Báo tin xấu, chớ để sếp bất ngờ
(Dân trí) - Bạn vừa mắc phải một sai lầm, một lỗi lớn: làm thâm hụt ngân quỹ, làm phật lòng đối tác lớn của công ty, làm mất toàn bộ dữ liệu quan trọng trong máy tính,… Tất nhiên bạn phải thông báo lỗi lầm này với sếp. Nhưng thông báo thế nào đây?
Nếu bạn không thông báo lỗi cho sếp biết, bạn đã phạm phải ít nhất 4 sai lầm sau:
- Thứ nhất, lờ đi những việc không hay sẽ không thể làm chúng biến mất. Chúng sẽ bại lộ chẳng sớm thì muộn, có thể vào thời điểm tồi tệ nhất.
- Thứ hai, hầu hết mọi vấn đề đều có thể được khắc phục, toàn bộ hoặc một phần, nếu được phát hiện đủ sớm.
- Thứ ba, hầu hết các vấn đề, khi không được “chăm sóc”, chắc chắn sẽ lớn dần lên và khó khăn hơn nữa theo thời gian.
- Thứ tư, khi bạn không thông báo tin xấu, bạn khiến sếp có nguy cơ bị những rắc rối đó “đánh úp” và bị cấp trên của sếp khiển trách là thiếu trách nhiệm đối với việc quản lý công ty. Khi đó, lỗi của bạn đã tăng lên gấp đôi, thậm chí gấp 3.
Như vậy, thành khẩn khai báo là thượng sách. Nhưng khai báo thế nào để sếp không sốc và không phản ứng lại quá dữ dội? Có 5 bước để xoa dịu tình hình.
1. Thu thập mọi thông tin liên quan đến sự việc. Báo cáo sự việc với sếp một cách đầy đủ nhưng cô đọng, súc tích, không lảng tránh.
2. Kiên nhẫn. Hãy để sếp xả cơn giận dữ và chán nản của mình.
3. Đưa ra giải pháp, hoặc ít nhất là đề xuất một vài cách để làm dịu bớt tình hình.
4. Không phòng thủ. Nếu bạn là người duy nhất bị khiển trách, hãy giữ lấy trong lòng, đừng cố đẩy nó sang người khác. Tuy nhiên, nếu đó là lỗi của nhóm, chắc chắn là bạn phải báo cáo với tư cách là “chúng tôi”. Cố gắng không cá nhân hóa vấn đề càng nhiều càng tốt.
5. Cần chắc chắn rằng bạn cũng là người mang đến những tin tốt lành. Tránh bị cho là “quạ đen ác khẩu”.
Linh Hương Đặng
Theo CareerKnowHow