4 kiểu “chính trị gia” tại công sở

(Dân trí) - Đời sống công sở muôn màu muôn vẻ luôn tồn tại nhiều kiểu đồng nghiệp khác nhau, trong đó không thiếu những người được mệnh danh là “chính trị gia” công sở. Họ là ai và bạn cần ứng xử như thế nào trong mối quan hệ với họ?

4 kiểu “chính trị gia” tại công sở - 1
 
Theo Josh Warborg, Chủ tịch Tập đoàn cung ứng nhân sự Accountemps tại Mỹ, “Trong một số trường hợp, các nhân viên cực kỳ nhạy cảm với ‘chuyên phe phái ngầm’ trong môi trường công sở.” Dưới đây là 4 kiểu “chính trị gia” thường thấy nhất, phong cách đặc trưng của họ và một vài lời khuyên giúp bạn ứng biến trong mối quan hệ với họ:
 
·         Kiểu “học giả”: thích phỏng đoán những chuyện đang xảy ra xung quanh. Có thể họ có những nguồn thông tin nội bộ, nhưng cũng có khi tin tức mà họ đưa ra chỉ là để “nói cho có chuyện”. Với đồng nghiệp kiểu này, bạn chỉ nên lắng nghe (vì có thể thu lượm được một số thông tin cần thiết) nhưng không nên bàn luận hoặc chia sẻ thêm bất cứ gì nếu không muốn cuối cùng mình là trung tâm của những lời bàn ra tán vào.
 
·         Kiểu “vận động hành lang”: luôn giành quyền dẫn đầu trong các dự án. Tuy không phải lúc nào cũng có những ý tưởng hay nhưng lại không thích nghe các ý kiến bất đồng hay quan điểm trái ngược. Bạn cần cẩn trọng cân nhắc khi họ yêu cầu bạn hỗ trợ này nọ (họ rất giỏi ở mặt này), và nếu có ý tưởng tốt, nên trình bày trong cuộc họp có nhiều đồng nghiệp tham gia.
 
·         Kiểu “phất ngầm”: thường là người rất thu hút, luôn cố gắng vượt lên trước bằng cách tận dụng sự giúp đỡ hoặc ý tưởng của người khác hơn là tự mình chăm chỉ làm việc. Kiểu người này thường thích chỉ trích các đồng nghiệp khác và giành hết mọi công lao khi cần. Bạn cần biết tự tranh đấu cho mình nếu công lao không được công nhận, quan trọng nhất là khéo léo chứng tỏ với các cấp lãnh đạo về các ý tưởng xuất sắc của mình. Tuy nhiên, không nên tỏ ra quá thù địch hay “ăn miếng trả miếng” với kiểu đồng nghiệp này.
 
·         Kiểu “siêu cố vấn”: lúc nào cũng kè kè theo các sếp lớn, và giữ vai trò “tai mắt” cho họ. Kiểu đồng nghiệp này thường không gây ảnh hưởng tiêu cực đến bạn nhưng bạn lại không biết sau lưng họ sẽ “báo cáo” những gì. Do đó, cần giữ mối quan hệ tốt với họ nhưng không nên quá thân thiện đến mức làm “tai mắt” cấp 2 cho họ.
 
Cách tốt nhất để tránh chuyện phe phái trong công sở là chú ý đến các dấu hiệu này khi bạn ứng tuyển. Theo Warborg, “Nếu những người phỏng vấn bạn vô tình hay cố ý đề cập đến những điểm không tốt đẹp về các đồng nghiệp khác hay để lộ những thông tin nhạy cảm, đó có thể là dấu hiệu cho thấy môi trường làm việc tại công ty này có nhiều điểm cần chú ý.”
 
Trong trường hợp công ty bạn đang đầu quân rất phức tạp chuyện cạnh tranh phe phái, bạn nên tập trung vào hiệu quả công việc và giữ thái độ tích cực. Theo Warborg, “Nếu lãnh đạo công ty nhìn thấy cách ứng xử chuyên nghiệp này của bạn, họ sẽ xem trọng và cất nhắc bạn cho dù bạn làm việc trong môi trường nào đi chăng nữa.”

Ngọc Vân

Theo Monster