9 bí quyết để thích nghi với công việc mới

(Dân trí) - Bạn có thể gặp áp lực lớn khi bắt đầu một công việc mới vì phải làm việc trong một môi trường hoàn toàn xa lạ, với những đồng nghiệp mà trước đó bạn chưa từng quen biết. Bạn sẽ vượt qua được sức ép này nếu áp dụng 9 bí quyết dưới đây:

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

1. Đừng lo lắng khi bị ngợp thông tin

Bạn sẽ phải tiếp nhận một lượng lớn những thông tin mới trong một vài tuần làm việc đầu tiên ở công ty mới, từ việc ai là người chịu trách nhiệm về bảo hiểm y tế, cho tới cách thức xử lý cụ thể các nhiệm vụ được giao. Ban đầu, bạn sẽ không thể ghi nhớ hết được tất cả những thông tin này, và việc đó hoàn toàn bình thường. Hãy nhớ rằng, khi mới bắt đầu một công việc mới, việc bạn cảm thấy bị ngợp thông tin không phải là vấn đề đáng ngại, và đó không phải là một dấu hiệu cho thấy bạn sẽ thất bại.

2. Hiểu rằng quá trình thích nghi của bạn sẽ mất một thời gian


Ở hầu hết các công việc, phải mất từ 3-6 tháng để bạn quan với công việc mới. Quãng thời gian này thậm chí còn dài hơn ở những công việc có độ phức tạp cao hơn. Đừng hoảng sợ khi thấy mình vẫn chưa thực sự thích nghi khi đã bước vào tuần làm việc thứ ba, hoặc có cảm giác như bạn sẽ không bao giờ hòa mình vào được văn hóa ở môi trường làm việc mới này. Cảm giác đó gần như chắc chắc sẽ biến mất, nhưng bạn cần phải có thời gian.

3. Nỗ lực làm quen với mọi người

Cho dù bạn là người nhút nhát và hướng nội, trong vài tuần làm việc đầu tiên ở chỗ mới, hãy nỗ lực làm quen với các đồng nghiệp mới. Đây chính là những người sẽ giúp chỉ cho bạn chỗ ăn trưa, nói cho bạn biết sếp quan tâm nhất đến điều gì, hay ai là người giải quyết vấn đề về tiền lương ở phòng kế toán.

4. Đừng gia nhập vào một nhóm đồng nghiệp nào đó


Trong môi trường làm việc mới, bạn hãy tỏ ra thân thiện với tất cả mọi người, nhưng đừng để bản thân bị lôi kéo vào một nhóm nào đó. Ở giai đoạn này, bạn chưa biết nhiều đủ để đứng về nhóm này hay nhóm khác. Việc tham gia vào một nhóm nào đó có thể đồng nghĩa với việc bạn kết thân với những người hay phàn nàn hoặc lười nhác mà chính bạn không hề nhận ra. Vì vậy, giữ thái độ thân thiện và trung lập trước bất kỳ sự chia rẽ hay mâu thuẫn nào ở nơi làm việc mới.

5. Nói chuyện với sếp mới về mục tiêu của bạn cho tháng đầu tiên và 6 tháng đầu tiên


Nếu bạn không trao đổi với sếp cụ thể về vấn đề này, bạn sẽ không biết được kết quả của bạn như thế nào trong tháng đầu tiên và 6 tháng đầu tiên sẽ được sếp đánh giá là thành công. Và bạn cũng hoàn toàn không nên phỏng đoán. Có thể ban đầu, bạn nghĩ rằng, sếp muốn bạn sẽ trở thành một chuyên gia trong mảng được giao ngay trong 2 tháng đầu tiên. Tuy nhiên, khi trao đổi với sếp, bạn mới biết, hóa ra sếp chỉ mong bạn làm quen được với công việc và hoàn thành một phần của công việc mới. Ngược lại, cũng có thể kỳ vọng của sếp lớn hơn những gì bạn nghĩ. Bởi thế, điều quan trọng là bạn phải biết đích xác.

6. Đừng ngại đề nghị giúp đỡ khi cần thiết

Một số nhà quản lý có khả năng đào tạo nhân viên giỏi hơn những người khác. Là một nhân viên mới, nếu bạn không rõ vấn đề gì đó, đừng ngại đề nghị cấp trên giúp đỡ. Hoàn toàn không có vấn đề gì khi bạn hỏi những câu như: “Tôi có thể đọc tài liệu nào để hiểu rõ hơn về…?” hay “Liệu có những hình mẫu về cách giải quyết việc này trước đây để tôi có thể học tập không?”

7. Chú ý tới văn hóa của công ty

Hãy quan sát xem những người khác trong cơ quan mới của bạn hành động như thế nào và bạn sẽ tiếp thu được rất nhiều thông tin về văn hóa ở môi trường làm việc này. Mọi người có bắt buộc phải xuất hiện đúng giờ trong các cuộc họp? Họ có ăn trưa ngay tại bàn làm việc hay ra ngoài? Công việc căng thẳng nhất vào thời gian nào trong ngày? Mọi người có những khoảng thời gian thư giãn, cùng nhau trò chuyện trong ngày không hay chỉ tập trung làm việc? Mọi người thường giao tiếp bằng email hay trao đổi trực tiếp? Mặc dù bạn không cần phải biến mình thành một người khác, bạn vẫn phải nỗ lực để hòa nhập vào văn hóa chung ở nơi làm việc mới. Nếu không bạn sẽ bị người khác đánh giá là không biết “tùy gia nhập tục”.

8. Đừng so sánh mọi thứ với “ở công ty cũ của tôi”

Bạn có thể cho rằng mình có cách tốt hơn để giải quyết công việc. Tuy nhiên, bạn không nên so sánh giữa hiện tại với những gì bạn làm trước đây, vì biết đâu, có những lý do khiến ý tưởng của bạn không thể được áp dụng tại đây. Ngoài ra, các đồng nghiệp mới của bạn sẽ không vui khi nghe bạn nói “ở công ty cũ của tôi, tôi đã làm thế này, thế kia…”

9. Đề nghị được nhận xét

Sau một vài tuần làm việc đầu tiên, hãy đề nghị nhà quản lý nhận xét về kết quả công việc của bạn. Hỏi xem sếp có muốn bạn điều chỉnh gì không và bạn cần phải tập trung thêm vào mảng nào. Đương nhiên sếp sẽ là người chủ động đưa ra nhận xét cho bạn, nhưng sẽ tốt hơn nếu bạn trực tiếp hỏi trước khi sếp nhận xét. Bằng cách này, bạn sẽ sớm có được hướng dẫn từ sếp hơn và sẽ cảm thấy tự tin, thoải mái hơn.

Phương Anh
Theo US News