5 dấu hiệu bạn bế tắc trong công việc
(Dân trí) - Trong thời đại kinh tế khó khăn, nhiều người dễ rơi vào cảm giác bế tắc. Bế tắc trong công việc không phù hợp, bế tắc khi công ty suy thoái và bế tắc trong tình trạng thất nghiệp trở nên phổ biến.
Nhưng một nền kinh tế khó khăn không có nghĩa bạn cứ phải chịu đựng mãi trong tình trạng bế tắc đó. Trên thực tế, việc rơi vào tâm lý trì trệ thường xuyên lại liên quan rất ít với tình trạng khó khăn của nền kinh tế.
Hãy thử quan sát 5 dấu hiệu chính sau đây cho thấy tại sao chúng ta bế tắc và bạn cần làm gì để vượt qua những trở ngại đó.
1. Không chắc chắn
Cảm giác không chắc chắn gặm nhấm và làm ta lung lạc trong công việc. Không ít lần, chúng ta không ý thức được điều này. Ta thắc mắc về các vấn đề, ta nghi ngờ chính mình và cảm thấy bế tắc. Sự không chắc chắn tạo nên vòng xoáy trôn ốc của mọi khó chịu không cần thiết. Cái tôi trong bạn cứ luôn tin tưởng một cách mù quáng rằng, bạn đã cố định một hành trình từ lúc bước ra khỏi cửa cho tới nơi làm việc. Tại sao lại như vậy? Nó khao khát về sự chắc chắn. Chỉ có cách khiến bản thân tin tưởng vào chính mình, bạn mới có thể thoát khỏi cảm giác không chắc chắn. Việc tin tưởng mình đòi hỏi bạn có trách nhiệm riêng với chính những kinh nghiệm cuộc đời. Nói cách khác, trách nhiệm cá nhân không phải là việc của bất cứ ai khác.
2. Thừa nhận khiếm khuyết
Bạn có dám thú nhận về những khiếm khuyết và sai lầm của mình? Chẳng hạn, nếu không rõ về một vấn đề nào đó, bạn có tỏ thái độ thiếu trung thực để bảo vệ hình ảnh của mình? Phản ứng trung thực nên là thú thực sự hạn chế của bạn bằng cách thừa nhận bạn không biết câu trả lời.
Thú thực sẽ rất tốt cho tinh thần bạn khi phải làm việc một cách chính xác và thái độ tích cực. Quá trình này giúp ta đối diện sự thật. Ta phải chịu trách nhiệm về những gì đang xảy ra với mình và cần giải quyết những lầm lẫn có thể dẫn tới những năng lượng tiêu cực. Nói cách khác, ta nên đặt dấu chấm hết cho những hành vi thiếu trung thực để có thể bày tỏ sự khiếm khuyết của mình với một thái độ điềm tĩnh.
Sự khiếm khuyết có thể ở rất nhiều dạng thức như thừa nhận rằng bạn không hạnh phúc, học cách vượt qua những thất bại trong quá khức và chối bỏ việc lừa dối người khác. Trong cuốn sách “Sự thật và dối lừa” của David Hawkins, tác giả đã viết: “Khi ta thừa nhận sự yếu kém, những người khác sẽ không thể tấn công ta ở điều đó. Và kết quả là, ta sẽ cảm thấy bớt lo lắng hơn về cảm xúc, an toàn và chắc chắn hơn”.
Như vậy, với trở ngại là sự thiếu trung thực, bạn có thể vượt qua bằng cách bày tỏ thực về những khiếm khuyết của mình.
3. Thay đổi có thể rất đáng ngại
Sự thay đổi có thể đưa bạn ra khỏi khu vực vốn dĩ đã quen thuộc và tâm lý ì trệ sẽ khiến ta trở nên bế tắc trong những công việc không trọn vẹn nhưng tạo cảm giác an toàn khi so sánh. Nếu sự lo lắng đang kéo bạn lại, hãy tìm kiếm một dự án khó khăn hơn để giải quyết. Nhưng trước khi bắt tay, bạn hãy ngừng lại để suy xét. Việc xem xét kỹ lưỡng sẽ giúp bạn có một hình dung rõ ràng hơn về những gì bạn cần để tới được mục tiêu cần đến. Cơ hội xem xét này cũng giúp bạn có được nhận thức sâu sắc hơn về tình hình bằng cách cân nhắc các điểm lợi hại.
