1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Áp dụng mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng chế độ hưu trí

Ông Trần Tuấn Minh (TP. Đà Nẵng) sinh năm 1971, đóng BHXH được 23 năm, muốn xin nghỉ việc vào năm 2018, không tiếp tục đóng BHXH. Ông Minh hỏi, ông có được nhận trợ cấp BHXH một lần không? Cách tính như thế nào? Số tiền được nhận là bao nhiêu?

Nếu ông Minh không tiếp tục đóng BHXH và bảo lưu thời gian đóng BHXH theo Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, thì số năm để tính bình quân tiền lương đóng BHXH là 5 năm cuối, đến năm 2031 ông được nhận mức lương hưu bằng 53% mức lương bình quân trong 5 năm cuối đóng BHXH và có nhân thêm hệ số trượt giá hàng năm từ nay đến năm 2031 có đúng không?

Về vấn đề này, BHXH TP. Đà Nẵng trả lời như sau:

Về trợ cấp BHXH một lần

Điều 8 Nghị định 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định về BHXH một lần như sau: Người lao động quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 2 của Nghị định này mà có yêu cầu thì được hưởng BHXH một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các Khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của Luật BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH hoặc theo quy định tại Khoản 3 Điều 54 của Luật BHXH mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện;

- Sau một năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH và không tiếp tục đóng BHXH;

- Ra nước ngoài để định cư;

- Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế.

Nếu ông thuộc một trong các trường hợp nêu trên và có nhu cầu thì ông đủ điều kiện để thanh toán chế độ BHXH một lần.

Khoản 2 Điều 60 Luật BHXH năm 2014 quy định: Mức hưởng BHXH một lần được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính như sau: 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014; 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi; Trường hợp thời gian đóng BHXH chưa đủ một năm thì mức hưởng BHXH bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Mức bình quân tiền tháng đóng BHXH làm căn cứ để giải quyết chế độ BHXH được quy định tại Điều 62 và Điều 63 Luật BHXH năm 2014.

Ông Minh căn cứ các quy định nêu trên để tính số tiền ông được nhận nếu ông đủ điều kiện để nhận BHXH một lần.

Về chế độ hưu trí

Ông Minh có 23 năm đóng BHXH, nếu năm 2031 ông nghỉ hưu (tròn 60 tuổi) thì tỷ lệ % hưởng lương hưu của ông được tính như sau: 20 năm đầu được tính 45%, từ năm thứ 21 trở đi mỗi năm được tính cộng thêm 2%, như vậy 3 năm còn lại tính thêm 6%.

Tổng tỷ lệ hưởng lương hưu của ông là 45% + 6% = 51%; Mức bình quân tiền tháng đóng BHXH làm căn cứ để giải quyết chế độ hưu ông có thể xem quy định tại Điều 62 và Điều 63 Luật BHXH năm 2014.

Ông thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, vì vậy tiền lương tháng đóng BHXH của ông không thuộc đối tượng điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng (hệ số trượt giá). Tiền lương đã đóng BHXH để làm căn cứ tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của ông được điều chỉnh theo mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng chế độ hưu trí.

Theo Chinhphu.vn