1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Bảo vệ trẻ em thế hệ số - cần những giải pháp số

Sự phát triển của công nghệ và mạng internet đang ảnh hưởng mạnh mẽ và làm thay đổi nhiều thói quen sinh hoạt của mọi người, mọi gia đình, trong đó có những tác động to lớn đối với trẻ em.

Bảo vệ trẻ em thế hệ số -  cần những giải pháp số - 1
Sự phát triển của công nghệ và mạng internet có những tác động to lớn đối với trẻ em. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Ngày nay, nhiều trẻ em tiếp xúc với mạng ngay từ giai đoạn nhận biết sự vật, học nói… Trẻ em học nhiều điều từ mạng internet, song môi trường trên mạng cũng mang lại rất nhiều rủi ro, nguy cơ xâm hại, mất an toàn cho trẻ em.

Để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, cần những giải pháp tổng thể, từ truyền thống, áp dụng công nghệ thông tin và đặc biệt cần sự vào cuộc của  liên ngành,  liên quốc gia, của mọi cá nhân và các tổ chức chính trị, xã hội.

Mạng ảo, nguy cơ thật

Năm 2019, theo thống lê của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) và Liên minh Viễn thông thế giới (ITU), trên thế giới hiện có hơn 2,2 tỷ người dưới 18 tuổi đang truy cập internet hàng ngày. Bình quân cứ ba người truy cập internet, có một trẻ em. 

Bà Lesley Miller, Phó Trưởng đại diện của UNICEF tại Việt Nam khẳng định: Công nghệ đã thay đổi cuộc sống theo vô số cách thức khác nhau. Hàng triệu trẻ em được hưởng lợi từ các dịch vụ công nghệ thông tin, nhưng chính mạng internet cũng làm gia tăng tỷ lệ trẻ em bị lạm dụng tình dục, bị vướng vào các tệ nạn xã hội, là nạn nhân của bạo hành, lợi dụng…

Kết quả thăm dò ý kiến trẻ em và thanh thiếu niên của UNICEF tại Việt Nam cho thấy, 1/5 số trẻ em được hỏi cho biết mình đã từng là nạn nhân của đe doạ trực tuyến trên mạng internet. Ngoài ra, hơn 75% số trẻ thanh thiếu niên ở Việt Nam không biết tìm kiếm sự giúp đỡ ở đâu, theo số điện thoại, địa chỉ nào khi cần trợ giúp về những vấn đề trên mạng.

Theo số liệu của Cục Trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và xã hội, sau gần 16 năm hoạt động, Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em với đầu số điện thoại 111 (gọi tắt là tổng đài 111) đã nhận trên 4 triệu cuộc gọi đến trao đổi về các vấn đề liên quan đến trẻ em. Số lượng cuộc gọi đến tổng đài 111 tăng đều hàng năm. Trong 5 tháng đầu năm 2020, Tổng đài 111 đã nhận hơn 230.000 cuộc gọi đến để nhờ tư vấn, hỗ trợ, can thiệp về các vụ việc về trẻ em.

Bà Nguyễn Thị Kim Hoa, Trưởng phòng bảo vệ trẻ em, Cục trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và xã hội nhận định: Những vấn đề xâm hại trẻ em trên mạng ngày càng đa dạng và phức tạp. Bà Kim Hoa cho biết, trong thời gian dịch COVID-19 vừa qua, tổng đài 111 tiếp nhận khoảng 300 cuộc gọi của phụ huynh phản ánh về việc gia đình cảm thấy lo lắng, lúng túng khi phát hiện ra con mình có truy cập vào những trang thông tin xấu (web đen) trong quá trình sử dụng máy tính để học trực tuyến tại nhà. Như vậy, phương thức học trực tuyến (online) là xu hướng giáo dục trong tương lai vừa được triển khai rộng, ngay lập tức xuất hiện những vấn đề đáng lo ngại cho trẻ em khi sử dụng.

Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao A05, Bộ Công an hàng năm tiếp nhận khoảng hơn 1.500 vụ việc liên quan đến trẻ em, tuy nhiên trong đó số lượng vụ việc về tội phạm xâm hại trẻ em trên môi trường mạng ngày càng chiếm tỷ lệ lớn hơn. 

Ông Nguyễn Văn Giang, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo: Trong điều kiện công nghệ phát triển như hiện nay, tội phạm đang chuyển dần lên môi trường mạng.

Trung tâm quốc gia về trẻ em mất tích và bị bóc lột NCMEC là tổ chức phi lợi nhuận được thành lập bởi Quốc hội Hoa Kỳ vào năm 1984 thực hiện việc thu thập thông tin trên tất cả các nền tảng xã hội về những mối quan ngại, những phản ánh khi trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng.  

