Ăn trưa công sở: ai trả tiền?

(Dân trí) - Dân công sở lắm lúc cũng lâm vào tình huống khó xử với hóa đơn tính tiền do không chắc ai nên là người “rút hầu bao” cho phải phép, để “không thẹn với người, không thiệt cho ta”. Thế mới biết ăn trưa công sở cũng có những quy tắc riêng của nó.

Ăn trưa công sở: ai trả tiền? - 1
 
Theo Vicky Oliver, tác giả của các quyển sách nổi tiếng như 301 Smart Answers to Tough Questions: Business Etiquette Questions The Millionaire's Handbook, bạn hoàn toàn có thể dự trù trước các tình huống tế nhị liên quan đến chuyện tiền nong. Trong trường hợp được người khác mời, bạn cũng nên có cách hành xử thích hợp, khéo léo để ấn tượng để lại luôn là đẹp nhất.

 

Dưới đây là một vài tình huống thường gặp và lời khuyên dành cho bạn:

 

Ăn trưa với đồng nghiệp


"Nếu bạn đi ăn chung với 5 đồng nghiệp nữa chẳng hạn, hãy chia đều hóa đơn cho mỗi người sau khi đã gộp tiền boa cho người phục vụ”, Oliver chia sẻ. “Điều này giúp tránh được những chi li thiệt hơn và gắn kết tinh thần cả nhóm.”

 

Có thể bạn chỉ kêu món xà-lách trộn trong khi đồng nghiệp gọi món bò bít tết đắt đỏ, tuy vậy cũng không nên câu nệ từng đồng từng cắc, vì sẽ có lúc bạn gọi món đắt tiền hơn khi cả nhóm đi ăn chung – đến cuối cùng thì tất cả đều sẽ có qua có lại. Bạn không nên yêu cầu người phục vụ tính rõ phần nào của người nào vì không đáng để làm như vậy.

 

Tuy nhiên, nếu các buổi ăn trưa chung với đồng nghiệp quá thường xuyên và quá tốn tiền, hãy chọn giải pháp mang cơm nhà; tuy nhiên, bạn cần nhớ những dịp đi ăn chung là thời cơ tốt để mở rộng và thắt chặt quan hệ đồng nghiệp.

 

Ăn trưa làm việc


Đôi khi bạn mời một đồng nghiệp cùng ăn trưa để tiện hỏi thông tin về dự án nào đó, hoặc cập nhật những tin tức mới trong bộ phận đồng nghiệp này đang công tác. Theo lẽ thường, bạn là người mời ăn trưa nên bạn cần mở hầu bao trong trường hợp này.

 

Nếu bạn dùng bữa trưa với đối tác để bàn chuyện công việc, bạn có thể hỏi ý sếp xin sử dụng phí tiếp đãi khách hàng của công ty và nếu được chấp thuận, công ty sẽ thanh toán lại cho bạn trong phạm vi cho phép. Tuy nhiên, bạn cần nói rõ với sếp: buổi ăn trưa với đối tác này sẽ mang lại lợi ích gì cho bạn, cho sếp và cho công ty. Nếu cũng là gặp đối tác nhưng chỉ để xã giao hỏi thăm thông thường, bạn khó mà thuyết phục công ty chi ra khoản này.

 

Khi sếp mời


Theo lẽ thường, khi sếp mời nhân viên đi ăn trưa, sếp sẽ là người thanh toán hóa đơn. Bạn vẫn có thể lịch sự gợi ý chia đôi số tiền nhưng không nên nằng nặc đòi trả tiền, nhất là khi đi ăn với các sếp lớn. Quan trọng là bạn cần bày tỏ sự cảm kích đối với sếp về bữa ăn.

 

Ăn trưa cảm ơn


Theo Oliver, nếu bạn muốn cám ơn đồng nghiệp hoặc nhân viên vì đã hỗ trợ bạn hoàn thành công việc xuất sắc nhưng lại không muốn tạo cho người đó suy nghĩ rằng lúc nào mời, bạn cũng sẽ là người chi trả 100% hóa đơn, bạn có thể khéo léo giải thích: “Tuy là công ty không chi trả cho bữa trưa ngày hôm nay nhưng bản thân tôi rất cảm kích thời gian và công sức mà anh/chị đã bỏ ra để hoàn tất công việc. Hôm nay cho phép tôi mời bữa này nhé, lần sau mình sẽ theo kiểu Mỹ.”

 

Ăn trưa xin lời khuyên


Khi mời sếp hoặc các đồng nghiệp kỳ cựu ăn trưa/ uống cà phê để xin tư vấn về việc nào đó, bạn nên là người trả tiền. Trong trường hợp này, bạn sẽ thu được nhiều kiến thức và kinh nghiệm quý báu, nên bạn cần bày tỏ lòng biết ơn của mình. Tuy nhiên, nếu cả hai đều được lượng thông tin như nhau, nhất trong trường hợp ăn trưa để chia sẻ kinh nghiệm, bạn có thể gợi ý chia đôi hóa đơn.

 

Ai hơn thì trả

 

Đôi khi giữa người mời và người được mời có khoảng cách lớn về tuổi tác hoặc thu nhập thì người có thu nhập cao hơn hoặc ổn định hơn sẽ là người rút hầu bao. Nếu về tuổi tác, người trẻ hơn nên thanh toán hóa đơn để bày tỏ lòng kính trọng, chỉ trừ trường hợp người trẻ tuổi hơn đang thất nghiệp hoặc không có thu nhập.

 

Luôn nhớ hai chữ “Cảm ơn”

 

Cho dù cuối cùng là ai trả tiền đi nữa thì bạn luôn cần nói “Cảm ơn”. Nếu bạn là người trả tiền thì bạn đã thu lượm được nhiều thông tin, lời khuyên sau bữa trưa hôm đó hoặc mời người khác vì muốn tỏ lòng cảm kích, nên cảm ơn là điều cần thiết. Nếu bạn được người khác mời, thì bạn càng phải nói cảm ơn về bữa trưa miễn phí và cơ hội được trao đổi, trò chuyện với người mời.

 

Oliver cho biết, “Nói cảm ơn dường như đã trở thành thứ nghệ-thuật-bị-đánh-mất trong thời đại này. Nếu biết vận dụng khéo léo, bạn sẽ trở nên nổi bật trên thương trường đầy cạnh tranh như hiện nay. Bạn có thể điện thoại hoặc viết email cảm ơn người nào đó, nhưng nếu được, hãy mời người đó một bữa trưa để thắt chặt quan hệ trong công việc lẫn cá nhân.”

 

Ngọc Vân

Theo MSN