“Bà đỡ” cho người lao động khi thôi việc, tại sao không tham gia?
(Dân trí) - “Khi đủ điều kiện, người lao động nhận cấp thất nghiệp (TCTN) hàng tháng bằng 60% bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp. Trường hợp tham gia liên tục 10 năm, người lao động có thể nhận tối đa tổng số tiền TCTN tới hàng trăm triệu đồng”.
Bà Hoàng Thị Kim Chi - Phó trưởng Phòng Bảo hiểm thất nghiệp (Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH) phát biểu tại Giao lưu trực tuyến giải đáp chính sách bảo hiểm thất nghiệp 2019. Chương trình Báo Dân trí và Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) đã tổ chức sáng 24/9, tại Hà Nội.
Tham gia chương trình có các khách mời, gồm: Bà Hoàng Thị Kim Chi - Phó trưởng Phòng Bảo hiểm thất nghiệp (Cục Việc làm), bà Nguyễn Thị Kim Loan, Trưởng Phòng Bảo hiểm thất nghiệp (Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội).
Chia sẻ tại chương trình, bà Hoàng Thị Kim Chi đánh giá cao ý nghĩa thiết thực nhưng đầy tính nhân văn của chính sách bảo hiểm thất nghiệp tới người lao động, người sử dụng lao động.
Nhà báo Phạm Huy Hoàn, Tổng Biên tập Báo Dân trí, tặng hoa 2 khách mời của chương trình
“Với vai trò như “bà đỡ” cho người lao động không may gặp tình huống thất nghiệp, chính sách đã hỗ trợ nguồn kinh phí, hỗ trợ học nghề, tư vấn và giới thiệu việc làm miễn phí. Qua đó nhanh chóng đưa người lao động quay lại thị trường lao động, tạo việc làm bền vững” - bà Hoàng Thị Kim Chi cho biết.
Sau 10 năm triển khai chính sách, cả nước có hơn 12,6 triệu lao động tham gia với hơn 13,5 ngàn tỷ đồng vào năm 2018. Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ước kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp tính đến cuối năm 2018 là 79.073 tỷ đồng, dự báo đến năm 2020, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp vẫn đảm bảo an toàn.
TỚI GIỜ ĐÃ KẾT THÚC GIỜ GIAO LƯU, TRÂN TRỌNG CẢM ƠN BẠN ĐỌC
Việc làm