Năm 2019, NCMEC ghi nhận hơn 300 nghìn phản ánh liên quan đến các vấn đề về trẻ em đến từ Việt Nam. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 3 (sau Indonesia và Philippin) trong số các quốc gia phản ánh về trẻ bị xâm hại trên môi trường mạng.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cho biết, trong cuộc sống thực, trẻ em được bảo vệ bởi nhiều thiết chế xã hội như gia đình, họ hàng người thân, nhà trường, trung tâm chăm sóc và hỗ trợ trẻ em... Tuy nhiên, trên môi trường mạng, hiện còn thiếu các thiết chế để bảo vệ trẻ em. Bất kỳ một trẻ em nào truy cập internet đều chịu nhiều nguy cơ tiềm ẩn từ việc bắt nạt trên mạng (cyberbullying), dụ dỗ qua mạng (grooming), lừa đảo qua mạng hay thậm chí là bị tấn công, xâm hại tình dục qua môi trường mạng. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc xây dựng đề án với những hành động cụ thể, thiết thực để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Nhiều hình thức xâm hại

Hiện nay, có 6 hình thức phổ biến về các nguy cơ xâm hại trên mạng xã hội mà trẻ em, đặc biệt trẻ em từ 11 đến 16 tuổi thường gặp phải. Thứ nhất, trẻ tiếp cận với quá nhiều thông tin giả (fake news) trên mạng. Thứ hai, trẻ em dễ dàng bị bắt nạt trên mạng.

Theo các chuyên gia tâm lý, việc trẻ bị bắt nạt trên mạng đôi khi để lại hậu quả nhiều hơn khi trẻ bị bắt nạt trong thực tế. Bởi lẽ, nếu bị bắt nạt ngoài đời, trẻ có thể sẽ quên sau một thời gian. Nhưng khi bị bắt nạt trên mạng, bị ghi lại hình ảnh và phát tán trên mạng hoặc trong cộng đồng thì nỗi ám ảnh về việc bị bắt nạt ngày càng gia tăng và nhiều trẻ em cảm thấy không có lối thoát. Khi bị chia sẻ các clip về bạo hành, bắt nạt, nhiều trẻ em đã không dám quay lại trường học và khó khăn trong việc hòa nhập cộng đồng.

17% các bậc cha mẹ ở Hoa Kỳ được hỏi trả lời là biết là con đã từng bị bắt nạt trên mạng. Ở nhiều quốc gia khác, con số này lên đến 40%. Nguy cơ thứ ba là khi ngày cành nhiều những trò chơi của trẻ em có kết nối internet dẫn đến nguy cơ lộ lọt thông tin cá nhân của trẻ em. Những thông tin này theo quy định pháp luật của nhiều nước là thông tin không được thu thập, tuy nhiên, việc thu thập thông tin của trẻ em diễn ra phổ biến ở nhiều quốc gia.

Một nguy cơ ngày càng phổ biến trên mạng đối với trẻ em là việc bị gã gẫm về tình dục. Trong quá trình học trực tuyến do dịch COVID-19 vừa qua, tại Việt Nam, nhiều cha mẹ cho biết, con cái đã bị những đối tượng xấu gạ gẫm tham gia vào các cuộc thi sắc đẹp. Thể lệ tham dự là trẻ cần gửi những tấm ảnh chụp các bộ phận theo yêu cầu của ban tổ chức để kiểm tra xem trên người có vết sẹo không. Nhiều em đã làm theo yêu cầu, chụp và gửi ảnh trong khi không hề biết những tấm ảnh đó được sử dụng như thế nào, vào mục đích gì. Nhiều khi những bức ảnh này được gửi đến cho chính những người bạn bè trong nhóm, rồi lại được chia sẻ rộng ra đến tất cả mọi đối tượng sử dụng internet.

Bà Bà Lesley Miller cho biết: Trên khắp thế giới, vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, có khoảng 750.000 người đàn ông đang tìm kiếm quan hệ tình dục trực tuyến với trẻ em trên mạng internet. Đây là một mối lo lắng vô cùng lớn đối với các gia đình có con trong độ tuổi dậy thì.

Nguy cơ thứ 5 khi sử dụng mạng internet là trẻ em rất dễ truy cập vào các trang thông tin xấu, độc, nguy hại thường được gửi kèm hoặc hiển thị trong những phần mềm trò chơi, xem phim.. dành cho trẻ em. Những trang thông tin xấu về nhiều vấn đề liên quan đến lừa đảo, tôn giáo, chính trị, thậm chí là tình dục, cờ bạc, cá độ… Thời gian qua, câu chuyện trẻ nhỏ tự ý tham gia trò chơi có tên "thử thách cá voi xanh" và kết cục tự vẫn của một số trẻ em là minh chứng cho thấy, khi trẻ theo dõi, làm theo những hướng dẫn  nguy hại trên mạng sẽ mang đến nhiều hậu quả khôn lường.

