1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

600.000 lao động ở nước ngoài, mỗi năm gửi về Việt Nam 3,5 tỷ USD

Xuân Hinh

(Dân trí) - Khoảng 600.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, mỗi năm gửi về nước khoảng 3,5 tỷ USD.

600.000 lao động ở nước ngoài, mỗi năm gửi về Việt Nam 3,5 tỷ USD - 1

Hội thảo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI, một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2022 (Ảnh: X.H).

Ngày 20/9, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp cùng Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức hội thảo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2022.

Tại hội thảo, ông Bùi Tôn Hiến, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, cho hay, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI là một dấu mốc quan trọng, đạt được nhiều thành tựu nổi bật về an sinh xã hội.

Cụ thể, về chính sách người có công, đến nay, cả nước đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công; trong đó có trên 1,2 triệu người có công đang hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng. Năm 2020, đảm bảo 99,5% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư trên địa bàn cư trú; 99% xã, phường làm tốt công tác thương binh liệt sĩ.

Về chính sách việc làm, thu nhập và giảm nghèo, mỗi năm có 1,5 - 1,6 triệu người được giải quyết việc làm; tỷ lệ thất nghiệp chung duy trì ổn định ở mức dưới 3%, tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 4%.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, năm 2020 và 2021 giải quyết việc làm giảm xuống còn khoảng 1,3 triệu người/năm; năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp chung là 2,25%, tỷ lệ thất nghiệp thành thị là 3,6%, năm 2021.

Hiện có khoảng 600.000 lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với thu nhập ổn định, gửi về nước lượng kiều hối lớn, khoảng 3,5 tỷ USD/năm.

600.000 lao động ở nước ngoài, mỗi năm gửi về Việt Nam 3,5 tỷ USD - 2

Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội - Bùi Tôn Hiến (Ảnh: X.H).

Giai đoạn 2010 - 2021, thu nhập của người lao động liên tục tăng cao. Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam là 4,2 triệu đồng/tháng, cao gấp 3 lần so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 2%/năm.

Giai đoạn 2016-2020, mặc dù điều chỉnh nâng chuẩn nghèo nhưng tỷ lệ hộ nghèo cũng liên tục giảm bình quân 1-1,5%/năm, từ 7,9% năm 2016 xuống còn 2,75% cuối năm 2020, năm 2021 giảm còn 2,23%; thu nhập bình quân hộ nghèo năm 2020 bằng 2,3 lần so với năm 2015, bằng 3,5 lần năm 2010.

Về chính sách bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp, diện bao phủ bảo hiểm xã hội đạt 16,2 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội vào năm 2020. Năm 2021, cả nước có gần 3,3 triệu người hưởng các chế độ hưu trí và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, được chi trả bằng nhiều hình thức, linh hoạt (tiền mặt, qua bưu điện, qua tài khoản cá nhân).

Về thực hiện các mục tiêu của Chính phủ trong bối cảnh dịch Covid-19, năm 2020 và 2021, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành hàng loạt các chính sách để hỗ trợ người dân gặp khó khăn một cách kịp thời, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Năm 2020, Việt Nam hỗ trợ trên 10 triệu người có công, hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội và lao động tự do, tổng kinh phí là 12.293 tỷ đồng; năm 2021 hỗ trợ gần 37,06 triệu lượt đối tượng, tổng kinh phí là 42.740 tỷ đồng. Các địa phương cũng chủ động bố trí ngân sách để hỗ trợ các đối tượng khó khăn khác.

600.000 lao động ở nước ngoài, mỗi năm gửi về Việt Nam 3,5 tỷ USD - 3

Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) - Ingrid Christensen (Ảnh: Q.C).

Tham dự hội thảo, bà Ingrid Christensen, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam nhận định, an sinh xã hội là một quyền cơ bản của con người. Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong việc tăng cường hệ thống an sinh kể từ khi ban hành Nghị quyết 15-NQ-TW.

Bà Ingrid Christensen cho rằng, để đạt được các mục tiêu và phù hợp với các tiêu chuẩn lao động quốc tế, Việt Nam cần tập trung vào 4 chính sách: Phát triển hệ thống an sinh đa tầng hiệu quả; tăng cường sự tập trung vào hệ thống BHXH bắt buộc, tăng sức hấp dẫn đối với người lao động; tăng cường đầu tư cho an sinh xã hội; thúc đẩy tính liên kết và hiệp đồng giữa các chính sách an sinh và các chính sách liên quan.

"Kinh nghiệm quốc tế đã chỉ ra sự thiếu hiệu quả của các chương trình BHXH tự nguyện trong việc mở rộng nhanh diện bao phủ. Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể đối với bảo hiểm y tế nhờ tập trung vào chính sách bắt buộc áp dụng toàn dân. Do vậy, để đạt mục tiêu mở rộng nhanh diện bao phủ thì việc tập trung vào BHXH bắt buộc là điều rất quan trọng", Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) nhấn mạnh.

Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam hoàn thiện hệ thống chính sách xã hội hướng đến bao phủ toàn dân, bao trùm và toàn diện; đáp ứng các nhu cầu an sinh xã hội và dịch vụ xã hội cho nhân dân. Tiếp tục tạo cơ hội phát triển cho tất cả người dân và không để ai bị bỏ lại phía sau, tạo nền tảng xây dựng xã hội tiến bộ, công bằng, bình đẳng, nhân ái, đoàn kết, phát triển đất nước phồn vinh, tự cường và hạnh phúc.

Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam xây dựng xã hội phát triển, hiện đại, hài hòa và bền vững. Tất cả công dân đều có cơ hội tham gia, phát triển và được đảm bảo an sinh xã hội, được hưởng phúc lợi xã hội cao; xã hội tiến bộ, công bằng, bình đẳng, nhân ái...