6 kỹ năng mềm cần cho người làm việc "cứng"
Sẽ là một sai lầm nếu những người làm chuyên ngành kỹ thuật bỏ qua các kỹ năng mềm trong quá trình làm việc.
Kỹ sư Ash Norton – người đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực phát triển các kỹ năng lãnh đạo cho các kỹ sư – cho rằng: “Việc phát triển các kỹ năng mềm cho kỹ sư thường bị bỏ qua ở giai đoạn đào tạo chính thức. Khi gia nhập lực lượng lao động, họ khó thể tiến bộ hoặc không biết cách kết hợp kỹ năng mềm với các kỹ năng kỹ thuật vì thiếu khả năng tương tác và sáng tạo cần thiết”.
Theo Norton và một số chuyên gia khác, dưới đây là 6 kỹ năng mềm mang tính “phi kỹ thuật” mà những người làm trong lĩnh vực kỹ thuật cần nắm rõ:
1. Giao tiếp
Ngày nay, nhân viên lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ không làm việc một cách đơn độc. Họ là một phần của đội ngũ phụ thuộc lẫn nhau. Và trong bất kỳ một đội ngũ nào, sự kết hợp tốt với người khác cũng rất cần thiết.
“Làm việc nhóm là một tố chất, kỹ năng quan trọng vì nó dẫn đến những mối quan hệ đồng nghiệp tốt đẹp. Và kết quả thường là giúp quá trình hợp tác, sáng tạo diễn ra thành công hơn. Những ý tưởng đột phá về công nghệ, kỹ thuật thường là kết quả nỗ lực của cả đội ngũ”, Angie Keller – Phó chủ tịch mảng tuyển dụng của Công ty kết nối tuyển dụng kỹ sư Randstad Engineering cho biết.
Những nhân viên được đồng nghiệp yêu thích thường có những điểm chung: không ngồi lê đôi mách, vui vẻ giúp đỡ người khác, không dè bỉu khi thấy người khác tìm kiếm sự công nhận giá trị của chính mình… Việc tập trung để trở thành một người mà đồng nghiệp thích được ở gần sẽ giúp công việc trở nên bớt căng thẳng hơn và thú vị hơn.
2. Sáng tạo
Khả năng tư duy sáng tạo sẽ giúp bạn trở thành “tài sản đắt giá” của bất kỳ đội ngũ kỹ thuật nào. Bởi vì đôi khi những giải pháp tốt nhất là những giải pháp khó thể nhìn thấy một cách rõ ràng.
“Lĩnh vực kỹ thuật vốn đòi hỏi khả năng tư duy đột phá. Đó là lý do vì sao tò mò là kỹ năng mềm quan trọng nhất mà mọi kỹ sư cần trau dồi trong suốt quá trình phát triển sự nghiệp”, Otto Hilska – Phó chủ tịch mảng kỹ thuật của Công ty cung cấp công cụ tiếp thị hiện đại Smartly.io nhận định.
“Các kỹ sư giỏi không thể tạo ra những giải pháp mới nếu không có một góc nhìn tò mò. Kỹ năng mềm này giúp tạo ra sự khác biệt giữa những người chỉ đơn thuần là học hỏi và những người thực sự muốn tìm cách giải quyết vấn đề để luôn tiến lên phía trước. Là người làm kỹ thuật, bạn nên thuộc về nhóm thứ hai”, Otto Hilska nói thêm.
Ash Norton đề xuất một số mẹo nhỏ giúp nuôi dưỡng sự sáng tạo: thứ nhất là “quản lý” sự lo lắng, vì stress chính là nguyên nhân quan trọng nhất giết chết sự sáng tạo; thứ hai là tương tác với những người “phi kỹ thuật” để mở rộng hướng tiếp cận vấn đề; cuối cùng là thực hiện các biện pháp thư giãn như đi bộ trong khoảng 5 phút để uống một cốc cà phê, nghỉ phép vài ngày… vì đôi khi, chỉ cần dừng suy nghĩ về công việc, bạn sẽ sáng tạo tốt hơn.
