1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Bán tháo nhà hàng, ông chủ đi làm cửu vạn, tối ngủ phòng trọ 10m2

Thật lòng mà nói, chưa bao giờ tôi có cảm giác sợ Tết như hiện nay.

Hai năm qua, con tim, khối óc của tôi dần chai sạn với cuộc đời. Mọi khó khăn đến rồi đi, rèn cho tôi sự lì lợm khi phải chống đỡ với những khó khăn của cuộc đời.

Sống trong bối cảnh cả đất nước gồng mình lên chống dịch, cá nhân tôi cũng phải gồng mình lên để sống, để tồn tại vì đơn giản một điều, tôi sống không phải cho mình tôi, mà cho cả những người thân yêu, những người hàng ngày luôn dõi theo từng bước đi của tôi. Họ không hề muốn nhìn cảnh tôi bị gục ngã.

Mọi khó khăn về cơm, áo, gạo, tiền tôi đều cố gắng vượt qua. Vài tháng cách ly, sống trong căn phòng trọ 10m2, mái lợp fibro xi măng, mùa hè nóng như chảy mỡ, mùa đông gió lùa lạnh thấu xương. Khó khăn đó không làm tôi chùn bước.

Bán tháo nhà hàng, ông chủ đi làm cửu vạn, tối ngủ phòng trọ 10m2 - 1

Tết ở quê. Ảnh minh họa.

Những ngày đó, khó khăn như muốn đè tôi xuống, thu nhập không có, tiền nhà, tiền ăn vẫn phải đóng đủ, tôi dần phải học cách tồn tại qua ngày. Hôm thì làm vài gói mì tôm, hôm thì ăn cơm không với nước mắm và có ngày đỉnh điểm, đến chai nước mắm cũng không còn giọt nào… Tất cả đều qua và không làm tôi sợ hãi.

Nhưng dần đến những ngày cuối năm, thời tiết vào đông, gió lạnh ùa về, lại làm cho trái tim tôi rét buốt.

Tôi rất sợ mỗi khi Tết đến, trở về ngồi nhà thân yêu, đối diện với gương mặt hốc hác, xám xịt, đầy nếp nhăn của bố mẹ.

Mỗi tuổi nó đuổi xuân đi, bố mẹ tôi ngày càng già thêm, sức khỏe không như trước, ánh mắt không còn tinh và nhanh, nhưng sâu thẳm bên trong, tôi vẫn nhận ra bao hi vọng, mong ngóng của bố mẹ.

Bố tôi tên Côi, cả cuộc đời của ông dường như gói gọn ngay trong cái tên. Bố tôi sinh ra đã không có cơ hội nhìn thấy mặt ông nội. Ông tôi mất khi bà đang mang thai bố được mấy tháng, vì vậy bà nội liền đặt tên là Côi, theo nghĩa là mồ côi.

Ngoài nghĩa là mồ côi, tên bố còn có thể hiểu là đơn côi, lẻ loi. Cuộc đời ông là những tháng ngày sống trong cô độc. Nhà nghèo, từ nhỏ ông không được học hành, phải đi chăn trâu, cắt cỏ, cố mong kiếm ít công điểm, cuối năm hợp tác xã phát thêm ít gạo, thịt để gia đình ăn Tết.

Mỗi khi Tết đến, xuân về, bố thường kể về chuyện ngày xưa, những ngày cơ cực của bố với hi vọng các con sẽ trân trọng, thương yêu và cố gắng hơn nữa.

Tôi hiểu ý nên từ nhỏ đã cố gắng học hành, phấn đấu để bố mẹ thấy tự hào, hạnh phúc về mình.

Bán tháo nhà hàng, ông chủ đi làm cửu vạn, tối ngủ phòng trọ 10m2 - 2

Công việc của tôi ngày hôm nay, chuyển 10 khối cát đổ vào móng công trình.

Rời ghế nhà trường, mang theo trí tuệ, sự khao khát và cố gắng của bản thân bước ra ngoài cuộc đời. Hi vọng sẽ kiếm công việc tốt, thu nhập cao, đủ lo cho bản thân, nghĩ về điều hạnh phúc tươi đẹp trong tương lai, để bố mẹ được tự hào, hạnh phúc.

Nhưng cuộc đời vốn không như những điều mình suy nghĩ, mong mỏi. Sau vài năm ra trường, trải qua vài công ty, dành dụm số tiền, tôi cùng một người bạn mở một nhà hàng nho nhỏ, chuyên về thịt dê. Tôi nghĩ với nguồn nguyên liệu và thương hiệu dê núi Ninh Bình quê tôi, mọi thứ sẽ ổn.

Thời gian đầu, nhà hàng vận hành trơn tru, khách đã tin tưởng, quán dần nhận sự tín nhiệm, kéo theo đó là thu nhập được đảm bảo và cho tôi chút hi vọng về tương lai.