Vậy là với trở ngại về nỗi lo thay đổi, bạn có thể vượt qua bằng cách bắt tay vào một dự án công việc khó khăn hơn.
4. Nghi ngờ bản thân
Bạn biết mình đang bế tắc khi bắt đầu nghi ngờ chính mình. Trong trường hợp này, biểu hiện thiết yếu cho thấy lòng can đảm của bạn chính là khả năng thiết lập các tiêu chuẩn cao hơn. Việc không thể thách thức bản thân đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn đẩy ta vào tình trạng bế tắc mà không nhận thức được. Nói cách khác, tất cả chúng ta đều có nguy cơ mắc phải điều này, và nếu không thiết lập những tiêu chuẩn cá nhân, ta sẽ không thoát khỏi những cảm giác nghi kỵ chính mình khi chúng đang dần làm xói mòn mọi nỗ lực cá nhân. Trở ngại tự nghi ngờ sẽ khiến ta bế tắc suốt đời nếu không đủ dũng cảm để ứng xử trước các cơ hội.
Vậy với trở ngại là thái độ nghi hoặc bản thân, bạn có thể vượt qua bằng cách thiết lập cho mình những tiêu chuẩn cá nhân cao hơn bình thường.
5. Cảm giác chối bỏ
Bạn có tìm kiếm những gì thực sự tốt đẹp cho mình? Hay bạn có theo đuổi những mơ ước cho tới lúc phải gánh chịu những hệ quả trái ngược? “Sự chịu đựng sẽ làm ì lại bước chân tinh thần của mỗi người và sự kiên trì của bản ngã sẽ có lối đi riêng của nó”. Đó là chia sẻ của tác giả David Hawkins trong cuốn Vượt qua các mức độ nhận thức.
Tất cả chúng ta đều có những khao khát riêng. Chúng được hình thành từ cảm xúc, tinh thần và thể chất. Mấu chốt của việc phá bỏ những mong muốn không lành mạnh chính là nhận diện được chúng thay vì trượt dài trong trạng thái chối bỏ. Hành trình thoát khỏi tâm lý chối bỏ đòi hỏi bạn phải thách thức chính mình ở những mức độ sâu sắc nhất qua việc suy ngẫm.
Quá trình ngẫm nghĩ sẽ cho thấy những điều đang khiến bạn bế tắc, từ đó, giúp bạn “viết lại” những “kịch bản cuộc sống” cho mình. Cách này sẽ giúp bạn tin tưởng vào bản thân, người khác và thế giới xung quanh.
Để quan sát được những vấn đề của cuộc đời mình, bạn phải có những nỗ lực nhất định. Trượt dài trong cảm giác phủ nhận mọi sự sẽ dễ dàng hơn việc tự thức tỉnh chính mình và nhận diện những khía cạnh chưa ý thức của bản thân. Khi xác định được chúng, bạn sẽ biết cách quản lý và tìm ra được những ảnh hưởng của chúng tới người khác. Thoát khỏi tâm lý chối bỏ, bạn sẽ học được cách xác minh xem mình đã tạo nên cuộc sống căng thẳng theo cách nào và rốt cuộc, sẽ học được cách loại bỏ những khía cạnh đã tạo nên căng thẳng đó.
Bạn nên bắt đầu điều này như thế nào?
Hãy học cách nhanh chóng thoát khỏi các tình huống tồi tệ. Kế đó, bạn có thể tập trung vào những khả năng chưa biết trong thực tại thay vì lên kế hoạch cho một hạnh phúc lâu dài tương lai. Bạn vẫn chưa sẵn sàng để chấp nhận những bất hạnh ư?
Vậy đó, để vượt qua được cảm giác chối bỏ thực tại, bạn nên học cách thoát khỏi thật nhanh những tình huống tồi tệ gặp phải trong cuộc sống của mình.
Đỗ Dương
Theo Hr-matters