1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

5 người bị đánh đập, ép nộp 2,5 tỷ đồng chuộc thân sau khi sang Lào

Dương Nguyên

(Dân trí) - Sau khi bị lừa sang Lào làm việc, 5 người bị các đối tượng đe dọa, đánh đập và yêu cầu gia đình chuyển 2,5 tỷ đồng tiền chuộc mới thả cho về.

Sáng 24/5, tin từ Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hà Tĩnh, đơn vị vừa tiếp nhận trình báo của 4 gia đình về việc 5 người con bị lừa đảo sang Lào làm việc. Trong số đó có 3 gia đình trú tại Hà Tĩnh, gia đình còn lại trú ở Đắk Lắk.

Theo đơn trình báo, 5 người con của các gia đình này bị lừa sang Lào làm việc, hiện đang bị đe dọa, đánh đập, khống chế, yêu cầu gia đình chuyển 2,5 tỷ đồng tiền chuộc thì mới thả người.

5 người bị đánh đập, ép nộp 2,5 tỷ đồng chuộc thân sau khi sang Lào - 1

Cơ quan công an làm việc với người đến trình báo (Ảnh: Công an cung cấp).

Bước đầu, cảnh sát xác định thông qua mạng xã hội, các đối tượng đăng tải quảng cáo tuyển người đi làm việc tại Lào, yêu cầu là lao động trong độ tuổi 15-35, cả nam và nữ.

Sau khi sang Lào, cả 5 người vẫn liên lạc về gia đình bình thường, được bố trí nơi ăn nghỉ, việc làm và trả lương trong 3 tháng đầu.

Những tháng tiếp theo, chủ sử dụng bắt đầu yêu cầu người làm liên lạc về gia đình để gửi các nhu yếu phẩm sang Lào. Nhóm này sau đó vu các nạn nhân trộm cắp tài sản rồi khống chế, đánh đập, yêu cầu họ liên lạc về gia đình chuyển 500 triệu đồng/người để chuộc con.

Để không trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Tĩnh khuyến cáo, luôn cảnh giác khi tương tác trên các trang mạng xã hội Facebook, Zalo, nhất là đối với những người chưa từng quen biết đăng tin mời chào tuyển nhân viên, người lao động làm việc tại công ty chưa rõ thông tin, địa chỉ ở trong và ngoài nước, nhất là người làm việc tại Lào, Campuchia. Không liên hệ tìm kiếm việc làm qua các kênh thông tin không chính thống.

Thận trọng khi có ý định sang Lào làm việc, bởi hiện nay tại Lào có 4 đặc khu kinh tế do người nước ngoài hoạt động kinh doanh nhiều lĩnh vực, sử dụng nhiều lao động trẻ tuổi, làm việc trong môi trường phức tạp… Khi đã vào đây dễ trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người, dẫn đến hệ lụy lớn đối với bản thân và gia đình.

Khi có ý định, nhu cầu ra nước ngoài làm việc, lao động phải liên hệ tại các trung tâm giới thiệu việc làm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép và làm thủ tục xuất cảnh hợp pháp tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.

Cảnh giác, đề phòng với người lạ hoặc người đã từng quen biết, bạn bè đang làm ăn ở xa, chủ động liên hệ hoặc trở về quê hứa hẹn giúp đỡ tìm kiếm việc làm thuận lợi hoặc mời chào hợp tác làm ăn.

Từ chối mọi sự giúp đỡ về tiền bạc, lợi ích vật chất từ người lạ, người mới quen biết khi chưa rõ về nhân thân, lai lịch và xem xét mục đích của họ khi tự nguyện giúp đỡ mình.

Người lao động cũng cần tìm hiểu thật kỹ về địa điểm, công ty nơi đối tượng giới thiệu mình đến làm việc và đặc điểm, nhân thân của người giới thiệu như thế nào. Trước khi đi hãy tham khảo ý kiến người thân và thông báo, nhắn gửi cho gia đình biết bạn sẽ đi đâu, đi với ai...

Khi phát hiện thông tin về các đối tượng, đường dây lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người ra nước ngoài làm việc, nghi vấn có dấu hiệu lừa đảo, mua bán người, cần thông báo cho người thân, gia đình và trình báo cho cơ quan công an gần nhất để kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.