Bất ngờ với chiêu nuôi "loài cá của nữ hoàng" trong rừng sâu

Dương Nguyên

(Dân trí) - Một gia đình ở Hà Tĩnh đã nuôi thành công hàng trăm con cá tầm trong ao hồ cải tạo ở khu vực rừng biên giới giáp nước bạn Lào. Với giá xuất bán 250.000-300.000 đồng/kg, họ có thu nhập cao.

Trả nợ rừng

Những ngày tháng 10, trang trại nuôi cá tầm hàng trăm con của gia đình ông Lê Khắc Tân (61 tuổi, trú xã Phú Gia, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) đang vào vụ xuất bán.

Mô hình nuôi loài cá đặc sản này thành công tại vùng đất được mệnh danh là "chảo lửa" của miền Trung khiến chủ trang trại và nhiều người vui mừng.

Bất ngờ với chiêu nuôi loài cá của nữ hoàng trong rừng sâu - 1

Trang trại nuôi cá tầm của ông Tân nằm lọt thỏm giữa rừng và cạnh khe suối (Ảnh: Dương Nguyên).

Nuôi "loài cá của nữ hoàng" giữa vùng rừng núi giáp biên giới (Video: Dương Nguyên).

Trang trại nuôi cá tầm của ông Tân rộng khoảng 2.000m2, lọt thỏm giữa rừng xanh, cạnh khe suối Rào Trình, thuộc thôn Phú Lâm, xã Phú Gia. Nơi đây cách trung tâm thị trấn Hương Khê gần 30km, giáp biên giới với nước bạn Lào.

Ông Tân kể, năm 2011, rừng nguyên sinh tại địa phương bị "lâm tặc" tàn phá mạnh. Khi chứng kiến điều đó, ông đã liên hệ Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Tiêm, nay là Ban Quản lý rừng phòng hộ Hương Khê để nhận bảo vệ gần 400ha rừng. "Tôi cũng từng có nợ với rừng nên phải trả nợ rừng", ông kể.

Bất ngờ với chiêu nuôi loài cá của nữ hoàng trong rừng sâu - 2

Ông Tân (bên trái) và con trai vui mừng vì nuôi thử nghiệm thành công cá tầm (Ảnh: Dương Nguyên).

Để cải thiện bữa ăn trong thời gian ở đây, ông Tân cùng các công nhân bảo vệ rừng đã dựng nhà chòi, trồng cây ăn quả và cải tạo ao cá tự nhiên nuôi nhiều loại như chép, trắm, mè. Nhóm bảo vệ cũng nuôi thêm lợn rừng, bò và dê.

Tuy nhiên, việc nuôi các loại cá trên không thành công vì điều kiện thời tiết lạnh. Việc nuôi một số con vật khác cũng phải dừng lại vì ông Tân nhận thấy chúng phá cây trồng.

Bất ngờ với chiêu nuôi loài cá của nữ hoàng trong rừng sâu - 3

Mô hình nuôi cá tầm có hệ thống dẫn nước đảm bảo tuần hoàn (Ảnh: Dương Nguyên).

Năm 2021, qua mạng Internet và bạn bè ở thị xã Sapa (tỉnh Lào Cai) và tỉnh Lâm Đồng, ông Tân nghiên cứu, tìm hiểu về mô hình nuôi cá tầm.

Ông nhận thấy nhiệt độ tại các khe suối đổ về phù hợp với mô hình này. Mùa hè, nhiệt độ tại Hương Khê có thời điểm nóng hơn 40 độ C nhưng nước suối chỉ khoảng 23 độ C, còn mùa đông xuống 10-15 độ C.

Bắt đầu thu "quả ngọt"

Nghĩ là làm, ông Tân đã xin phép chính quyền địa phương về việc được nuôi thử nghiệm loài cá mới. Ông cũng mời cán bộ có kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh về đánh giá môi trường nước, điều kiện vệ sinh, tự nhiên.

Bất ngờ với chiêu nuôi loài cá của nữ hoàng trong rừng sâu - 4

Cá tầm thuộc loại đặc sản cao cấp vì giá trị dinh dưỡng cao (Ảnh: Dương Nguyên).

Khi có kết quả nơi đây thuận lợi cho việc nuôi cá tầm, ông Tân đã mạnh dạn chi gần 600 triệu đồng cải tạo ao nuôi như đắp lại bờ, trải bạt.

