Áp lực công việc

Áp lực thành công, thăng tiến, cạnh tranh... trong công việc khiến lớp công chức ngày nay phải "gồng mình" quá sức. Thậm chí, stress trong công việc đã khiến nhiều người phải tìm đến cái chết.

Nhật Bản là một trong những nước đứng đầu về con số tử vong vì áp lực nghề nghiệp. Mỗi năm, ở đất nước được mệnh danh là có quan điểm làm việc nghiêm khắc và đội ngũ nhân công chăm chỉ nhất thế giới này có hơn 3.000 người tự tử, nhiều gấp 4 lần so với số người tử vong vì tai nạn giao thông.

 

Sống, làm việc hay là chết?

 

Không lối thoát, không tìm được sự cảm thông từ gia đình, xã hội, rất nhiều công chức trẻ đã tìm đến cái chết tự giải thoát khỏi guồng quay nghiệt ngã của xã hội. Trong số nam ở Nhật tuổi 20-39 tử vong, tự tử là nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của họ. Thủ phạm dường như là sự quá tải về công việc và áp lực nghề nghiệp.

 

Theo các chuyên gia y tế, các nhà nghiên cứu tâm lý, các nhà xã hội học, ở thế kỷ 21, giới công chức thường chết vì những căn bệnh nghề nghiệp như đau tim, đột quỵ và đặc biệt là tự sát.

 

Rất nhiều trường hợp đau lòng xảy ra: Pamela Relf, một giáo viên 43 tuổi đã lâm vào tình trạng bế tắc sau khi bị khiển trách về việc giảng dạy chậm chương trình. Cô chọn cách tự vẫn để thoát khỏi những căng thẳng của công việc vào tháng 1/2000 với lý do ghi trên mảnh giấy: Tôi không thể chịu đựng được nhịp độ của công việc và những chuỗi ngày mệt mỏi...

 

Ngày 8/3/2003, Chung Mong Hun, ủy viên hành chính quản trị của Huydai, vì thất bại trong nỗ lực dàn xếp một vụ scandal, đã nhảy từ tầng thứ 12 của tòa nhà nơi ông đang làm việc ở Seoul xuống.

 

Bác sĩ Dawn Harris đã tự sát vào ngày 2/8/2003 trong một tâm trạng tuyệt vọng hoàn toàn. Chồng người phụ nữ xấu số đã giải thích: “Cô ấy đã phải chịu đựng sự căng thẳng trong công việc suốt một thời gian dài và luôn bị dằn vặt bởi áp lực phải cứu nhiều người hơn nữa...”.

 

Hay như bác sĩ Sid Warkins chết trong tình trạng làm việc nhiều quá sức chịu đựng của cơ thể. Tất cả họ, mỗi người chết theo một cách riêng: Cắt cổ tay, treo cổ, uống thuốc ngủ... song đều có liên quan đến cùng một vấn đề: công việc.

 

Trên thực tế, vấn đề này ngày càng trở nên tồi tệ. Theo điều tra mới nhất của Samaritans về stress thì hơn 1/3 trong số những người được hỏi, (36%) coi stress công việc là một trong những vấn đề lớn nhất đối với họ; 23% người bị stress là đang làm việc tại các công sở, trong khi với những người khác con số này chỉ là 16%. Không chỉ thế, có tới 45% người bị stress ở Anh cảm thấy chán nản và bế tắc.

 

Cuộc điều tra này đã chứng tỏ rằng con người đang bị stress nhiều hơn 5 năm về trước. Và rõ ràng là các nhân tố về công việc như giảm biến chế, làm việc quá sức, cạnh tranh trong công sở, thăng tiến nghề nghiệp... đã gây ra tai nạn bệnh tật và dẫn đến cái chết cho các công chức trẻ.

 

Nguyên nhân và giải pháp

 

Giáo sư Michael Marmot, người đã theo dõi sức khỏe của hơn 10.000 sĩ quan Anh nhận xét: “Không khó khăn gì để tìm ra nguyên nhân vì sao lại có tình trạng tự tử này. Do đòi hỏi khắt khe của lãnh đạo, các nhân viên phải vắt kiện sức mình để đáp ứng cường độ làm việc.

 

Tình trạng làm việc quá giờ, làm việc trong những điều kiện kém an toàn... xảy ra rất phổ biến. Họ còn phải đối mặt với một chế độ sử dụng nhân sự hiện đại rất ghê ghớm, đó là sự thay thế. Ở những vị trí có sự năng động, nhiệt huyết và sức trẻ, tất cả các nhân viên đều phải gồng lên để chứng tỏ mình, tránh bị so sánh với các nhân viên mới về chế độ, tiền lương cũng như sức làm việc, sức sáng tạo...

 

Ngoài ra, những áp lực cạnh tranh không lành mạnh từ các đồng nghiệp, áp lực về cuộc sống bấp bênh nếu bị thất nghiệp cũng tạo ra những căng thẳng triền miên đối với các nhân viên. Người lao động vì những điều này mà luôn có nguy cơ rơi vào tình trạng thái trầm uất...”.

 

Để hạn chế tình trạng trên, bác sĩ Paul Landsbergis, chuyên gia về tư vấn stress trong công việc, đã khẳng định: “Đã đến lúc các tổ chức công đoàn phải vào cuộc”.

 

Thông qua hoạt động tuyên truyền giáo dụch về stress, các tổ chức này phải đưa ra các giải pháp cụ thể như tổ chức nhiều hoạt động vui chơi giải trí để thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng; tăng cường các thiết bị bảo hộ lao động; đào tạo các kỹ năng làm việc khoa học, đối phó stress; đào tạo kỹ năng ứng xử với đồng nghiệp và cấp trên cho các công chức trẻ...

 

Điều này sẽ khiến các nhân viên vững vàng hơn trong cuộc sống nghề nghiệp. Nhờ đó, họ vượt qua được những áp lực.

 

Nhật Bản và Trung Quốc đã xuất hiện những khái niệm để chỉ những cái chết vì áp lực công việc: Karoshi (Nhật) và Quolaosi (Trung Quốc).

 

Nghiên cứu (tháng 11/2003) của bang Victoria (Australia) chỉ ra rằng công việc chính là nguyên nhân chủ yếu của 109 vụ tự tử trong những năm 1989 - 2000. Chủ trại, nữ y tá, nữ bác sĩ, giáo viên và cảnh sát là những người có xu hướng tự tử cao.

 

Theo thống kê của cục cảnh sát quốc tế và theo thông báo của Japan Times vào ngày 10/5/2003, khoảng 5% số người tự tử có liên quan đến công việc. Trong đó:

 

- Căng thẳng trong công việc: 21%

- Những vấn đề khác: 19%

- Cãi nhau với sếp: 13%

- Sợ giảm biên chê: 12%

- Áp lực hoàn thành nhiệm vụ : 9%

- Không hài lòmg với công việc: 7%

- Làm việc quá giờ : 6%

 

Số lượng những người bị stress từ công việc ngày càng tăng vọt.

 

Theo Ngôi Sao/Thời Trang Trẻ