Bộ trưởng Đào Ngọc Dung:

"Áp lực hiện thực hóa khát vọng vươn lên của đất nước"

Thái Anh

(Dân trí) - Đó là thông điệp, quyết tâm Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nêu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ năm 2023 được tổ chức sáng 14/1.

Kết quả quan trọng với nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhắc lại bối cảnh khó khăn năm 2022 mà toàn ngành lao động, người có công và xã hội đã trải qua trong thời kỳ hậu Covid-19. Trong bối cảnh đó, nhờ sự chỉ đạo kịp thời, linh hoạt và sáng tạo của Đảng và Nhà nước, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng, kinh tế - xã hội Việt Nam đã từng bước phục hồi và phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện, các chính sách an sinh xã hội được đảm bảo; niềm tin xã hội, sự ủng hộ của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp ngày một lớn hơn.

Áp lực hiện thực hóa khát vọng vươn lên của đất nước - 1

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu khai mạc hội nghị (Ảnh: Mạnh Quân).

Theo Bộ trưởng, trong lĩnh vực xã hội, lao động - việc làm năm 2022, toàn ngành đã nỗ lực cao nhất để triển khai một cách đồng bộ, kịp thời và hiệu quả các chính sách xã hội, nhất là chính sách về người có công, bảo trợ xã hội, giảm nghèo đa chiều, các chính sách bảo trợ người yếu thế, người cao tuổi, trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ bị mồ côi do đại dịch Covid-19.

Công tác cứu trợ khẩn cấp triển khai có hiệu quả với nhiều chính sách đi trước, đi sớm và hiệu quả, đời sống nhân dân cơ bản ổn định và từng bước được cải thiện.

Ngành đã tích cực tham mưu các chính sách hỗ trợ hơn 104 nghìn tỷ đồng cho 68,67 triệu người dân, người lao động và 1,4 triệu người sử dụng lao động. Người dân bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt, thiếu đói được trợ giúp đột xuất kịp thời. Cả nước, theo đó, đã triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Về các giải pháp điều tiết thị trường lao động, người đứng đầu Bộ LĐ-TB&XH đánh giá, các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đã giúp thị trường lao động của chúng ta phục hồi nhanh chóng, đã giúp các khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng kinh tế trọng điểm cơ bản duy trì được lực lượng lao động ổn định, không để gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, góp phần cùng cả nước phục hồi, phát triển kinh tế của đất nước sau đại dịch Covid-19.

Trong năm, Việt Nam đã đưa gần 143 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt gần 160% kế hoạch đề ra, gấp hơn 3 lần năm 2021.

Bên cạnh đó, toàn ngành đã hoàn thành 100% nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Việt Nam đã tổ chức thành công chuỗi các hoạt động, sự kiện sâu rộng, thiết thực, mang đậm ý nghĩa nhân văn sâu sắc nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ…

"Nhìn tổng thể, công tác bảo đảm an sinh xã hội ở nước ta trong thời gian vừa qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống an sinh xã hội ngày càng đồng bộ và hoàn thiện với diện bao phủ ngày một mở rộng, trở thành chỗ dựa vững chắc cho người nghèo và đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, việc làm ngày càng bền vững" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Nhiệm vụ trọng tâm năm 2023

Áp lực hiện thực hóa khát vọng vươn lên của đất nước - 2

Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng và các lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH (ảnh: Mạnh Quân).

Về nhiệm vụ năm 2023, Bộ trưởng nêu rõ những thách thức với toàn ngành. Trước hết, đó là vấn đề già hóa dân số. Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Theo dự báo, đến năm 2038, nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên sẽ chiếm trên 20% tổng dân số. Già hóa dân số nhanh sẽ tác động đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có vấn đề quan trọng như: thị trường lao động, an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi…

Tiếp đó là sự thay đổi về vấn đề việc làm trên phạm vi toàn thế giới. Đó là vấn đề di cư, di biến động, việc làm có chất lượng và tiền công thỏa đáng.

