4 đức tính cần có của một sếp giỏi

(Dân trí) - Chân thực, can đảm, kỷ luật và tinh thần hợp tác được xem là 4 đức tính cần có của một vị sếp giỏi.

4 đức tính cần có của một sếp giỏi
Trong cuộc sống cũng như trong công việc, không ai muốn mình thất bại, nhưng thất bại dù ít dù nhiều vẫn xảy ra. Nếu bạn là một nhà lãnh đạo, thì có lúc, bạn sẽ phải đối mặt với khả năng thất bại cao hơn so với những người khác.

Một trong những lý do chính khiến bạn thất bại ở cương vị một nhà lãnh đạo là việc bạn không có đủ những yếu tố cần thiết cho vai trò đó. Dưới đây là 4 đức tính mà bạn phải có nếu bạn muốn thành công trong vai trò sếp:

1. Sự chân thực

Mọi nhà lãnh đạo đều có ý muốn tạo ra một hình ảnh cá nhân hoàn hảo trước mắt công chúng, thay vì xuất hiện với chính con người của họ. Họ cho rằng, để duy trì được niềm tin của mọi người xung quanh, nhất là của ê-kíp, vào bản thân, họ cần xuất hiện “không tì vết” và khôn ngoan. Tuy nhiên, hầu hết các tổ chức đều cần một nhà lãnh đạo chân thực, chứ không phải là một người hoàn hảo.

Nhà lãnh đạo của ngành nay cần phải phát triển được nghệ thuật tự nhận thức về bản thân. Hãy thôi chạy đua với một ai đó và hãy bắt đầu là chính mình. Hãy chia sẻ và chân thực về những khó khăn mà bạn đang phải đối mặt. Bằng cách này, bạn sẽ gia tăng được ảnh hưởng ngay lập tức.

2. Lòng can đảm

Là một nhà lãnh đạo, bạn không thể nhút nhát. Bạn cần luôn sẵn sàng thể hiện sự cứng rắn và dám chấp nhận rủi ro. Điều này có khó không? Chắc chắn là khó. Điều này đôi lúc có đáng sợ không? Có thể. Nhưng lòng can đảm không đợi sự sợ hãi của bạn bỏ đi rồi mới đến; can đảm là luôn đối mặt với những quyết định khó và những cuộc đối đầu.

Bạn có thể nhận thấy, lòng can đảm không tự nhiên mà có ở bạn. Nhưng bạn có thể học tập và xây dựng nó. Vì thế, hãy bắt đầu tập luyện ngay từ bây giờ.

3. Có nguyên tắc

Mọi tổ chức đều có lúc thất bại. Nếu là một nhà lãnh đạo có nguyên tắc ở thời điểm thất bại xảy ra, thì sếp của tổ chức đó sẽ học tập được bài học từ thất bại và đưa tổ chức đi tới thành công sau này.

Sống và làm việc có nguyên tắc là một điều tối quan trọng giúp bạn lãnh đạo tốt và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Có ba yếu tố tạo nên một nhà lãnh đạo có nguyên tắc: khiêm tốn, kỷ luật, và chính trực.

Nếu muốn biết mình có sở hữu hay không ba nguyên tắc này, hãy thử rà soát xem trong những bài phát biểu của mình có những câu từ như “tôi xin lỗi”, “cảm ơn”, và “tôi tin bạn”. Hãy dùng những từ “chúng ta” và “của chúng ta” thay cho “tôi” và “của tôi”.

Hãy luyện tập nghệ thuật vận dụng những nguyên tắc này và xây dựng một hệ thống niềm tin để giúp bạn luôn đứng vững.

4. Tinh thần hợp tác

Tất cả các nhà lãnh đạo mạnh mẽ cùng có chung một khao khát là sự phát triển của tổ chức mà họ chèo lái. Nhưng có rất ít nhà lãnh đạo thành công nói: “Tôi cho là chúng ta sẽ thành công. Tôi đã quyết định chúng ta từ nay cứ thế mà làm, kiểu gì cũng đạt mục tiêu”.

Nếu bạn muốn đạt được sự phát triển, bạn cần thúc đẩy sự hợp tác. Các nhà lãnh đạo thường có xu hướng khép kín trước những nhà lãnh đạo khác, vì họ không muốn để mất bí quyết, nhưng cách nghĩ này là lạc hậu. Sự hợp tác giúp dẫn tới sự sáng tạo, giảm những rủi ro không cần thiết và đem tới thành công lớn hơn. Nếu bạn muốn thúc đẩy sự nghiệp làm sếp của mình lên một nấc cao hơn, một trong những việc cần nhất mà bạn nên làm là xây dựng các cầu nối, các mối quan hệ.

Hãy bắt đầu bằng cách tìm kiếm hai dạng tổ chức, một là những tổ chức có sự khác biệt sâu sắc so với tổ chức của bạn, và một là những tổ chức cùng lĩnh vực nhưng không phải là đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Một khi đã tìm ra họ, hãy tạo ra những cuộc gặp gỡ, chia sẻ hoạt động và cùng động não về một vấn đề nào đó.

Người ta thường nói rằng, làm theo là việc dễ, những lãnh đạo là một việc khó. Đó là một nhận định đúng đắn. Làm sếp ở thời đại này là một nhiệm vụ nhiều thách thức. Nhưng nếu bạn biết phát triển những thói quen và tính cách bổ ích trên, bạn sẽ trở thành một nhà lãnh đạo thành công và có khả năng thay đổi cuộc chơi.

Phương Anh
Theo AOL Jobs