Bảo vệ trẻ khỏi xâm hại tình dục ở vùng núi vẫn kiểu “việc ai nấy làm”

(Dân trí) - Bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại tình dục là trách nhiệm của gia đình và toàn xã hội. Với địa bàn tỉnh Đắk Nông, công tác này cần nhiều hành động cụ thể và sự liên kết chặt giữa các ban, ngành, đoàn thể...

Con bị xâm hại, người tố cáo, người thỏa hiệp

Tháng 5/2019, tại huyện Đắk G’Long, đối tượng Hoàng Văn Hà (SN 1998) đã nhiều lần xâm hại tình dục với cháu C. (SN 2006) khiến bé gái này có thai. Trước sự việc trên, gia đình Hà đã đến nhà cháu C. để thỏa thuận bồi thường tiền tổn hại sức khỏe, danh dự, nhân phẩm với số tiền 100 triệu đồng.

Đến ngày 9/3/2020, C. sinh 1 bé gái. Kết quả giám định ADN xác định bé gái là con đẻ của Hà. Tuy nhiên, trong thời gian này, Hà chỉ đưa cho gia đình cháu C. 10 triệu đồng rồi bỏ về quê tại Cao Bằng sinh sống.

Bảo vệ trẻ khỏi xâm hại tình dục ở vùng núi vẫn kiểu “việc ai nấy làm” - 1

Đối tượng Hoàng Văn Hà tại cơ quan công an

Sự việc chỉ bị phát hiện, Hoàng Văn Hà chỉ bị bắt giữ khi đối tượng này không thực hiện đúng giao kết lại bỏ trốn về quê và gia đình nạn nhân đến cơ quan công an tố cáo.

Cũng tại huyện Đắk G’long, một bé gái bị chính bố đẻ xâm hại tình dục. Phát hiện sự việc, dù bị chồng đe dọa, mẹ của bé gái này đã cùng con bỏ trốn khỏi địa phương rồi tố cáo hành vi thú tính của người chồng.

Theo VKSND huyện Đắk G’Long, từ tháng 5/2019- tháng 2/2020, Phạm Văn Tuyển (SN 1985) đã 10 lần xâm hại tình dục cháu H. (SN 2006, con gái đối tượng). Mỗi khi thực hiện hành vi giao cấu, Tuyển đều đưa thuốc tránh thai cho cháu H. uống và đe dọa sẽ giết cháu nếu tiết lộ với ai.

Bảo vệ trẻ khỏi xâm hại tình dục ở vùng núi vẫn kiểu “việc ai nấy làm” - 2

Nhiều nữ nạn nhân và gia đình vẫn chưa dám tố cáo vì bị đe dọa

Cùng một địa phương, cùng thời điểm, nạn nhân mới 14 tuổi, tuy nhiên hai sự việc trên lại được hai gia đình nạn nhân giải quyết khác nhau.

Có gia đình nạn nhân đã “thỏa hiệp” để giải quyết, nhưng cũng có bị hại dám đứng lên tố cáo dù đó là người thân của mình.

Theo bà Nguyễn Thị Hương, Phó Giám đốc Sở -TB&XH tỉnh Đắk Nông, việc hành xử với đối tượng xâm hại tình dục trẻ em cho thấy, cách nhìn nhận mức độ, cách đánh giá tính chất của sự việc khác nhau của gia đình nạn nhân.

Tuy nhiên, cần khẳng định lại rằng, xâm hại tình dục trẻ em là hành vi vi phạm pháp luật, đáng bị lên án và chịu sự trừng phạt.

Bảo vệ trẻ khỏi xâm hại tình dục ở vùng núi vẫn kiểu “việc ai nấy làm” - 3

Vai trò của bố mẹ, của người giám hộ là đặc biệt quan trọng để bảo vệ trẻ khỏi bị xâm hại tình dục

Từ hai sự việc trên, bà Hương cho rằng, vai trò của bố mẹ, của người giám hộ của trẻ là đặc biệt quan trọng. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, hầu hết các nạn nhân bị xâm hại tình dục đều sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, bố mẹ là lao động chân tay, nhận thức còn hạn chế về vấn đề giới tính, xâm hại tình dục trẻ em.

“Để hạn chế tình trạng xâm hại tình dục trẻ em, gia đình, nhất là bố mẹ phải trang bị cho con những kiến thức cơ bản nhất; gần gũi, tâm sự cởi mở với con và đặc biệt là phải báo với chính quyền nếu con có dấu hiệu bị xâm hại tình dục. Đặc biệt, phải coi trẻ là đối tượng trung tâm của sự bảo vệ trong mỗi gia đình”, Phó Giám đốc Sở -TB&XH tỉnh Đắk Nông nhấn mạnh”, bà Hương nói.

