Bắt “bệnh” nạn lao động Việt Nam bỏ trốn tại Hàn Quốc

(Dân trí) - Mất chi phí quá nhiều để được XKLĐ Hàn Quốc, mức chênh lệch lương quá lớn và cơ hội bỏ trốn làm việc bất hợp pháp là những yếu tố khiến nhiều lao động Việt Nam chưa muốn về nước dù đã hết hợp đồng lao động.

Thị trường XKLĐ Hàn Quốc “đóng băng” do tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn, làm việc bất hợp pháp tại Quốc gia này chưa thể giải quyết. Bộ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền thừa nhận, một số thị trường đang khó khăn về kinh tế nên việc tiếp nhận lao động Việt Nam bị hạn chế. Đó là các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia. Riêng thị trường Hàn Quốc, trung bình hàng năm tiếp nhận khoảng 15.000 lao động Việt Nam. Nhưng năm 2012 đã giảm xuống 9.000 và năm 2013 sẽ giảm nữa.

Báo cáo tại hội thảo công bố các nhân tố ảnh hưởng đến việc lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng lao động tại Hàn Quốc không về nước, ở lại cư trú và làm việc không có giấy tờ hợp pháp, do Cục Quản lý Lao động Ngoài nước (Bộ LĐ -TB&XH) vừa tổ chức cho biết: Việt Nam và Hàn Quốc bắt đầu ký kết biên bản ghi nhớ tiếp nhận lao động theo chương trình phái cử (EPS) từ năm 2004 và gia hạn 2 năm một lần.

Hàng nghìn người tại Nghệ An tham dự thi tuyển XKLĐ Hàn Quốc hồi cuối năm 2012
Hàng nghìn người tại Nghệ An tham dự thi tuyển XKLĐ Hàn Quốc hồi cuối năm 2012

Từ đó đến nay, Việt Nam đưa được 73.000 lao động sang Hàn Quốc làm việc. Tuy nhiên, do tình trạng lao động hết hạn hợp đồng, không về nước, bỏ trốn cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc ở mức cao, chiếm trên 50% (17.000 người), cao nhất trong tổng số 15 nước có ký kết EPS với Hàn Quốc.

Vì lý do này, từ 8/2012 đến nay, Hàn Quốc đã tạm dừng chương trình EPS với Việt Nam. Vì vậy, 12.000 lao động trong nước đã qua kỳ thi kiểm tra tiếng Hàn, nộp hồ sơ lên mạng để chủ Hàn Quốc lựa chọn không có cơ hội sang Hàn Quốc làm việc.
 
Tại hội thảo bà Nguyễn Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động & Xã hội (Bộ LĐ - TB&XH) đưa ra kết quả nghiên cứu cho thấy hai nguyên nhân chính khiến lao động Việt Nam bỏ trốn sau khi hết hợp đồng, đó là chênh lệch thu nhập và chi phí xuất cảnh. Trung bình, thu nhập việc làm của lao động Việt Nam tại Hàn Quốc cao gấp 7-10 lần so với tại Việt Nam.

Về số tiền để hoàn tất chi phí để xuất cảnh, có nhiều người phải bỏ ra tới 80 đến 200 triệu đồng.Chính vì vậy,  sau khi kết thúc hợp đồng 4 - 6 năm, một lao động thế gửi về gia đình khoảng 50.000 -70.000 USD nhưng nhiều người vẫn muốn bỏ trốn để gỡ lại chi phí bỏ ra. Bên cạnh đó, do pháp luật của Hàn Quốc chưa nghiêm với hành vi sử dụng lao động bất hợp pháp. Do đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hàn Quốc không ngại sử dụng lao động bất hợp pháp vì không mất công đào tạo lại, khi cần có thể sa thải ngay. Trong khi đó, mức phạt cho hành vi này quá nhẹ, không thấm gì so với lợi ích kinh tế của việc sử dụng lao động trái phép nên họ không ngại vi phạm. Nghiên cứu cũng cho thấy do rất nhiều lao động của ta đi làm việc ở nước ngoài nhận thức pháp luật kém, sẵn sàng bỏ qua lợi ích tập thể để bỏ trốn nhằm gỡ lại chi phí và kiếm thêm thu nhập.

Tuy nhiên, từ góc độ cơ quan quản lý, Thứ trưởng Bộ LĐ- TB&XH Nguyễn Thanh Hòa chưa đồng tình với một số kết quả của cuộc khảo sát. Theo ông Hòa, khảo sát cho thấy trung bình mỗi lao động Việt Nam mất khoảng 1 năm làm việc để thu lại chi phí xuất cảnh, nhưng theo tính toán của Bộ, trung bình chỉ mất 2-3 tháng. Về số tiền 80-200 triệu mà nhiều lao động phải chi ra để xuất cảnh, ông Hòa cho rằng, nhiều lao động trong đó cố tình khai gian chi phí để xin thêm tiền của gia đình cho các mục đích cá nhân khác.

Về giải pháp tháo gỡ, đại nhiều đơn vị quản lý và thực hiện đều cho rằng, cần phải tăng tính rằng buộc pháp lý giữa người đi xuất khẩu lao động và thân nhân ở nhà để hạn chế việc bỏ trốn. Bên cạnh đó, nên xét tới phương án ký quỹ chống trốn bằng một khoản tiền nhất định.

Phạm Thanh