1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Bình Dương: 60.000 lao động sẽ mất việc nếu dịch Covid-19 lan rộng

Xuân Hinh

(Dân trí) - Nhiều doanh nghiệp tại Bình Dương đã bắt đầu có đơn hàng mới, tuyển dụng lao động trở lại. Tuy vậy, nếu dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng sẽ có thêm 60.000 lao động phải ngưng việc.

Bình Dương: 60.000 lao động sẽ mất việc nếu dịch Covid-19 lan rộng - 1
Nhiều doanh nghiệp đã có dấu hiệu hồi phục sau thời gian bị ngưng trệ do Covid-19.

Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương vừa có dự báo về tình hình lao động việc làm trong những tháng cuối năm 2020. Dự báo cho biết sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các doanh nghiệp đang có dấu hiệu hồi phục sản xuất.

Tháng 8/2020 chỉ có khoảng 8.000 lao động thất nghiệp, giảm 50% so với các tháng trước đó. Nhiều doanh nghiệp đã tuyển dụng hàng trăm lao động trong các lĩnh vực may mặc, đồ gỗ...

Trước tình hình trên, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương đưa ra hai tình huống dự báo tình hình lao động, việc làm trong những tháng cuối năm 2020.

Tình huống thứ nhất, nếu dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến theo chiều hướng tích cực các doanh nghiệp trên địa bàn sẽ nhanh chóng ổn định sản xuất. Nhiều doanh nghiệp mới sẽ được thành lập và các doanh nghiệp sẽ mở rộng sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Cụ thể, khoảng 4.000 doanh nghiệp trong nước sẽ được thành lập, 89 dự án đầu tư nước ngoài được cấp phép đầu tư. Các doanh nghiệp trên sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 25.000 - 32.000 người lao động, tập trung vào các ngành nghề: giày da, may mặc, may nệm ghế sofa, gỗ, dịch vụ, thực phẩm..

Từ tháng 9 trở đi là thời điểm gia tăng hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại phục vụ các dịp lễ, Tết. Lúc này, nhiều việc làm ngắn hạn, tạm thời thu hút việc làm cho người lao động, hạn chế tình trạng lao động ngừng việc, mất việc.

Bình Dương: 60.000 lao động sẽ mất việc nếu dịch Covid-19 lan rộng - 2
Nếu dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng, dự báo sẽ có nhiều lao động phải ngưng việc.

Với tình huống thứ hai, nếu dịch Covid-19 diễn biến theo chiều hướng tiêu cực, các doanh nghiệp hoạt động trong một số ngành sẽ gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh như: Khu vực dịch vụ (ngành lưu trú, ăn uống, du lịch, vận tải…); khu vực công nghiệp - xây dựng (ngành dệt may, giày da, sản xuất trang phục, chế biến gỗ, chế biến thực phẩm, xây dựng…).

Dự kiến có khoảng 45.000 - 60.000 người lao động sẽ bị ảnh hưởng phải ngừng việc, nghỉ việc.

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương, từ nay đến cuối năm, Sở sẽ triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động trong việc kết nối thị trường lao động. Tiếp tục tăng tần suất tổ chức sàn giao dịch việc làm, phiên giao dịch việc làm mini, sàn giao dịch việc làm trực tuyến (tư vấn qua các tiện ích trên sàn giao dịch trực tuyến, qua Email, Facebook, Skype, …).

Tiếp tục giới thiệu việc làm thông qua các hình thức tư vấn trực tiếp, qua mạng, điện thoại, tin nhắn. Đặc biệt, Sở sẽ quan tâm việc tư vấn - giới thiệu việc làm cho lực lượng sinh viên mới ra trường thông qua hình thức đến tư vấn - giới thiệu việc làm trực tiếp tại các buổi lễ tốt nghiệp tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn.

Sở sẽ chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thực hiện hiệu quả việc tư vấn, giới thiệu việc làm, tư vấn hỗ trợ học nghề và giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho người lao động bị mất việc làm. Hỗ trợ lao động bị mất việc làm nhanh chóng ổn định cuộc sống, tìm kiếm việc làm mới.

Tiếp tục liên kết, cung cấp thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp tại tỉnh Bình Dương với các tỉnh có lực lượng lao động cần việc thông qua hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh. Triển khai thông tin nhanh để thu hút, đưa người lao động về Bình Dương làm việc đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.

Thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương cho thấy, 8 tháng đầu năm 2020, hơn 13.000 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động. Trên 54.000 lao động phải ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương. Hơn 94.000 lao động phải thực hiện giảm giờ làm việc.

Về chính sách trợ cấp thôi việc, đa số các doanh nghiệp chỉ đảm bảo thực hiện theo quy định do Bảo hiểm xã hội chi trả. Việc trả thêm cho người lao động 1 tháng lương/mỗi năm thâm niên chỉ có gần 20 doanh nghiệp thực hiện (mỗi doanh nghiệp khoảng 30 lao động).