7 chính sách an sinh cần tới “nền” lương cơ sở

(Dân trí) - Từ ngày 1/7/2017, lương cơ sở sẽ tăng từ 1.210.000 đồng lên 1.300.000 đồng. Ngoài mục đích là "nền" tính lương cho công chức và viên chức, lương cơ sở còn là căn cứ cho việc xây dựng nhiều chính sách khác.


Sau ngày 1/5/2016, mức lương cơ sở hiện là 1.210.000 đồng.

Sau ngày 1/5/2016, mức lương cơ sở hiện là 1.210.000 đồng.

1. Trợ cấp mai táng phí.

Khoản 2, Điều 63 Luật BHXH quy định: Người đang hưởng lương hưu, hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng đã nghỉ việc khi mất, gia đình và người thân sẽ nhận mức trợ cấp mai táng phí “bằng 10 tháng lương tối thiểu chung (nay là lương cơ sở)”.

2. Tính mức đóng BHYT.

Theo Điều 3, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi năm 2014: “…Mức đóng bảo hiểm y tế được xác định theo tỷ lệ phần trăm của tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (sau đây gọi chung là tiền lương tháng), tiền lương hưu, tiền trợ cấp hoặc mức lương cơ sở…

3. Căn cứ mức tiền thưởng của các danh hiệu khen thưởng.

Từ Điều 70 đến Điều 77, Luật Thi đua, khen thưởng có quy định các danh hiệu như: Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”, danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, “Đơn vị quyết thắng”; “Huân chương Lao động” hạng nhất, nhì, ba…có mức tiền thưởng tính trên “nền” lương cơ sở.

Ví dụ: Cá nhân được phong tặng danh hiệu: “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú”, “Thầy thuốc nhân dân”, “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” được tặng Bằng và được thưởng 1,5 lần mức lương tối thiểu chung; cá nhân được tặng Huy chương các loại, được tặng Bằng, Huy chương và được thưởng 1,5 lần mức lương tối thiểu chung…

4. Căn cứ tính mức hỗ trợ học nghề cho bộ đội xuất ngũ.

Theo Quyết định 121/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hoạt động của các cơ sở dạy nghề thuộc Bộ Quốc phòng và chính sách hỗ trợ bộ đội xuất ngũ học nghề, trường hợp bộ đội xuất ngũ học nghề ở trình độ sơ cấp: Được cấp “Thẻ học nghề” có giá trị tối đa bằng 12 tháng tiền lương tối thiểu chung (hiện nay đổi tên là lương cơ sở) tại thời điểm học nghề và có giá trị sử dụng trong 1 năm kể từ ngày cấp thẻ.

5. Cơ sở tính quyền lợi hưởng BHYT.

Theo Điểm c Khoản 1 Điều 22 Luật BHYT sửa đổi năm 2014, người bệnh có thẻ BHYT được Quỹ BHYT chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi khi có 2 điều kiện như sau: “Có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục tính từ thời điểm người đó tham gia BHYT đến thời điểm đi khám bệnh, chữa bệnh; Có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến”.

6. Mức đóng BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện.

Tại Điều 6, Quyết định 959/QĐ-BHXH ngày 9/9/2015 của BHXH VN về Ban hành quy định về quản lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ BHYT .Theo đó, mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc quy định mà cao hơn 20 tháng lương cơ sở thì mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc bằng 20 tháng lương cơ sở.

Với người tham gia BHXH tự nguyện. Mức đóng là: Mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.

7. Cơ sở cho mức trợ cấp cho người chồng khi vợ sinh con.

Điều 38 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, có hiệu lực từ 1/1/2016, quy định: “Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha được trợ cấp một lần bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con”.

Lương cơ sở và lương tối thiểu

Trước năm 2013, việc trả lương cho người lao động được căn cứ theo 2 loại lương: Lương tối thiểu vùng và lương tối thiểu chung.

Về cơ bản, lương tối thiểu vùng áp dụng cho người lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp. Lương tối thiểu chung áp dụng cho người lao động thuộc đối tượng hưởng lương do Nhà nước chi trả.

Từ năm 2013, Nghị định 66/2013/NĐ-CP đã đổi tên gọi lương tối thiểu chung thành lương cơ sở, mục đích vẫn được giữ như cũ.

Hoàng Mạnh