1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

90% thủ khoa 'rời bỏ' Hà Nội

Dù được đãi ngộ thu hút thủ khoa một lần bằng 20 lần mức lương tối thiểu để tuyển dụng nhưng số thủ khoa ở lại làm việc trong các cơ quan hành chính của Thủ đô rất thấp, chỉ chừng 10%. Tại sao những nỗ lực hay hỗ trợ của TP Hà Nội không hấp dẫn các thủ khoa?.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Bí thư Thường trực Thành Đoàn Hà Nội: Tính đến nay đã có 1533 thủ khoa được vinh danh, đón nhận Bằng khen của UBND TP, nhiều trong số các bạn thủ khoa được vinh danh đã thành công trong sự nghiệp, có nhiều đóng góp cho Thủ đô và đất nước.

Năm 2016 là năm thứ 14 liên tiếp TP Hà Nội tổ chức tuyên dương các thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường ĐH, học viện trên địa bàn TP. Năm 2016, Hà Nội tuyên dương 100 thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp trường ĐH, học viện trên địa bàn TP, trong đó có 62 nữ thủ khoa (chiếm 62%). Số thủ khoa ở khối ngành kinh tế chiếm tỷ lệ cao nhất với 30 người (30%). Trong số 100 thủ khoa xuất sắc có 2 thủ khoa “kép”, tức vừa là thủ khoa tuyển sinh ĐH, vừa là thủ khoa tốt nghiệp.


Lễ tuyên dương thủ khoa xuất sắc Hà Nội năm 2014

Lễ tuyên dương thủ khoa xuất sắc Hà Nội năm 2014

Chương trình tuyên dương đã diễn ra từ ngày 21/8 với nhiều hoạt động như tham gia giao lưu “Thủ khoa khởi nghiệp”; lãnh đạo TP gặp mặt thân mật; Lễ dâng hương và ghi danh Sổ vàng tại Trung tâm Văn hoá Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám; trồng cây tại Khu di tích Đền Và (Sơn Tây, Hà Nội)... Đặc biệt, vào 20h ngày 28/8 tới đây, Lễ tuyên dương thủ khoa xuất sắc sẽ được tổ chức tại Trung tâm Văn hoá Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Dù lễ tuyên dương hoành tráng nhưng nhiều thủ khoa vẫn không muốn trở thành công chức của thành phố mà thích được trải nghiệm mình với nhiều ngành nghề tự do, yêu thích và mức lương hấp dẫn. Phải chăng môi trường làm việc hành chính của Nhà nước không còn tha thiết với các thủ khoa, hay còn lý do nào?

Theo lãnh đạo Sở Nội vụ, các thủ khoa xuất sắc, nếu có nguyện vọng về làm việc trong các cơ quan, đơn vị của TP sẽ được hưởng chính sách đãi ngộ theo Nghị quyết số 14 như: Được tiếp nhận hoặc xét đặc cách không qua thi tuyển; được hưởng hỗ trợ đãi ngộ thu hút một lần bằng 20 lần mức lương tối thiểu tại thời điểm được tuyển dụng, tiếp nhận... Những chính sách đó là để thu hút nhân tài và mong muốn người giỏi đóng góp cho Hà Nội.

Từ khi thực hiện chính sách thu hút tài năng trẻ đến nay, TP đã tuyển dụng được gần 300 tài năng trẻ vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị thuộc TP. Trong số này có 147 thủ khoa, 57 người có trình độ tiến sĩ và thạc sĩ, 27 văn nghệ sĩ và 37 vận động viên xuất sắc đạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế.

Ông Tạ Quang Ngải, Trưởng phòng Đào tạo Sở Nội vụ cho biết đã 19 thủ khoa xuất sắc được hỗ trợ 20 tháng lương tối thiểu theo Nghị quyết số 14; có gần 20 cán bộ, công chức, viên chức được bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo quản lý từ cấp phòng ban chuyên môn trở lên. Số lượng tài năng trẻ trong diện thu hút tuyển dụng có đủ điều kiện tiêu chuẩn về năng lực, trình độ được quy hoạch là cán bộ lãnh đạo quản lý trong các cơ quan, đơn vị tăng đáng kể trong một vài năm gần đây.

Lý giải về câu hỏi số thủ khoa sau tuyên dương sẽ đi đâu? Ông Trần Anh Tuấn cho biết, trong số các thủ khoa, nhiều em đã nhận được học bổng đi du học nước ngoài. Dù Hà Nội có chính sách trọng dụng nhân tài, nhưng không có nghĩa là 100 thủ khoa phải làm việc tại Hà Nội. Nhiều em sẽ quay về làm việc tại địa phương với nhiều chính sách đãi ngộ tốt hoặc ở lại trường làm giảng viên.

Tham dự buổi giao ban báo chí Thành ủy ngày hôm qua (23/8), đại diện nhiều cơ quan thông tấn báo chí đã dành câu hỏi về chính sách đãi ngộ của TP Hà Nội đối với các thủ khoa xuất sắc, nỗi lo về tình trạng “chảy máu chất xám” khi chỉ có khoảng 10% số thủ khoa xuất sắc được tuyển dụng vào các sở, UBND quận, huyện, thị xã của TP.

Sự yêu thích của các thủ khoa khi làm việc ở các cơ quan công quyền là rất ít. Phải chăng môi trường làm việc chưa hiện đại, nỗi lo “con ông cháu cha” khiến nhiều người không còn hứng thú với chính sách đãi ngộ của TP mà tự đi tìm con đường tự do sáng tạo của mình?.

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Bí thư Thường trực Thành Đoàn Hà Nội cho rằng: “Dù các em đi đâu, làm việc hay du học cũng là cống hiến cho quê hương, đất nước, đem trí tuệ và sức trẻ làm rạng danh cho đất nước nên tôi nghĩ rằng, không phải cứ là thủ khoa của Hà Nội thì phải làm việc ở Hà Nội mới là cống hiến cho đất nước”.

Theo Báo Pháp Luật