1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Bạn sẽ là một sếp tồi, nếu…

(Dân trí) - Không phải ai cũng hội đủ những phẩm chất cần thiết để trở thành một nhà lãnh đạo giỏi. Bạn “có cơ” trở thành sếp tồi nếu sở hữu những tính cách như thích hứa hão, sợ sự đối diện…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nếu bạn đang “nuôi mộng” làm sếp, thì việc nhận thức được những yếu điểm của bản thân sẽ giúp bạn có hướng phấn đấu phù hợp hơn để đạt được mục tiêu. Sau đây là 4 dấu hiệu cho thấy bạn sẽ trở thành một vị sếp tồi nếu bạn không sớm có sự điều chỉnh:

1. Bạn thích đưa ra những lời hứa hão

Những nhà lãnh đạo tồi tìm cách lôi kéo cấp dưới bằng cách đưa ra những lời hứa không bao giờ trở thành hiện thực về thăng tiến, thành công và một ngày mai tươi sáng. Với phong cách lãnh đạo kiểu này, một sếp tồi thường “túm chặt” lấy những mục tiêu và ước vọng của cấp dưới để áp đặt cấp dưới phải đi theo mình.

Nếu bạn là chủ một doanh nghiệp, bạn cần nhận thức được ảnh hưởng của những lời hứa hão huyền mà bạn đưa ra cho nhân viên của mình. Nếu bạn cam kết điều gì đó mà không bao giờ thực hiện, một thông điệp xấu sẽ được gửi tới nhân viên - những người mà bạn đang cố gắng thúc đẩy để đem về kết quả tốt đẹp hơn.

2. Bạn chỉ đề cập tới vấn đề rồi “quên” không xử lý


Các sếp tồi thường không hiểu rằng, cấp dưới muốn dựa vào cấp trên để giải quyết những vấn đề mà họ không thể tự mình giải quyết được. Trong khi đó, sếp có thể chỉ đề cập tới vấn đề rồi lãng quên vì đó không hẳn là vấn đề quan trọng đối với sếp. Thời gian trôi qua mà hầu như chẳng có sự thay đổi nào, hoặc thậm chí tuyệt nhiên không có thay đổi.

Theo đuổi những vấn đề đã được đề cập, nêu ra là một phần quan trọng của việc lãnh đạo, vì điều đó cho thấy sếp là một người đáng tin cậy. Khi bạn hứa hoặc nói về một điều gì đó, nhân viên không chỉ chú ý tới những ngôn từ của bạn mà cả tính “trước sau như một” trong lời nói của bạn. Bởi vậy, hãy quay trở lại với những gì bạn đã nói bằng một câu “chốt” như “việc đó đã xong”, hoặc “việc đó chưa xong, nhưng tới thời điểm ABC tôi chắc là sẽ xong”.

3. Bạn sợ sự đối diện

Những nhà lãnh đạo kém cỏi thường tránh đối diện, nhất là trong vấn đề chất lượng công việc. Nguyên nhân chính là do họ thiếu hiểu biết về vấn đề được đề cập hoặc có chủ ý muốn phớt lờ sự thật - họ muốn trốn tránh một tình huống nào đó thay vì xử lý tình huống đó.

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp luôn muốn thúc đẩy nhân viên đạt kết quả công việc tốt hơn, nhưng việc này hoàn toàn không dễ, nhất là khi họ muốn né tránh những cuộc nói chuyện khó khăn và đùn đẩy những cuộc nói chuyện này cho người khác. Bởi thế, thay vì né tránh sự đối diện, hãy tập trung vào việc vạch ra chính xác những gì mà bạn muốn đạt được trong các mối quan hệ đối tác hay các vụ giao dịch. Bằng cách này, mỗi khi có sự thiếu nhất quán nào đó, bạn và cấp dưới sẽ dễ dàng công nhận với nhau và điều chỉnh.

4. Bạn không thích chịu trách nhiệm về những việc mình làm


Không ai muốn đứng ra lãnh trách nhiệm khi có thất bại, nhất lại là những nhà lãnh đạo kém còn. Khi đó, họ thường có ý định đùn đẩy trách nhiệm cho người khác. Họ không muốn nhìn thẳng vào yếu kém của bản thân và điều chỉnh mình theo hướng tốt hơn.

Chính bởi vì sự đối diện làm họ hoảng sợ, các nhà lãnh đạo tồi thậm chí còn có thể lưỡng lự trong việc yêu cầu người khác nhận trách nhiệm, chứ chưa nói gì tới việc tự nhận trách nhiệm về mình. Kết quả là, họ nói năng vòng vo và đùn đẩy trách nhiệm vòng quanh hết người này đến người khác.

Có một cách đơn giản để bạn dám đứng lên chịu trách nhiệm là loại bỏ từ “xin lỗi” khỏi từ vựng của mình. Khi thừa nhận sai lầm, hãy thừa nhận theo một cách cho thấy, bạn đã nhận ra là mình không làm đúng được như những gì đã hứa và cam kết có sự thay đổi hành động sau đó. “Xin lỗi”, xét cho cùng, chỉ là một cách để rút lui, trong khi các nhà lãnh đạo giỏi nắm quyền sở hữu những gì họ nói và làm.

Phương Anh
Theo Business Insider