1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Biết nguy hiểm, vì sao công nhân vẫn vay tiền từ công ty tài chính?

Câu chuyện vay tín dụng trong công nhân, đặc biệt là từ các công ty tài chính đang xuất hiện nhiều rủi ro.

Thế nhưng, đại đa số công nhân lại đang lựa chọn hình thức này dù biết trước những khó khăn như phải trả lãi suất cao, không được giữ hợp đồng pháp lý, không hiểu cách tính lãi…

Câu chuyện vay tín dụng trong công nhân, đặc biệt là từ các công ty tài chính đang xuất hiện nhiều rủi ro. Thế nhưng, đại đa số công nhân lại đang lựa chọn hình thức này dù biết trước những khó khăn như phải trả lãi suất cao, không được giữ hợp đồng pháp lý, không hiểu cách tính lãi…

Biết hiểm hoạ, nhưng vẫn chấp nhận

Nắm bắt được những khó khăn, mối nguy hiểm có thể rình rập mình, nhưng công nhân vẫn chấp nhận vay vốn từ những nguồn phi chính thức - một kết quả đáng chú ý vừa được nhóm nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á - CVSEAS (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TPHCM) đưa ra mới đây. 

Biết nguy hiểm, vì sao công nhân vẫn vay tiền  từ công ty tài chính? - 1
Biết nguy hiểm, công nhân vẫn chấp nhận vay tiền từ công ty tài chính. Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn

Nghiên cứu của TS Trần Đình Lâm (Chủ nhiệm đề tài “Thực trạng và tác động của tín dụng đối với công nhân tại các tỉnh thành phía Nam”) đã chỉ ra những con số đáng giật mình về thực trạng vay tín dụng của công nhân hiện nay. Qua khảo sát, lấy ý kiến của công nhân tại 7 tỉnh thành phía Nam, kết quả cho thấy có đến 98,7% công nhân tham gia khảo sát cho rằng nguồn vốn từ ngân hàng luôn cần thiết cho các khoản chi tiêu của họ.

Tuy nhiên, chỉ có 8,7%-10% số công nhân trong 5 năm qua khi có khó về tiền đã thực hiện vay thế chấp và tín chấp từ ngân hàng. Con số này lại tăng lên tới 71,3% khi lựa chọn vay tiền từ các công ty tài chính.

Cũng trong 5 năm qua, khoảng 71,3% số người được hỏi đã thực hiện ký từ 1 đến 4 hợp đồng  vay tín chấp từ các công ty tài chính. Ở một lần vay, chưa tới 5% người vay dưới 10 triệu. Đa số 95% còn lại vay từ 10 đến 80 triệu. Trong đó, vay từ 50-80 triệu đồng chiếm 27,1%.

Theo khảo sát, số tiền vay chủ yếu sử dụng cho mục đích chi tiêu cho gia đình, giáo dục và sửa nhà, con số này chiếm tới 76,6%. Số còn lại dành cho trả nợ vay trước, chữa bệnh, giúp đỡ cha mẹ, làm ăn.

Theo TS Trần Đình Lâm - Giám đốc CVSEAS - nguyên nhân của việc công nhân ngại hoặc không thể tiếp cận với các nguồn vay từ ngân hàng là do không có thời gian làm hồ sơ, thủ tục nhiều, việc giải ngân chậm... Đối với công nhân, mức độ nắm giữ quyền tài sản như nhà, đất có tỉ lệ rất nhỏ nên cũng khó có tài sản thế chấp nếu muốn vay ngân hàng.

Trái ngược, những khó khăn này sẽ dễ dàng được giải quyết tín chấp từ công ty tài chính. Ý kiến công nhân cho rằng, họ thuận lợi khi vay từ công ty tài chính như hồ sơ vay dễ, không cần tài sản tín chấp, có tiền nhanh, không tốn phí hồ sơ, vay được nhiều lần, được giữ bí mật các khoản vay.

Đáng chú ý, có 100% công nhân xác định được khó khăn khi vay từ công ty tài chính như phải trả lãi suất cao, không được giữ hợp đồng pháp lý. Ngoài ra, trên 90% cho biết họ không hiểu cách tính lãi trong các giao dịch này. Một số vấn đề khác cũng gây bất tiện như lãi suất tăng rất cao khi chậm trả, muốn trả trước cũng khó, thường các hợp đồng đều vay từ 18 tháng trở lên.

Chỉ ra căn nguyên trong sự lựa chọn hợp đồng vay nợ của công nhân, ThS Phạm Thanh Thôi cho rằng, nguyên nhân không đến từ một yếu tố đơn lẻ, mà là sự kết hợp của các yếu tố như vốn xã hội, vốn văn hóa, vốn kinh tế cùng những nhu cầu, thói quen, hành vi tiêu dùng khác nhau của công nhân hiện đang biến chuyển rất nhanh và có tác động.

“Do thu nhập còn thấp, phần lớn từ 5-7 triệu đồng/tháng nên ít có khoản tích luỹ, không có tài sản thế chấp. Khi gặp khó khăn, khủng hoảng, phần lớn công nhân dễ chấp nhận hình thức vay phi chính thức dù biết có thể đối mặt với rủi ro. Họ tiếp cận vay vốn như một nhu cầu tất yếu”, ông Thôi cho hay.

Công nhân tự “trói” mình bằng hợp đồng vay không rõ ràng

Dù nhận thức được những rủi ro nhưng do không biết dựa dẫm hay bấu víu vào đâu nên nhiều công nhân đã ký vào các hợp đồng vay vốn không rõ ràng.

Để giải quyết vấn đề này, TS Trần Đình Lâm cho rằng cần một cơ chế chính sách tổng thể để công nhân dễ dàng tiếp cận với các khoản vay. Đặc biệt, cần chú trọng tới khống chế mức lãi suất trần hợp lý cho các công ty tài chính bởi thực tế, có những nơi cho vay với mức lãi suất tới 70%/năm.

Từ các nghiên cứu trên, nhóm nghiên cứu đề xuất nhà nước hỗ trợ chính sách, ngân hàng cần có chế độ mềm mỏng hơn trong làm thủ tục vay vốn, tạo điều kiện cho công nhân có thể tiếp cận các khoản vay này. Mỗi doanh nghiệp cần đảm bảo thu nhập của người công nhân để nâng cao đời sống.

Đặc biệt, vai trò của các tổ chức xã hội, đoàn thể, doanh nghiệp phải được nâng lên rõ rệt.

“Không chỉ dừng ở việc giúp đỡ về mặt tinh thần, các tổ chức xã hội, đoàn thể, doanh nghiệp cần giúp công nhân những chính sách thiết thực cả về đời sống vật chất ví dụ như tạo khoản vốn vay trong công ty, bảo lãnh cho công nhân có thể vay vốn tại ngân hàng. Nếu mỗi doanh nghiệp, mỗi người làm tổ chức xã hội, đoàn thể đều suy nghĩ cho công nhân, không sợ trách nhiệm, tạo được uy tín và đạo đức để người công nhân tin tưởng và xin giúp đỡ khi gặp khó khăn thì chắc chắn sẽ hạn chế tình trạng người công nhân đối mặt với rủi ro khi vay vốn từ các nguồn phi chính thức”, TS Lâm chia sẻ.

Theo Huyên Nguyễn

Lao động