“Bảo vệ trẻ em bằng hành động !”

Để hạn chế tối đa được những sự việc đau lòng, đồng thời giúp học sinh được trang bị những kiến thức cần thiết, Phòng GD-ĐT TP. Gia Nghĩa đã xây dựng một chuyên đề riêng về vấn đề giới tính, sức khỏe sinh sản. Đây cũng là đơn vị đầu tiên của tỉnh Đắk Nông tiên phong trong việc mời chuyên gia tâm lý về nói chuyện về vấn đề này.

Không chỉ học sinh, giáo viên trên địa bàn được chia sẻ những kiến thức giới tính mà ngay cả phụ huynh học sinh của mời đến nghe chuyên gia nói chuyện.

Bảo vệ trẻ khỏi xâm hại tình dục ở vùng núi vẫn kiểu “việc ai nấy làm” - 4

Phòng GD-ĐT TP. Gia Nghĩa là đơn vị tiên phong trong việc mời chuyên gia tâm lý về nói chuyện về giáo dục giới tính

Bà Phạm Thị Hà, Trưởng Phòng GD-ĐT TP. Gia Nghĩa cho rằng, những kiến thức về giới tính thì ai cũng biết nhưng không phải ai cũng mạnh dạn đề cập. Để việc truyền tải nội dung có hiệu quả, ngành giáo dục đã mời chuyên gia tâm lý từ TP. Hồ Chí Minh về để thực hiện nhiệm vụ quan trọng nhất là “nói những gì mà phụ huynh, thầy cô giáo chưa nói”.

“Tại các buổi nói chuyện, học sinh và giáo viên rất cởi mở, chuyên gia cũng rất nhiệt tình giải đáp. Phải nói rằng, có những điều mà trước đây giáo viên, học sinh e ngại, lảng tránh đều được chuyên gia chia sẻ rất kỹ, rất tế nhị và nhẹ nhàng", bà Hà cho biết.

Bà Hà cũng khẳng định thêm, trong thời gian tới, ngành giáo dục sẽ tiếp tục triển khai các chương trình này để việc phòng chống xâm hại tình dục trẻ em đạt hiệu quả tốt nhất.

Bảo vệ trẻ khỏi xâm hại tình dục ở vùng núi vẫn kiểu “việc ai nấy làm” - 5

Hiện nay, bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại chỉ dừng lại ở việc tuyên tuyền, giáo dục

Tháng 6 hàng năm, tỉnh Đắk Nông đều triển khai tháng hành động vì trẻ em với khẩu hiệu “lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động”. Tỉnh này kêu gọi toàn xã hội tổ chức các hoạt động thiết thực vì trẻ em, trong đó quan tâm đến trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Tuy nhiên, đánh giá chung, việc bảo vệ trẻ em vẫn theo kiểu “việc ai nấy làm”, mới dừng lại ở chuyện tuyên truyền, giáo dục.

Bà Nguyễn Thị Hương, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Nông cho rằng, với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị đã hoàn thành công việc của mình là truyền tải những chủ trương, chính sách của nhà nước đến các đơn vị trong việc bảo vệ trẻ em.

Bảo vệ trẻ khỏi xâm hại tình dục ở vùng núi vẫn kiểu “việc ai nấy làm” - 6

Phòng Cảnh sát hình sự tỉnh Đắk Nông đến tận thôn, buôn để tuyên truyền về xâm hại tình dục

“Mỗi cơ quan, đơn vị có trách nhiệm, đối tượng khác nhau. Hiện nay ngoài Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh thì mỗi Sở, ngành và các cấp hội sẽ có chương trình, kế hoạch và nội dung riêng để bảo vệ trẻ em. Mỗi năm, sẽ có đợt tổng kết để đánh giá lại kết quả”, bà Hương nói.

Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đắk Nông cũng cho biết thêm “Việc tuyên truyền nhiều nhưng vẫn có hậu quả xảy ra. Thực tế này không chỉ ở Đắk Nông mà các địa phương khác đều có”.

Trong khi đó, ông Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông đánh giá, các nội dung về giáo dục giới tính đã được đưa vào trường học. Tuy nhiên, thầy cô giáo cần phải tăng cường hơn nữa việc giáo dục này bởi cứ theo khung chương trình giảng dạy thì chưa đủ.

Dương Phong