Bạo hành công sở
Xã hội hay lên án nạn bạo hành giới và bạo lực gia đình mà ít khi đề cập tới một vấn nạn xuất hiện không ít ở môi trường làm việc - “bạo hành công sở”. Bạo hành công sở không biểu hiện ở hình thức bạo hành thân thể mà “tinh vi” hơn, bạo hành tinh thần và bạo hành giao tiếp xã hội.
T. là một cô gái có năng lực, đang làm một công việc phù hợp với chuyên môn trong một cơ quan nhà nước. Mọi công việc cấp trên giao T. đều hoàn thành tốt nên cô được hưởng một số quyền lợi, ưu đãi. Nhưng chính năng lực nổi trội đó lại trở thành gánh nặng của T., đem đến nhiều phiền toái, thậm chí có lúc còn gây cho cô tâm trạng ức chế, chán nản. Cô vô hình trở thành “cái gai” trong mắt nhiều đồng nghiệp, cô là mối đe doạ đến vị trí công việc, thậm chí ảnh hưởng đến sự thăng tiến của họ.
Những đồng nghiệp này đương nhiên là ít năng lực hơn T. nên họ có thái độ đố kỵ, cạnh tranh không lành mạnh với T. Hằng ngày đến cơ quan, T. trở thành nạn nhân của họ. Họ tỏ thái độ bằng cách cô lập, xa lánh T., bất hợp tác hoặc gây khó khăn, trở ngại cho T. trong việc phối hợp các công đoạn trong công việc.
Chưa hết, họ luôn bắt tay nhau hằng ngày “săm soi” mọi cử chỉ, lời nói của T. để bắt lỗi và phản ảnh lên cấp trên hoặc phê bình trong các cuộc họp. Điều này tạo một áp lực rất lớn, gây ức chế, căng thẳng thần kinh cho T., đến nỗi T. than phiền: “Bình thường không có ai theo dõi, “bới bèo ra bọ” còn không tránh khỏi có lúc nhầm lẫn nọ kia, đằng này đầu óc mình luôn căng ra, lúc nào cũng tự hỏi “liệu mình nói câu này có động chạm đến ai không, mình làm việc này có sơ suất gì không”, thành ra đôi lúc như người lẩn thẩn, không nhầm lẫn cũng thành nhầm lẫn. Trong khi bọn họ có mắc lỗi gì thì họ xúm lại bao che cho nhau.
Tự nhiên mình thấy ngại giao tiếp với những người này, và khi đó mình lại bị họ gán cho danh hiệu “không hòa đồng, không đoàn kết”. Cứ liên tục như thế này có lẽ mình phải chuyển chỗ khác thôi. Mình chuyển đi là đúng với mục đích của họ đấy, nhưng cứ thế này thấy khó sống quá”.
T. còn cho biết một cách mà họ rất hay sử dụng nữa là cứ mỗi khi có khách đến cơ quan giao dịch, không người này thì người kia cố tình nói những câu khó nghe với ý nghĩa chê bai T., hoặc ra điều nửa nhờ, nửa sai vặt để hạ thấp vị trí của “đối thủ”. Nếu T. phản ứng lại những lời nói ác ý đó hoặc không làm giúp thì bị mang ra phê bình là mất đoàn kết, không có tinh thần tương trợ đồng nghiệp, còn nếu cứ chịu đựng và “hỗ trợ” kiểu này nhiều lúc T. cảm thấy mình bị đối xử như một con rối bị giật dây và bị người ngoài hay đối tác thấy mình như một người kém năng lực, bị đồng nghiệp coi thường. Ấn tượng đó sẽ là cản trở lớn để T. thiết lập những mối quan hệ mới trong công việc.
G. là một người có chuyên môn, làm việc ở một công ty tư nhân. Sếp của G. thành lập công ty nhưng chuyên môn còn hạn chế nên rất cần phải thuê những “nhân công đắc lực” như G. Thế nhưng cứ mỗi khi công việc không được suôn sẻ là sếp lại “hào phóng” “tặng” cho G. những lời nói thô bạo chẳng êm tai chút nào. Sếp còn phong tỏa các mối quan hệ, cản trở G. tiếp xúc với những đối tác có tiềm năng, chỉ có sếp mới được độc quyền giao dịch. Đã mấy lần G. định dứt áo ra đi, nhưng rồi chưa tìm được công việc mới, vả lại công việc hiện tại cũng phù hợp với khả năng nên G. vẫn còn dùng dằng “đi cũng dở, ở không xong”.
Xu hướng “đối nhân xử thế” phổ biến ở công sở hiện nay là thói quen bàn tán, bình phẩm không kể là công việc hay về cuộc sống riêng tư của đồng nghiệp, gây ra những mâu thuẫn ngấm ngầm kiểu “bằng mặt mà không bằng lòng”, từ đó tạo nên một mối quan hệ giả dối, khiến ai nấy đều phải dè chừng, đối phó lẫn nhau.
Trong cuộc sống, công việc chiếm vị trí quan trọng chẳng kém gì hôn nhân gia đình. Bạo lực gia đình gây ra cho người ta nhiều hậu quả xấu và đang trở thành mối quan tâm của xã hội. Bạo hành nơi làm việc cũng gây ảnh hưởng nặng nề cho cuộc sống của nhiều người. Vì vậy, vấn nạn này cũng rất cần được xã hội quan tâm và tìm ra những biện pháp ngăn chặn, xử lý.
Theo Ngọc Sâm
Thanh Niên