3. Truyền đạt ý tưởng
Chris Szymansky – Giám đốc công nghệ của Công ty phần mềm tuyển dụng JazzHR nói: “Công việc kỹ thuật có liên quan đến việc giải quyết các vấn đề và giảm thiểu rủi ro, nên kỹ năng truyền đạt rất quan trọng. Truyền tải các ý tưởng, các nguy cơ rủi ro và đề xuất giải pháp cho cả người làm kỹ thuật lẫn người không chuyên về kỹ thuật là một kỹ năng đáng để rèn luyện”.
Theo Ash Norton, khả năng truyền đạt này có thể được trau dồi nhờ thực hành thường xuyên, dù là khi viết một báo cáo kỹ thuật, trình bày về công việc cho nhà quản lý hoặc đơn giản là khi đọc sách cho một đứa trẻ nghe. “Thực hành là cách duy nhất để truyền đạt ý tưởng tốt hơn”, Norton nói.
4. Đồng cảm với khách hàng
Bạn thường dễ bị cuốn vào một dự án kỹ thuật và quên mất những thứ bạn đang xây dựng sẽ tác động như thế nào đến khách hàng, hoặc quên rằng họ sẽ sử dụng sản phẩm một cách khác biệt thế nào so với bạn.
“Có sự đồng cảm giúp chúng ta có thể đặt mình vào vị thế của khách hàng và hiểu được đâu là những vấn đề cần giải quyết nhất. Từ đó, chúng ta sẽ có cảm hứng làm việc hơn. Khi hiểu về người sử dụng công nghệ mà mình sắp tạo ra, phép màu sẽ đến”, Hilska cho biết.
Đồng tình với quan điểm này, Szymansky nói: “Hãy tập trung vào khách hàng. Các kỹ sư thường dành quá nhiều thời gian cho các chi tiết kỹ thuật. “Lùi lại một bước” để hiểu được mục đích của khách hàng hoặc người dùng sẽ giúp cho ra đời những sản phẩm có chất lượng tốt hơn”.
5. Thích nghi
Đôi khi, giải pháp đầu tiên bạn nghĩ ra sẽ không phải là giải pháp tốt nhất, hoặc sẽ có những yếu tố mới phát sinh trong quá trình làm việc. Nếu thích nghi tốt, bạn sẽ không bị mắc kẹt vào chiến lược đã đề ra ban đầu. “Nhanh nhạy, linh hoạt khi có sự thay đổi là một kỹ năng quan trọng đối với các kỹ sư”, Norton khẳng định.
Norton đưa ra lời khuyên giúp người làm kỹ thuật học cách thích nghi: “Hãy chấp nhận rằng có nhiều cách để đạt được mục tiêu. Là kỹ sư, chúng ta thường được bảo rằng chỉ có một cách đúng để làm điều gì đó. Nhưng quan điểm đó khá cứng nhắc. Bởi vì bạn hoàn toàn có thể vừa kiên định với mục tiêu vừa linh hoạt trong việc sử dụng phương tiện để đạt được mục tiêu đó”.
Ngoài ra, cần nhận ra rằng những sai lầm và trở ngại là điều có thể xảy đến. Suy nghĩ trước về những rủi ro sẽ giúp bạn thoải mái hơn khi cần phải đi lệch ra khỏi kế hoạch ban đầu.
6. Thích học hỏi
Ham thích học hỏi để phát triển các kỹ năng sẽ giúp bạn tiến bộ trong bất kỳ lĩnh vực nghề nghiệp nào, nhưng đặc biệt là trong lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ.
“Tốc độ thay đổi của công nghệ ngày càng nhanh. Vì vậy, hãy chọn quan tâm đến một số chủ đề cụ thể và tự đặt ra các mục tiêu học tập cho riêng mình, thậm chí khi chúng không liên quan trực tiếp đến công việc hằng ngày. Cách làm này sẽ rất có lợi cho sự phát triển nghề nghiệp”, Szymansky nói.
Theo Bích Trâm/ Doanh nhân Sài gòn