Bạn có phải là một nhân viên xuất sắc?

(Dân trí) - Bạn đi làm đúng giờ và hoàn thành công việc sếp giao. Như vậy liệu đã đủ để bạn khẳng định mình là một nhân viên xuất sắc? Và làm thế nào để bạn chắc chắn rằng mình làm việc tốt chứ đó không phải nhận định cá nhân?

Chỉ làm những gì được yêu cầu, theo những nguyên tắc nhất định, không hơn không kém, không có nghĩa bạn đang làm việc tốt. “ Những người làm việc và hoàn thành nhiệm chưa chắc là những nhân viên có thể tiến xa. Nếu có điều gì đó xảy ra khác biệt so với những gì thường làm, họ sẽ thấy lo lắng và vội tới chỗ người quản lí nhờ giúp đỡ. Và thậm chí đôi khi, sau khi hoàn thành công việc của mình, thay vì tìm tòi những cái mới, họ lại tới bắt chuyện và làm phiền đồng nghiệp”, Ian Coburn, tác giả cuốn sách “ Sự lựa chọn – ý nghĩa của cuộc sống: Làm thế nào để có sự lựa chọn nhiều hơn và tốt hơn trong công việc, các mối quan hệ và cuộc sống”, nói. Vậy điều gì tác động tới hiệu quả công việc của bạn?

Cảm xúc với công việc là một trong những “ thủ phạm” ảnh hưởng tới hiệu quả. Tom Gimbel, người thành lập và CEO của công tuyển dụng LaSalle Network có trụ sở tại Chicago, nói: “ Cảm xúc, động lực về công việc, nghe có vẻ đơn giản nhưng nếu thiếu chúng, nhân viên chỉ có thể làm một phần việc nhỏ.”

Ngoài ra, nhiều chuyên gia khác cho rằng đó không chỉ là lỗi của nhân viên. Sếp cũng phải chịu một phần trách nhiệm. “ Mọi người không thích bị chỉ trích và sếp cũng không thích nói nặng lời. Kết quả là nhân viên nhận được bản đánh giá thiếu trung thực. Họ không xác định được những thiếu sót của mình để cải thiện”, Vicky Oliver, tác giả cuốn sách “ Sếp tồi, nhân viên khùng và những kẻ ngốc công sở khác”, cho biết.

 

Vậy làm thế nào để chắc chắn bạn thực sự làm việc tốt chứ không phải đó là suy nghĩ cá nhân? Hãy thực hiện các điều sau:

 

1. Đánh giá bản thân một cách trung thực

 

Nhân viên thường so sánh mình kém cỏi hơn đồng nghiệp và một số lại cho rằng mình xuất sắc hơn. Bạn không nên làm vậy mà hãy nhìn nhận khách quan và trung thực nhất về bản thân để có câu trả lời chắc chắn về hiệu quả công việc của mình. Oliver cho biết: “ Những dấu hiệu của làm việc tốt bao gồm: mang tới hướng kinh doanh mới, thuyết phục khách hàng tiêu tiền nhiều hơn, tìm ra biện pháp mới để bổ sung giá trị cho dịch vụ cũ, thanh lí hợp đồng thành công, nâng cao doanh thu, được đánh giá cao cả trong công ty và lĩnh vực của bạn.” Hãy xem bạn đã đạt được những điều đó chưa.

 

2. Đặt ra những câu hỏi “ đắt giá”

 

Khi nhân viên không đặt ra những câu hỏi cụ thể và giá trị, họ có nguy cơ không đạt được mục tiêu. Joellyn Sargent, chủ tịch của công ty BrandSprout, Mĩ, đưa ra lời khuyên: “ Nhân viên nên đặt ra câu hỏi cụ thể khi được giao nhiệm vụ và không nên thụ động chờ đợi sếp hướng dẫn. Những câu hỏi như “ Vấn đề cốt lõi cần giải quyết là gì?” hay “ Vấn đề sếp quan tâm nhất trong dự án này?” sẽ khám phá điều sếp đang thực sự mong đợi. Nếu nhân viên bỏ lỡ bước này khi bắt đầu công việc, họ sẽ không có thêm cơ hội và có thể gặp khó khăn để hoàn thành nó một cách xuất sắc.”

 

3. Kiểm soát cái tôi cá nhân

 

Cái tôi cá nhân quá lớn là nguyên nhân khiến nhiều nhân viên dù rất thông minh và tài năng không thể phát huy hết khả năng của mình. “ Họ đóng cửa cơ hội phát triển riêng của mình bằng cách từ chối lời hướng dẫn từ cấp trên hoặc phản đối khi sếp nói làm thế nào để cải thiện các kĩ năng”, Sargent nói. Ông cũng khuyên các nhân viên:” Hãy lắng nghe những lời khuyên từ sếp và đồng nghiệp một cách tích cực. Nếu bạn nổi giận khi sếp sửa sai cho mình hoặc nghĩ rằng “ Anh/ chị ta còn không làm tốt bằng mình”, cái tôi cá nhân sẽ níu bạn lại phía sau.”

 

4. Hỏi bản thân bạn có thực sự yêu thích công việc

 

Và nếu không thích, hãy giải thích lí do. “ Khi đánh giá sự yêu thích của mình với công việc, đánh giá cảm xúc của bạn với sếp, tích cực hay tiêu cực, là bước đầu tiên để cải thiện sự thể hiện của bạn. Những cảm xúc tiêu cực về sếp, môi trường làm việc và trách nhiệm dẫn tới năng suất kém, hiệu quả công việc kém. Vì thế, thay đổi quan điểm sẽ cải thiện tình hình. Nhân viên có thể biết họ làm việc tốt hay không chỉ đơn giản bằng cách hỏi sếp. Trong tất cả các công ty, người quản lí sẽ đánh giá cao nỗ lực cải thiện khả năng của nhân viên và cho bạn câu trả lời chính xác dựa trên sự thể hiện của bạn,” Gimbell nói.

 

Ông còn đưa ra một số lời khuyên giúp nhân viên cải thiện khi làm việc dưới mức trung bình:

- Đặt ra mục tiêu từng ngày/ tuần/ tháng/ năm và lập một kế hoạch hành động để đạt được những mục tiêu đó.

- Lên lịch cho những cuộc họp thường kì với quản lí để thảo luận về quá trình, hiệu quả công việc của bạn.

- Tiếp tục đánh giá cảm xúc nghề nghiệp của bạn và cố gắng làm một điều mới mẻ mỗi ngày để làm việc tốt hơn.

 

Vũ Vũ

Theo CB