Đặc biệt, trẻ em chơi những trò chơi trực tuyến, có kết nối, chia sẻ với nhau nên từ một hành động nhỏ, có thể nhanh chóng trở thành trào lưu, xu hướng khiến trẻ tham gia trong khi trẻ chưa phân định được các mặt lợi, hại của những trào lưu đó. Cuối cùng, trẻ em là đối tượng rất dễ bị dụ dỗ trên mạng xã hội. Với những nguy cơ nêu trên, tình trạng xâm hại trẻ em hiện xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới. 

Đối tượng xâm hại trẻ em cũng đa dạng, đặc biệt trên môi trường mạng, danh tính và các thông tin cá nhân được đối tượng phạm tội dấu kín. Đồng thời, các phương thức, thủ đoạn xâm hại trẻ em ngày càng tinh vi, đa dạng và phức tạp. Vấn đề trẻ em bị xâm hại trên thực tế và trên mạng xã hội ngày càng trở nên nhức nhối, đòi hỏi sự quan tâm vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, của mọi cá nhân, tổ chức xã hội.

Chung tay hành động

Ngày 27/5, trong phiên thảo luận của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV về việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em,  Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định: "Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc nhất, hiệu quả nhất nghị quyết giám sát mà Quốc hội sẽ ban hành và tin tưởng rằng công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em nói chung và công tác phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng nhất định sẽ đạt được kết quả tốt hơn, vững chắc hơn".

Tại hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho đề án "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác sáng tạo, lành mạnh trên môi trường mạng giai đoạn 2020-1025" do Cục An toàn Thông tin, Bộ Thông tin và truyền thông tổ chức mới đây, bà Hoàng Thị Hoa Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết việc bảo vệ trẻ em nói chung và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là vấn đề quan trọng, cấp thiết. Bà Hoàng Thị Hoa nhấn mạnh: "Chúng ta chỉ có thể thực hiện việc bảo vệ trẻ em nếu có sự phối hợp liên ngành, liên quốc gia, liên khu vực. Đồng thời, chúng ta cần phải lấy ý kiến của trẻ em để tìm ra cách giải quyết các vấn đề về trẻ em. Phải để trẻ em phát biểu ý kiến của mình một cách dân chủ, để trẻ em nói về những điều trẻ em lo lắng, trẻ em cần giúp đỡ".

Ngoài ra, đối với những vụ việc xâm hại trẻ em, bà Hoàng Thi Hoa đề cập đến việc không mô tả, tường thuật chi tiết những vụ xâm hại trẻ em cũng như việc xử lý những video, clip, thông tin đã bị phát tán trên mạng để tránh những tổn thương đối với nạn nhân và gia đình nạn nhân cũng như tránh để mạng xã hội lan tràn những vụ việc đau lòng xảy ra đối với trẻ em.

Bà Lesley Miller cũng khẳng định: Phải xem trẻ em là trung tâm của các giải pháp cho các vấn đề liên quan đến trẻ em. Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng là vấn đề toàn cầu nên Chính phủ các quốc gia không thể đơn lẻ giải quyết vấn đề này mà cần bàn đến phương án phối hợp hành động.

Ông Hoàng Minh Tiến, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin mạng  xác định việc trẻ em gặp nguy cơ xâm hại trên môi trường mạng là tác động của cuộc cách mạng công nghệ. Do đó, vấn đề này phải được giải quyết bằng những giải pháp công nghệ. Dù công nghệ không giải quyết hết được vấn đề, nhưng cần sử dụng công nghệ sẽ giải quyết được những vấn đề mấu chốt liên quan đến những thông tin trên mạng. Ông Hoàng Minh Tiến đề cấp đến việc xây dựng "Bộ kỹ năng số" với các thông tin trang bị cho trẻ những kỹ năng tương tác an toàn trên môi trường mạng, chủ động bảo vệ bản thân khỏi những nguy cơ có hại.

Mong muốn của ông Minh Tiến là việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng được cụ thể hóa như trên môi trường thực, thậm chí còn cần nhiều yếu tố bảo vệ hơn bởi trên mạng không có giới hạn phạm vi khoảng cách địa lý, vai vế… Song song với việc trang bị kỹ năng cho trẻ, trách nhiệm của những doanh nghiệp công nghệ thông tin là xây dựng hệ sinh thái dành cho trẻ em lành mạnh, hấp dẫn thu hút trẻ em, để trẻ em tránh xa các yếu tố xấu, độc trên môi trường mạng.

Cùng với đó, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp truyền thống như: hoàn thiện hành lang pháp lý, giải quyết các tồn tại trong cơ chế chính sách bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, tăng cường giáo dục tuyên truyền, nâng cao nhận thức... Việc bảo vệ trẻ em trên mạng xã hội cần cả hệ thống chính trị vào cuộc, không chỉ cơ quan quản lý nhà nước mà cả cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức trong nước và quốc tế.

Theo Ngọc Bích

Baotintuc.vn