Mô hình nuôi cá tầm có hệ thống dẫn nước tuần hoàn. Nước chảy liên tục từ khe Rào Trình vào ao hồ vừa đảm bảo oxy cho cá, vừa được dẫn chảy ra ngoài theo ống ngầm nhằm giữ vệ sinh môi trường.

Bất ngờ với chiêu nuôi loài cá của nữ hoàng trong rừng sâu - 5

Nguồn nước và thức ăn cho cá luôn được ông Tân chú trọng (Ảnh: Dương Nguyên).

Bất ngờ với chiêu nuôi loài cá của nữ hoàng trong rừng sâu - 6

Cá tầm trưởng thành có trọng lượng mỗi con trên dưới 2kg, dài hơn 50cm (Ảnh: Dương Nguyên).

Tháng 10/2021, ông Tân đã thả nuôi khoảng 500 con giống, mỗi con dài 8-10cm. Theo ông Tân, cá tầm sống tầng đáy, ăn chìm, thức ăn khi còn nhỏ là cám có giá cao trên thị trường. Thời điểm cá tầm lớn, ông cho chúng ăn cám từ cá tạp xay nhỏ nhằm giúp thịt săn chắc, ngon.

"Thời gian đầu nuôi tôi cũng có cảm giác lo. Vừa nuôi tôi lại tiếp tục học hỏi kinh nghiệm để đảm bảo cho đàn cá phát triển tốt, tránh bệnh tật", ông chia sẻ.

Bất ngờ với chiêu nuôi loài cá của nữ hoàng trong rừng sâu - 7

Đây là loại cá đặc sản, có giá trị kinh tế cao (Ảnh: Dương Nguyên).

Và sau gần một năm nuôi thử nghiệm, đàn cá tầm hàng trăm con đã sinh trưởng tốt, trọng lượng mỗi con trên dưới 2kg, dài hơn 50cm.

Hiện ông Tân đã xuất bán được khoảng 300 con, số còn lại đang tiếp tục tiêu thụ. Với giá bán 250.000-300.000 đồng/kg, ông Tân dự kiến đạt doanh thu gần 300 triệu đồng.

Bất ngờ với chiêu nuôi loài cá của nữ hoàng trong rừng sâu - 8

Ông Tân đã đầu tư hàng trăm triệu đồng đắp lại bờ, trải bạt (Ảnh: Dương Nguyên).

Sau thành công ban đầu, thời gian tới, ông Tân dự kiến tiếp tục nuôi 5.000 con giống và sẽ tăng lên gấp đôi nếu liên kết được với thị trường phía Bắc để tiêu thụ.

Theo ông Dương Ngọc Hoàng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hương Khê, mô hình nuôi thử nghiệm cá tầm của gia đình ông Tân bước đầu đạt hiệu quả khá tốt. Thời gian tới, địa phương này sẽ đánh giá lại mô hình để có thể mở rộng và giúp người dân về mặt thị trường tiêu thụ.

Bất ngờ với chiêu nuôi loài cá của nữ hoàng trong rừng sâu - 9

Thời gian tới, ông Tân dự kiến tiếp tục nuôi 5.000 con giống và sẽ tăng lên gấp đôi nếu liên kết được với thị trường phía Bắc để tiêu thụ (Ảnh: Dương Nguyên).

Cá tầm là một trong những chi cá cổ nhất hiện còn tồn tại, chúng có nguồn gốc tại các vùng nước châu Âu, châu Á, Bắc Mỹ và nổi tiếng nhất là ở Nga. Tại nước Anh, cá tầm còn được gọi là "loài cá của nữ hoàng".

Loài cá này có đặc điểm thân dài, mõm bè ngang, nhọn, cấu tạo khung xương là những mô sụn mềm nên khi chế biến có thể ăn cả xương.

Ở Việt Nam, cá tầm chủ yếu được nuôi ở Sapa và Lâm Đồng... Thịt loài cá này trắng hồng mịn, ở những lát thịt có vân vàng, đặc biệt, thịt rất thơm và dai. Đây là loại cá đặc sản cao cấp vì giá trị dinh dưỡng cao, đặc biệt rất tốt cho bà bầu, trẻ em và người già.