1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

90% người học nghề có thu nhập cao hơn sau đào tạo vào năm 2030

(Dân trí) - "Đến năm 2021, quy mô tuyển sinh đạt 2,6 triệu người/năm, ít nhất 80% người học có việc làm, năng suất và thu nhập cao hơn sau đào tạo. Tới năm 2025, con số trên sẽ đạt 4,6 triệu triệu người/năm và 85% người học có việc làm, năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo…"

90% người học nghề có thu nhập cao hơn sau đào tạo vào năm 2030 - 1

Mục tiêu đến năm 2030, 90 % người tham gia giáo dục nghề nghiệp có việc làm ổn định, thu nhập cao hơn sau đào tạo (Ảnh: Hoàng Mạnh)

Đây là mục tiêu của Dự thảo Đề án sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030 đang được Bộ LĐ-TB&XH lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ xem xét và ban hành.

Theo đó, Dự thảo Đề án chia các mục tiêu nhằm đạt được vào năm 2030 với lộ trình 3 giai đoạn.

Giai đoạn đến năm 2021: Giảm mạnh về đầu mối, tối thiểu bình quân cả nước giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015 (bình quân mỗi năm giảm tối thiểu 2,5%); trong đó trường trung cấp giảm tối thiểu 15%.

Có 40 trường cao đẳng được kiểm định, đánh giá, công nhận đạt tiêu chí của trường chất lượng cao, trong đó có khoảng 3-5 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20, 40 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4.

Cả nước có gần 2.000 cơ sở giáo dục nghề nghiệp 

Tại thời điểm nhận bàn giao quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, cả nước có 1.989 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm: 409 trường cao đẳng, 583 trường trung cấp và 997 trung tâm giáo dục nghề nghiệp...

Phấn đấu có 10% đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2011 - 2015.

Đến năm 2025: Tiếp tục giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2021 (bình quân mỗi năm giảm tối thiểu 2%).

Có 70 trường cao đẳng được kiểm định, đánh giá, công nhận đạt tiêu chí của trường chất lượng cao, trong đó có khoảng 5-7 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20, 40 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4.

Phấn đấu có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính. Thực hiện cổ phần hoá các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đủ điều kiện theo quy định.

Đến năm 2030: Phấn đấu quy mô tuyển sinh đạt 6,3 triệu người mỗi năm; ít nhất 90% người học có việc làm và có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo.

Tiếp tục thực hiện giảm đầu mối, phấn đấu chỉ còn các đơn vị sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý nhà nước và cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

90% người học nghề có thu nhập cao hơn sau đào tạo vào năm 2030 - 2

Tới năm 2021, phấn đấu ít nhất 80% người học có việc làm, năng suất và thu nhập cao hơn sau đào tạo. (Ảnh: Hoàng Mạnh)

Có 100 trường được kiểm định, đánh giá, công nhận đạt tiêu chí của trường chất lượng cao, trong đó có khoảng 15 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20, 50 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4. Giáo dục nghề nghiệp Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực ASEAN.

Để thực hiện các mục tiêu trên, Dự thảo tập trung vào nhóm nhiều giải pháp đồng bộ, như: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; Sắp xếp, tổ chức lại cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tổ chức đào tạo; chú trọng phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý; chuẩn bị cơ sở vật chất và đào tạo; nâng cao năng lực quản trị của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp…

Đặc biệt, công tác tuyên truyền cần được trú trọng nhằm nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, lãnh đạo cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cán bộ, nhà giáo, người lao động, học sinh, sinh viên về việc thực hiện Nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với việc sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Thông qua việc tuyên truyền nhằm quán triệt về sự cần thiết, mục tiêu, ý nghĩa, yêu cầu của việc sắp xếp, tổ chức lại cơ sở giáo dục nghề nghiệp là để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Công tác tuyên truyền cũng nhằm khuyến khích đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia tích cực, chủ động trong quá trình kiện toàn tổ chức và xây dựng cơ chế hoạt động hiệu quả của cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Xắp xếp, rà soát hệ thống giáo dục nghề nghiệp

Với gần 2.000 cơ sở đào tạo, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang phát triển rộng khắp cả nước, đa dạng về loại hình, trình độ đào tạo và mô hình hoạt động.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phân bố còn dàn trải, chồng chéo, chất lượng không đồng đều, thực hiện tự chủ rất hạn chế, nhiều trường trung ương và địa phương cùng đào tạo ngành, nghề giống nhau trên cùng một địa bàn; nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp không đạt chuẩn theo quy định.

Xuất phát từ thực tiễn và cơ sở pháp lý nêu trên, việc sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp là yêu cầu cần thiết, cấp bách góp phần vào công cuộc đổi mới toàn diện, có bước đột phá về cơ cấu và nâng cao chất lượng đào tạo; xây dựng hệ thống giáo dục nghề nghiệp hiện đại, linh hoạt, hiệu quả và phát triển bền vững, đồng thời đáp ứng yêu cầu nhân lực trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0.

 Hoàng Mạnh