Dịch bệnh kéo đến, đánh sập tất cả ước mơ, hoài bão và số tiền tích cóp. Tôi phải chấp nhận bán cửa hàng, bán đồ đạc có giá trị, chuyển từ sống trong căn chung cư mi ni, sang ở căn nhà trọ bình dân, rẻ nhất có thể.

Mọi thứ với tôi trở về con số 0 tròn trĩnh, nếu không tính số tiền nợ đang gánh chịu.

Từ bỏ công việc kinh doanh, tôi dự định sẽ xin một công việc nào đó. Nhưng dịch bệnh làm mọi thứ trở nên vô cùng khó khăn.

Nhiều lúc ngồi trong căn phòng trọ, nhìn ra bên ngoài qua khe cửa nhỏ, tôi thấy bi quan, lạc lõng, sợ hãi khi nghĩ về tương lai. Cảm giác ngồi nhà, chờ từng cuộc điện thoại gọi phỏng vấn, trong khi số tiền trong túi dần vơi thật là khó chịu!

Cuối cùng, tôi chấp nhận đi làm cửu vạn khi thành phố mở giãn cách. Mọi thứ không hề đơn giản với người đang quen lao động trí óc, nhưng tôi phải chấp nhận và cố gắng. Vì đơn giản một điều, trước khi tôi muốn sống, tôi cần phải tồn tại.

Tôi vẫn nhớ như in, cảm giác vui mừng, phấn khởi khi đọc được mẩu tin có người tuyển đi bốc hàng, chuyển nhà, dọn kho, phá nhà, xúc cát thuê… Cảm giác hạnh phúc khi gọi đến và họ chấp nhận. Cảm giác sung sướng khi trong hàng trăm người hành nghề cửu vạn, may mắn lại đến với mình.

Cuộc đời vốn chi rất lạ, ngày trước khi mở nhà hàng, nhiều lúc tính doanh thu một ngày được cả chục triệu, tôi cũng không vui bằng việc được trả vài trăm nghìn sau một ngày chuyển 10 khối cát. Đơn giản đó là số tiền rất quan trọng với tôi, đảm bảo cho tôi tồn tại ở thành phố này. Với tôi, còn tồn tại là còn hi vọng.

Nhiều hôm đang bốc hàng, mồ hôi nhễ nhại, hơi thở gấp gáp, mẹ gọi điện lên hỏi ăn trưa, công việc dạo này tốt chứ. Tôi không dám nói thật, chỉ dám nhẹ nhàng nói công việc vẫn ổn, nhà hàng vẫn có khách đều, bố mẹ ở nhà cứ yên tâm.

Mỗi lần nói dối, tôi cảm giác thật sự rất khó chịu, như một kẻ thất bại, nhưng tôi không có sự lựa chọn khác, tôi sợ giọt nước mắt mẹ rơi khi biết những gì tôi đang trải qua.

Và không biết từ bao giờ, cuộc đời lại đặt tên tôi là anh Cửu. Một cái tên mang đầy chua xót và nuối tiếc.

Tôi rất sợ, sợ bố mẹ biết sự thật, sợ cảnh nhìn thấy sự thất vọng khi họ đang đặt cho tôi quá nhiều hi vọng. Tôi sợ cả sự thương hại và đau xót.

Tôi sợ phải đối diện, sợ phải nói dối, sợ cảm giác phải thốt ra "con ổn, công việc vẫn tốt, thu nhập vẫn cao", sợ những lúc bố mẹ nói chuyện với hàng xóm bằng chất giọng tự hào khi nói về tôi.

Tôi sợ về quê đón Tết!

Nhưng rồi có một thứ giúp tôi vượt qua nỗi sợ. Đó là tình cảm yêu thương giữa các thành viên trong gia đình. Đây chính là động lực để tôi mỗi ngày bước ra khỏi cửa, hít thật sâu, cố gắng làm việc, vì tôi có niềm tin rằng, hôm nay cố gắng thì ngày mai sẽ khác.

Tết là dịp đoàn viên, là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, là thời điểm mọi người quây quần lại, nghĩ về năm cũ và hướng sang năm mới với những hi vọng, mong muốn. Và tôi hiểu, gia đình là thứ quan trọng nhất.

Cuộc đời dạy tôi một điều "cái gì không giết được mình thì làm mình mạnh mẽ hơn". Bây giờ xã hội đang gọi tôi là anh Cửu, nhưng tương lai họ sẽ gọi tôi bằng cái tên khác, cái tên do chính cha sinh, mẹ đẻ tôi đặt ra. Và tôi tự tin về điều đó.

Tết này nhà tôi sẽ có "thịt"!

Theo vietnamnet.vn