Ảnh hưởng của Covid-19, sức người... cũng ế

(Dân trí) - Dịch Covid-19 không chỉ làm ảnh hưởng tới người kinh doanh các mặt hàng hiện hữu, mà những người “bán” sức lao động ở Hà Nội cũng đang rơi vào tình trạng khó khăn.

Sức lao động ế khách

Có mặt ở khu vực cầu Mai Động và nhiều khu vực khác ở Hà Nội vào buổi sáng sớm, khách bộ hành không khó để tìm thấy hàng chục người lao động ngồi chờ việc với hình thức 'bán sức lao động".

Dịch Covid-19 khiến cho cuộc sống của những lao động phổ thông vốn đã vất vả nay càng trở nên khó khăn hơn.

Ảnh hưởng của Covid-19, sức người cũng ế

Tâm sự với PV Dân trí, ông Vũ Đức Chính quê ở Thọ Xuân (Thanh Hoá) thấy khó khăn như năm nay. Hơn 30 năm làm nghề cửu vạn tại Hà Nội, ngày nắng cũng như ngày mưa, ông cùng một số người khác dậy từ 6 giờ sáng đứng ở cầu Mai Động (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chờ người đến thuê làm việc.

Là một người làm lao động tự do, ông Chính có thể làm được hầu hết mọi việc chân tay mặc dù đã ngoài 60 tuổi.

Ảnh hưởng của Covid-19, sức người... cũng ế - 1

Ông Chính cùng các lao động khác đang ngồi chờ có người đến thuê đi làm 

Ông Chính kể: “Hôm nào may mắn, tôi có người chờ sẵn ở đây để đón đi làm. Có hôm lại ngồi đến chiều cũng chẳng ai thuê. Người ta thuê làm gì thì làm đấy, từ xây trát, trồng cây, dọn nhà, phá rỡ tôi làm được hết”.

Theo ông Chính, trước khi có dịch Covid-19, trung bình ông kiếm được 10 -15 triệu đồng/tháng. Từ sau Tết Âm lịch, thu nhập của ông giảm xuống còn từ 5 - 7 triệu đồng/ tháng.

“Dịch bệnh như thế này, đi làm từ tết chỉ đủ nuôi thân. Tháng nào dư ra thì mới gửi về cho vợ con được” - ông Chính nói.

Cùng cảnh với ông Chính, anh Trần Văn Thịnh - 40 tuổi quê ở Kim Bôi, Hoà Bình - hàng ngày cũng có mặt ở Ngã tư Vọng (Thanh Xuân, Hà Nội) chờ may mắn có một vị khách ghé qua “mua” sức lao động.

Ảnh hưởng của Covid-19, sức người... cũng ế - 2

Anh Thịnh cùng một lao động nữ khác chờ công việc đến với mình 

Tầm 10 giờ sáng, Anh Thịnh kiếm được 100.000 đồng kiếm được từ việc vận chuyển chậu cây cho một hộ gia đình ở phố Đại La. Xong việc, anh Thịnh quay lại địa điểm quen thuộc với hy vọng may mắn đón được vi khách tiếp theo.

Trước đây hai vợ chồng anh Thịnh cùng đi “bán” sức lao động, thế nhưng sau tết ít  việc, để có thể tiết kiệm tiền trang trải cho cuộc sống, vợ anh đã trở về quê làm nông nghiệp và chăm lo các con.

Anh Thịnh chia sẻ: “Hôm nay may lắm, tôi mới có việc từ sáng sớm, như hôm qua ngồi từ sáng đến chiều không có ai thuê. Mùa dịch này, tháng nào được nhiều, tôi mới dư ra được 4 - 5 triệu đồng để gửi về quê”.

Theo anh Thịnh, nguyên nhân dẫn đến tình trạng “ế khách” là do dịch Covid-19 nhiều người ở nhà, có thời gian rảnh nên mọi người tự làm không thuê người nữa. Trừ những công việc khó hay quá nặng nhọc mới đến tay anh Thịnh và nhiều người lao động khác.

Những người lao động tự do như ông Chính, anh Thịnh, làm việc theo kiểu ai thuê gì làm đấy cho nên luôn nằm trong tâm thế chờ đợi, có khi đến vài ngày không có việc làm.

Trong mùa dịch bệnh kiến công việc càng trở nên khó khăn hơn với họ. Thời gian chờ đợi, những lao động này thường tụm lại nói chuyện với nhau cho qua ngày.

Không dề tìm nghề mới phù hợp

Cũng hàng ngày đứng “bán” sức lao động tại cầu Mai Động, anh Nguyễn Văn Hùng quê ở Cẩm Thuỷ, Thanh Hoá, đã mang theo chiếc xe máy để làm thêm nghề xe ôm.

Ảnh hưởng của Covid-19, sức người... cũng ế - 3

Lao động mang theo xe máy để làm xe ôm trong lúc chờ việc 

“Trước đây không có dịch, tôi làm cả ngày không hết việc. Vì có sức khoẻ nên tôi có nhiều khách quen lắm, cứ có xe hàng ở các nơi chuyển đến là người ta gọi” - Anh Hùng nói.

Từ khi có dịch, cấm cửa khẩu, hàng hoá không về được khiến anh Hùng cùng nhiều lao động khác rơi vào tình trạng thiếu việc làm. Nhiều người đem theo xe máy để tiện làm giao hàng hặc xe ôm.

Anh Hùng chia sẻ: “Thêm nghề xe ôm thì cũng chỉ để cầm cự chứ thu nhập cũng không cao, mong muốn của tôi bây giờ là hết dịch để công việc trở lại như trước”.

Ảnh hưởng của Covid-19, sức người... cũng ế - 4

9 giờ sáng, anh Hùng hy vọng tìm được công việc để làm trong ngày 

Lượng thu nhập giảm đến quá 50% trong khi đó, tiền nhà trọ và chi phí sinh hoạt ở một thành phố có vật giá đắt đỏ như Hà Nội đang đè nặng lên vai những lao động nghèo, kiến nhiều người rơi vào cảnh điêu đứng.

Đa số lao động làm nghề này đều đến từ các khu vực làm nông nghiệp. Họ chỉ có một mong muốn kiếm chút tiền để một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Nửa năm trời cầm cự trong mùa dịch, nhưng khi nhắc đến việc về quê và chuyển nghề, ông Chính, anh Hùng, anh Thịnh và nhiều lao động khác đều lắc đầu.

Ông Chính tâm sự: “Bây giờ tôi cũng 60 tuổi rồi, chuyển nghề khác khó lắm, về quê chỉ có làm ruộng, thà ở đây tuy khó khăn nhưng vẫn có đồng ra đồng vào”.

Theo anh Thịnh, đã không ít người từ bỏ công việc này về quê vì không có thu nhập. Còn anh vẫn phải bám trụ lại Hà Nội mong một ngày cuộc sống trở lại bình thường.

“Giờ trở về Hoà Bình tôi cũng chẳng biết phải làm gì để nuôi 3 đứa con ăn học, ruộng lương thì đã có vợ ở nhà quán xuyến rồi” - Anh Thịnh chia sẻ.

Người lao động nghèo chỉ hy vọng cuộc sống được trở lại như trước, nhưng quan trọng nhất chính là dịch bệnh cần được khống chế. Khi kinh tế dần phục hồi, việc làm cho các lao động tư do này sẽ trở lại.