9 bước để thành công trong công việc mới

(Dân trí) - Mỗi tháng có hàng ngàn người tìm đến với các công việc mới. Từ người mới tốt nghiệp cho đến người có kinh nghiêm làm việc lâu năm, tất cả đều muốn tìm cho mình một cơ hội mới. Nhưng không ai dám đảm bảo rằng mình sẽ thành công.

Theo thống kê của Quỹ Bảo hộ Việc làm, có khoảng 1/4 nhân viên phải bỏ việc sau một năm đi làm và 1/2 số đó bỏ việc sau 18 tháng. Như vậy, để thành công trong công việc mới không phải là điều dễ dàng.

Những biểu hiển của bạn trong những ngày đầu rất quan trọng. Ấn tượng ban đầu ảnh hưởng không nhỏ tới sự thành công. Chuyên gia tư vấn việc làm cao cấp Ramon Greenwood đến từ website CommonSenseAtWork sẽ cung cấp 9 mẹo nhỏ trợ giúp đắc lực cho bạn:

1- Làm việc không ngừng nghỉ

Trong những tháng đầu, bạn nên làm việc không ngừng nghỉ, không nhờ vả và cắt ngắn công việc. Làm việc một cách chăm chỉ, có thể mang việc về nhà làm thêm vào ban đêm hoặc những ngày cuối tuần. Say mê làm việc là cách giúp bạn nhanh chóng bắt nhịp được với công việc mới.

2- Đến sớm và về muốn

Hãy đến cơ quan sớm hơn 30 phút trong một vài tháng đầu. Thông thường, sếp cũng sẽ đến sớm, vì thế đây là thời điểm tốt để bạn trao đổi công việc và làm quen với sếp mới.

Đến sớm sẽ thể hiển sự yêu thích công việc. Ngoài ra có thể hỏi thêm các thông tin về công việc và nhờ sếp hướng dẫn thêm.

Ngoài ra bạn cũng nên ở lại nửa tiếng sau giờ làm việc để có thể dọn dẹp văn phòng, thu thập tài liệu mang về nhà nghiên cứu vào buổi tối, đồng thời lên danh sách những việc sẽ làm vào ngày tiếp theo.

3- Đừng hy vọng chinh phục mọi người trong sáu tháng đầu

Mọi thứ đều cần có thời gian, và hiệu quả công việc sẽ chứng minh năng lực của bạn. Không nên tỏ ra mình là người xuất sắc và có thể vượt trội mọi người trong sáu tháng đầu. Hãy âm thầm làm công việc của mình.

4- Đừng ngại hỏi và tìm kiếm sự giúp đỡ
Hỏi và tìm kiếm sự giúp đỡ không phải là biểu hiện của sự yếu kém. Tìm kiếm sự trợ giúp một cách thông minh, thể hiện sự tự tin và niềm đam mê công việc là dấu hiệu của người có năng lực thực sự.

Hỏi sếp, hoặc bất kỳ người nào có thể giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm với bạn. Điều này không có gì là khó. Đặc biệt là hầu hết mọi người đều thích được hỏi xin ý kiến, lời khuyên.

5- Quan sát, tìm hiều mọi thứ

Tìm hiểu bộ máy tổ chức hoạt động của cơ quan. Điều này khác với việc bạn tìm đọc các tài liệu liên quan đến nơi bạn đang làm việc bởi vì không phải văn bản nào cũng đánh máy đầy đủ, rõ ràng về các hoạt động, đội ngũ cán bộ công nhân viên và vai trò của từng người. Bạn nên bỏ thời gian để quan sát, tìm hiểu về đồng nghiệp để hiểu, tiếp nhận, và có thể dung hòa với họ.

6- Không chia nhóm

Những người mới đến làm nên dung hoà với tất cả các mối quan hệ, không nên tụ tập thành từng nhóm nhỏ, chia bè phái, bàn tán, ngồi lê đôi mách về những người khác. Hành động ấy sẽ chia rẽ cục bộ, tạo ấn tượng xấu trong công việc.

7- Tôn trọng hệ thống cấp bậc

Một tổ chức luôn lớn và mạnh hơn bất kỳ một cá nhân nào. Một người mới bỡ ngỡ bước vào một môi trường mới không thể thay đổi những gì đã có từ trước. Bất cứ ai cũng đều có người lãnh đạo mình, vì thế phải nhận rõ và tôn trọng tất cả các mệnh lệnh của họ, đó là cách để bạn tồn tại lâu dài trong môi trường làm việc mới.

8- Hiểu rõ công việc

Phải hiểu rõ lĩnh vực hoạt động của cơ quan, nhiệm vụ của tổ chức, những gì nó làm, những giá trị nó đại diện. Và tìm hiểu phương thức làm việc.

9- Thích nghi với môi trường mới

Những người đi ngược lại với những quy định thì sẽ khiến cuốc sống của họ trở nên khó khăn, và rất khó thành công trong công việc. Vì thế phải học cách thích nghi với môi trường mới. Quan sát cách ăn mặc của mọi người trong cơ quan, giản dị hay sang trọng. Có bất cứ quy định nào về cách ăn mặc trong công ty hay không? Có thể những quy định này được đề ra trong văn bản, trong một cuộc họp, trong cuộc thảo luận trực tiếp nhưng cũng có thể chỉ là một cuộc gặp tình cờ trên đường phố.

Hy vọng những mẹo nhỏ trên đây sẽ giúp mọi người thành công trong công việc mới của mình

 

Xuân Thanh
Theo careerknowhow