4 kỹ năng để trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu
GS. Andrew Likierman – Hiệu trưởng Trường Kinh doanh London cho rằng, những kỹ năng quan trọng đã được trau dồi trong giai đoạn từ 20 – 30 tuổi đã giúp ích nhiều cho ông trong quá trình sự nghiệp sau này.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm lãnh đạo tại Ngân hàng Anh, Ngân hàng Barclays, Trường Kinh doanh London… GS. Andrew Likierman đưa ra lời khuyên về 4 bước cần thiết, đồng thời cũng là 4 kỹ năng quan trọng giúp người trẻ trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu:
1. Lựa chọn những điều mang đến sự linh hoạt
“Đầu tiên, hãy chắc chắn rằng những điều bạn chọn sẽ mang đến sự linh hoạt. Khi còn học đại học, ngoài đảm bảo hoàn tất chương trình học ở trường, tôi đã sớm xác định rằng mình sẽ lấy thêm một tấm bằng nữa về kế toán.
Trong giai đoạn hiện nay, tôi sẽ khuyên các bạn nên lấy bằng MBA nhưng vào đầu những năm 70 ở châu Âu, kế toán là lựa chọn tuyệt vời vì nó mang đến cho bạn sự linh hoạt. Thông qua việc học tập, bạn có thể tự mở ra cho mình nhiều lựa chọn. Hiện nay, việc những người có bằng MBA làm được rất nhiều thứ khác khau chính là một minh chứng cho điều đó”.
2. Ý thức rằng mọi thứ không luôn suôn sẻ
“Bước thứ hai là ý thức rằng không phải lúc nào mọi thứ cũng luôn thuận lợi. Khi bắt đầu sự nghiệp, tôi đã “chạm trán” một cuộc khủng hoảng kinh tế xuất phát từ vấn đề dầu mỏ. Đó là lúc tôi tiếp thu được bài học: điều gì đi lên được thì cũng có thể đi xuống được. Khi đó, những khoản tiết kiệm của tôi cũng bị ảnh hưởng, và tôi thực sự bị sốc. Nhưng đây là một bài học quý giá. Mỗi người đều nên trải qua một cuộc khủng hoảng tài chính, càng sớm càng tốt, và chúng ta sẽ có một bài học hữu ích về quy luật phát triển”.
3. Trải nghiệm càng nhiều nền văn hóa càng tốt
“Bước thứ ba là tận dụng cơ hội để trải nghiệm thật nhiều nét văn hóa khác nhau. Điều này sẽ giúp bạn dễ dàng làm việc ở nhiều khu vực và quốc gia trên thế giới, đồng thời có được tư duy mở hơn.
Khi còn trẻ, tôi từng quản lý một nhà máy dệt may ở Đức, và đó là một kinh nghiệm tuyệt vời. Nhờ đó, tôi biết được rằng những con người đến từ những nền văn hóa khác nhau suy nghĩ khác nhau như thế nào, và việc ứng xử với mọi người xung quanh không chỉ đơn thuần là quá trình sao chép lại những thói quen xử thế của chúng ta”.
4. Hiểu được tầm quan trọng của khả năng truyền đạt
“Bước cuối cùng là hiểu được sức mạnh của khả năng truyền đạt. Bạn có thể có ý tưởng, nhưng bạn sẽ chẳng thể làm được gì nếu không biết cách truyền đạt chúng. Khi bắt đầu sự nghiệp với nghề kế toán, tôi đã gặp nhiều người giỏi hơn tôi, nhưng họ không thể thăng tiến xa hơn trong sự nghiệp chỉ vì không có khả năng truyền đạt tốt. Kỹ năng này còn đặc biệt hữu dụng khi bạn phải làm việc với các khách hàng quan trọng”.
Theo Doanh nhân Sài gòn