6 kỹ năng giải quyết việc “lạ”
(Dân trí) - Nếu ngày nào cũng chỉ làm chừng ấy công việc thì không nói làm gì. Đằng này, thi thoảng lại có việc đột xuất, việc không tên, thậm chí việc không thuộc chuyên môn, vậy làm thế nào để giải quyết những công việc “lạ” này nhanh gọn và hiệu quả đây?
Tất nhiên, giải quyết công việc ngoài chuyên môn, tháo gỡ rắc rối cũng có kỹ năng riêng. Đó là:
1. Nhận diện công việc
Trước khi bắt tay vào giải quyết công việc, bạn nên định hình xem nó là việc gì, vấn đề của nó có quan trọng không, có khó giải quyết hay không? Một mình bạn có thể đảm đương nó hay phải cần đến sự giúp đỡ của người khác? Nếu cảm thấy việc này quá sức mình thì đừng nên phí thời gian, hãy mạnh dạn nhờ người khác giúp.
Bạn cũng nên định hình xem việc này tốn khoảng bao nhiêu thời gian để sắp xếp vào khoảng trống phù hợp. Việc này có phải đi ra ngoài không, nếu có thì có thể kết hợp làm khi ra ngoài ăn trưa không?
2. Xác định “chủ sở hữu” thật sự của công việc
Sếp đôi khi cứ thấy người là giao việc, chẳng cần biết việc đó có đúng chuyên môn không. Bạn nhận việc thì phải tỉnh táo. Chẳng hạn bỗng nhiên sếp bắt bạn đi photo đống tài liệu trong khi cô văn thư đang ngồi chơi không, hãy thẳng thắn chuyển giao việc cho cô ấy. Đúng người đúng việc, mọi thứ sẽ được giải quyết nhanh gọn và ổn thỏa.
Trừ khi không có ai hợp với việc này cả, và sếp có nhã ý chỉ nhờ bạn thôi, còn thì đừng nên nhiệt tình quá với những công việc nằm ngoài sự hiểu biết của bạn.
3. Hiểu rõ việc
Chưa hiểu rõ nguồn gốc của vấn đề sẽ dẫn đến cách giải quyết sai lệch, mất thời gian. Nếu nói theo ngôn ngữ của y khoa, việc “bắt không đúng bệnh” thì chỉ trị được triệu chứng chứ không trị được bệnh, đôi khi lại còn “tiền mất, tật mang”.
4. Chọn giải pháp
Sau khi đã hiểu rõ chân tơ kẽ tóc công việc, bạn bắt đầu chọn giải pháp làm nhanh nhất, đỡ tốn kém nhất mà vẫn hiệu quả. Chẳng hạn, có nhất thiết phải ra ngoài gặp khách hàng không, hay chỉ cần ngồi tại chỗ gọi một cú điện thoại. Có cần đi khảo giá cẩn thận ngoài thị trường hay chỉ cần yêu cầu họ gửi báo giá?
Lúc này, tính sáng tạo, linh hoạt trong công việc của bạn sẽ được thể hiện rõ.
5. Thực thi giải pháp
Đơn giản là bạn bắt tay vào thực thi những kế hoạch mà bạn đã đặt ra. Nếu trong quá trình làm việc, bạn bỗng gặp khó khăn, đừng ngại hỏi đồng nghiệp, hoặc hỏi chính sếp nhé. Đừng để công việc bị tắc lại vì những lý do vớ vẩn.
6. Đánh giá
Sau khi đã hoàn thành công việc, tại sao bạn không tự ngồi lại và đánh giá khả năng giải quyết những công việc ngoài chuyên môn của mình thế nào. Biết đâu bạn lại khám phá ra những khả năng mới của mình. Hơn nữa, đây cũng là một kinh nghiệm quý báu cho những lần sau nữa mà.
Lê Hùng