Sau nữa là vấn đề biến đổi khí hậu đe dọa tới sinh kế của người dân, đặc biệt là khu vực dễ tổn thương như nông nghiệp, nông dân, dân tộc thiểu số.

Thách thức khác đến từ vấn đề việc làm phi chính thức. Thực tế, tỷ trọng lao động trong khu vực phi chính thức vẫn ở mức cao, phần đông người lao động Việt Nam vẫn phải đang chấp nhận làm các công việc dễ tổn thương. Theo thống kê, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức của cả nước 6 tháng đầu năm 2022 là 55,9%. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, đó là một thử thách đối với hệ thống an sinh xã hội trên các phương diện như bảo hiểm xã hội, năng suất thấp, khả năng tiếp cận hỗ trợ từ thị trường lao động.

Theo người đứng đầu ngành, thách thức khác là hiện thực hóa khát vọng vươn lên của đất nước, phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới và thực hiện đầy đủ các mục tiêu, chính sách xã hội với yêu cầu phải đổi mới tư duy về quản lý kinh tế, quản lý xã hội, xây dựng, hoàn thiện thể chế cho phù hợp cùng với cách tiếp cận mới, sáng tạo cho những vấn đề thực tiễn mới đặt ra, tạo mọi thuận lợi cho đổi mới sáng tạo.

Tất cả những thách thức đó buộc người làm chính sách, điều hành phải thay đổi tư duy để phản ứng nhanh và chính xác để phù hợp với xu thế của thời đại. Bộ trưởng nêu yêu cầu, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cần phải chủ động đổi mới tư duy, đổi mới phương thức làm việc, chủ động trong công tác dự báo, linh hoạt ứng phó với những biến động có thể xảy ra.

Yêu cầu thay đổi tư duy để phản ứng nhanh với biến động của người làm chính sách

Trước hết, để có một khung khổ pháp lý mạnh, cách tiếp cận vòng đời với phạm vi tổng quát cho tất cả các nhóm đối tượng, hệ thống chính sách xã hội tích hợp, tăng cường đầu tư vào dịch vụ công chăm sóc dựa vào cộng đồng, cần xác định khoảng trống an sinh xã hội với nhóm đối tượng dễ tổn thương, bao gồm lao động phi chính thức, lao động di cư, lao động khu vực dịch vụ xã hội, đảm bảo cách tiếp cận theo quyền, theo công ước cũng như Hiến pháp Việt Nam.

Trong năm 2023, ngành phải nỗ lực tham mưu Chính phủ trình Ban Chấp hành Trung ương ban hành một nghị quyết về chính sách xã hội giai đoạn 2023 - 2035, tầm nhìn 2045 với mục tiêu phát triển chính sách toàn diện, bền vững, hiện đại; sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm, hình thành lưới an sinh xã hội theo yêu cầu đổi mới và phát triển, đảm bảo nâng cao khả năng phòng ngừa, chống chịu và khắc phục rủi ro của nhân dân; thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng, nâng cao hiệu quả an ninh, an sinh của người dân, tạo môi trường để mọi người dân đều có cơ hội tham gia đóng góp và thụ hưởng thành quả của cách mạng.

Về lâu dài, Bộ trưởng khái quát, cần tiếp tục rà soát hoàn thiện toàn bộ khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách để xây dựng và hình thành từng bước thị trường lao động linh hoạt, đồng bộ và hiện đại, thúc đẩy tăng năng suất lao động từ nền tảng lực lượng nhân lực khoa học công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia.

Bên cạnh đó, toàn ngành cần nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về xã hội và huy động nguồn lực xã hội trong việc thực hiện các chính sách xã hội; triển khai toàn diện thiết thực, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, nhất là người có công, đối tượng yếu thế và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; chăm lo, tạo môi trường an toàn để bảo đảm phát triển đầy đủ quyền của trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em...