽ vô cùng mừng rỡ và sẽ ra đi khỏi trường ĐH ngay lập tức để thỏa sức tung hoành với cuộc sống thoải mái và đầy đủ. Vì vậy, Bộ GD-ĐT trước tiên cần cân nhắc kỹ lưỡng vấn đề này.
Nếu bộ có đủ người thay thế cho lực lượng giảng viên tài năng đi khỏi trường ĐH khi bỏ biên chế, tôi nghĩ việc bỏ biên chế chắc chắn sẽ được hoan nghênh nhiệt liệt. Còn nếu không, việc bỏ biên chế tại trường ĐH đúng là cần xem xét lại trước khi thực hiện.
Theo TS Vũ Thu Hương, giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội/Danviet.vn