1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Bạn đọc đánh giá cao thông tin tuyên tuyền về bảo hiểm thất nghiệp

(Dân trí) - “Quả thực là ít người quan tâm tới bảo hiểm thất nghiệp hơn là bảo hiểm y tế. Bởi trong thời gian làm việc, cùng lắm là người lao động chỉ chuyển việc vài lần là cùng. Nhưng phải tới khi nghỉ việc, nhiều người sẽ bỡ ngỡ và mới hiểu rõ giá trị của chính sách BHTN…”

Bạn đọc Phạm Hưng (Hưng Yên) bày tỏ suy nghĩ trước những thông tin bổ ích từ chương trình Giao lưu trực tuyến giải đáp chính sách bảo hiểm thất nghiệp, do Báo Dân trí và Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức hôm 28/6 tại Hà Nội.

Đáp lại sự trân trọng đó, ông Lê Quang Trung - Cục phó, phụ trách Cục Việc làm chia sẻ: “Cảm ơn ý kiến của bạn, đây cũng là chính sách mới, việc tuyên truyền phổ biến đã được quan tâm với nhiều hình thức phong phú, với nhiều nhóm đối tượng. Ý kiến của bạn cũng là ý kiến của nhiều bạn đã trao đổi đề nghị với chúng tôi”.

Bạn đọc đánh giá cao thông tin tuyên tuyền về bảo hiểm thất nghiệp - 1

Khá thẳng thắn, ông Lê Quang Trung cũng cho rằng, chính sách vẫn cần được tiếp tục tăng cường tuyên truyền hơn nữa, đặc biệt qua các cơ quan báo chí, truyền hình để sớm đến người lao động, nhất là những người chưa có điều kiện để tiếp cận với những thông tin này.

“Thực sự nếu người lao động nào mà trong thị trường lao động bị mất việc thì thực sự đây là điểm tựa vững chắc để hỗ trợ cả về vật chất, việc làm ổn định cuộc sống” - ông Lê Quang Trung nói.

Trong số hàng trăm câu hỏi gửi tới chương trình, bạn đọc Lê Anh từ nước ngoài đã bày tỏ sự băn khoăn: “Tôi sống ở nước ngoài đã được một thời gian dài. Giờ đây, tôi muốn về nước sinh sống nhưng chưa tìm được công việc. Liệu tôi có nên đóng bảo hiểm thất nghiệp hay không và thể thức đóng bảo hiểm thất nghiệp như thế nào?”

Với trường hợp này, ông Lê Quang Trung cho biết: “Cám ơn câu hỏi và ý kiến đề xuất của bạn. Đây cũng là câu hỏi và mong muốn của không ít người muốn tham gia BHTN”.

Viện dẫn quy định tại Điều 43 của Luật Việc làm, ông Lê Quang Trung giải thích: “Đối tượng bắt buộc tham gia BHTN khi làm việc theo HĐLĐ hoặc HĐLV: HĐLĐ hoặc HĐLV không xác định thời hạn, HĐLĐ hoặc HĐLV xác định thời hạn, HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng”.

Do đó, trường hợp của bạn Lê Anh nếu muốn tham gia BHTN thì cần phải làm việc theo HĐLĐ hoặc HĐLV theo quy định nêu trên.

Cũng bày tỏ thắc mắc về thủ tục BHTN, bạn đọc Thuý Quỳnh chia sẻ: “Tôi ở một huyện miền núi xa xôi ở Sơn La. Sắp tới tôi sẽ nghỉ việc và đăng ký nhận BHTN. Nhưng từ nhà tôi tới nơi đăng ký tới hàng chục km. Nếu cứ đăng ký tình trạng việc làm hàng tháng thì đi lại rất khó khăn”.

Cung cấp thông tin, ông Lê Quang Trung cho biết: “Theo quy định của Luật Việc làm, người đang hưởng TCTN hàng tháng phải đến TT DVVL để thông báo về tình trạng tìm kiếm việc làm, đồng thời cũng để TT DVVL tư vấn, giới thiệu, hỗ trợ, cung cấp thông tin thị trường lao động. Đây là điều kiện bắt  buộc để nhận TCTN”.

Thậm chí ở nhiều nước đáng áp dụng BHTN, người lao động đang hưởng TCTN còn phải đến bất cứ lúc nào, thời điểm nào khi cơ quan dịch vụ việc làm yêu cầu hoặc phải tham gia các công việc tạm thời cũng như bố trí các lớp bồi dưỡng nâng cao huấn luyện để có những kỹ năng cơ bản khi đi tìm việc.

“Do đó, bạn cần đến TT DVVL tỉnh Sơn La thuộc  Sở LĐ TB&XH tỉnh Sơn La để nhận được sự hỗ trợ từ TT DVVL” - ông Lê Quang Trung cho biết.

Văn Trinh