Bắt tay hợp tác và “bài toán” về ưu, nhược điểm

(Dân trí) - Khi hai doanh nghiệp cùng quyết tâm “góp gạo thổi cơm chung” nghĩa là họ đã và đang xây dựng mối quan hệ đối tác lâu dài. Nhưng, không phải lúc nào “góp gạo” cũng thổi được “cơm ngon”. Một cái nhìn bao quát về vấn đề hợp tác là điều rất quan trọng.

Bắt tay hợp tác và “bài toán” về ưu, nhược điểm  - 1
Ảnh minh họa

 

Chuyên gia nghề nghiệp John D. Rockefeller đã từng nói: “Tình bạn hình thành trên kinh doanh tốt hơn là kinh doanh hình thành trên tình bạn. Bởi, theo tôi thì nếu bạn tìm kiếm được bạn bè trên đấu trường kinh doanh, đó sẽ là bạn đối tác tri kỷ với sự thấu hiểu và thông nhất về quan điểm. Nếu bạn chọn bạn bè đời thường làm đối tác, thì một thực tế là bạn sẽ bị chi phối bởi tình cảm và điều này không hề có lợi cho những người kinh doanh. Để kinh doanh và hợp tác thành công thì ngoài việc chọn lựa đối tượng, bạn còn cần quan tâm đến những thách thức có thể xảy ra cũng như lợi ích có thể đón nhận. Vì vậy, trước khi bắt tay bất kỳ ai để cùng “thổi cơm chung” hãy xem xét bài toán về ưu và nhược điểm để có những quyết định đúng đắn”.

 

Ưu điểm của chiến dịch “góp gạo thổi cơm chung”

 

Ưu điểm đầu tiên khi nói đến việc “góp gạo thổi cơm chung” của các doanh nghiệp đó là  vấn đề tài chính. Khi hai doanh nghiệp bắt tay hợp tác thì tài chính của hai sẽ trở thành một hay chí ít là có sự hỗ trợ và bổ sung cho nhau để cùng phát triển.

 

Thứ hai là vấn đề về nguồn nhân lực. Cả hai doanh nghiệp sẽ có một sự kết hợp hoàn hảo khi nhân tài của bên này sẽ bổ sung cho bên kia và kinh nghiệm của bên kia sẽ truyền đạt lại cho bên này.

 

Đây là một trong những ưu điểm nổi bật khi bắt tay hợp tác bởi đây chính là điều kiện cần để giúp cả hai tăng lợi nhuận và thu được nhiều kết quả mỹ mãn trong kinh doanh.

 

Thứ ba là việc làm ăn với các đối tác bên ngoài cũng như việc phát triển và mở rộng doanh nghiệp sẽ trở nên dễ dàng hơn. Bởi, trước khi hợp tác mỗi doanh nghiệp đều có những bạn “làm ăn” tri kỷ. Vì vậy, khi hợp nhất sẽ tạo nên một lực lượng đối tác lớn.

 

Thứ tư là tất cả các đối tác đều có tiếng nói bình đẳng trong vấn đề tài chính, thúc đẩy sự đóng góp hết mình của họ trong công cuộc xây dựng chung.

 

Thứ năm, trong trường hợp thất bại thì đối tác sẽ là nơi chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp của bạn và giúp doanh nghiệp đứng lên sau thất bại.

 

Nhược điểm của chiến dịch

 

Cái gì cũng có hai mặt và chiến dịch “góp gạo thổi cơm chung” cũng không phải là ngoại lệ. Bên cạnh những ưu điểm nổi bật thì chiến dịch còn có những nhược điểm không thể không kể tới.

 

Thứ nhất, sự tồn tại của một mối quan hệ hợp tác thiếu năng lực về cả tài chính lẫn nguồn nhân lực sẽ là điềm báo cho một kết cục không có hậu.

 

Thứ hai, khi giải thể một quan hệ hợp tác thì sự bất bình và mâu thuẫn có thể xảy ra nếu như không có hợp đồng và văn bản rõ ràng.

 

Thứ ba, bình đẳng trong các quyết định đôi khi sẽ gây nên hiệu ứng trái chiều. Không thống nhất, tranh cãi và mâu thuẫn sẽ là điều rất dễ xảy ra.

 

Thư tư, thủ tục “từ chức” có thể bị cản trở bởi giao kèo trong hợp đồng. Cụ thể là, không cho phép đối tác được chuyển giao một phần hoặc từng phần của công ty chung ra bên ngoài mà không có sự chấp nhận của đối tác còn lại.

 

Nhìn chung….

 

Quan hệ đối tác là một mối quan hệ phức tạp và nhiều điều kiện. Tuy nhiên, thông qua quan hệ đối tác mà nhiều doanh nghiệp có được chỗ đứng trong thế giới kinh doanh. Vì vậy, khi hình thành mối quan hệ đối tác chủ doanh nghiệp cần suy xét kỹ lưỡng về đối tượng chọn làm đối tác bao gồm tình hình tài chính, tổ chức và quan trọng là có cùng quan điểm kinh doanh. Có như vậy, quan hệ đối tác mới phát huy hết những ưu điểm của nó.

 

Thảo My

Theo Buzzle