3 nhầm lẫn cần tránh khi chọn nghề

(Dân trí) - Lựa chọn sự nghiệp là một việc không đơn giản chút nào. Chỉ một nhầm lẫn nhỏ cũng có thể khiến bạn phải hối tiếc suốt đời. Dưới đây là 3 nhầm lẫn phổ biến, bạn nên tham khảo để tránh xa.

Nhầm lẫn giữa cái bạn giỏi và cái bạn thích

 

Bạn không cần phải dành cả cuộc đời để ca hát chỉ bởi vì bạn có chất giọng mượt mà như chim sơn ca. Bạn cũng chẳng cần phải trở thành một đầu bếp bởi bạn có cảm nhận nhạy cảm bẩm sinh với các loại gia vị. Để bắt đầu tìm kiếm việc làm, hãy lập ra hai bảng danh sách, 1 bảng liệt kê những gì bạn giỏi, và một liệt kê những gì bạn muốn làm.

 

Hãy theo đuổi những gì bạn muốn làm bởi một công việc được gắn với sự đam mê chắc chắn sẽ hơn một việc chỉ làm cho xong.

 

Nhầm lẫn giữa sở thích và sự nghiệp

 

Vậy là bạn đã hoàn thành bản danh sách và nhận thấy rằng mình thích chạy, yêu luật, ham đọc sách và chơi bóng rổ. Giờ bạn lại đau đầu vì không biết kết hợp tất cả những yếu tố đó vào một công việc như thế nào. Đừng lo lắng. Bởi bạn không cần phải làm thế.

 

Nghĩ rằng công việc của bạn sẽ phải thỏa mãn cả con người bạn là một lỗi sự nghiệp rất phổ biến. Hãy nhớ rằng, điều này không có nghĩa bạn không thể yêu công việc của mình. 

 

Ví dụ như, bạn có thể yêu thích khiêu vũ nhưng bạn biết rằng mình không thể sống đầy đủ bằng con đường này. Do đó, khiêu vũ là sở thích lớn của bạn. Bạn có thể duy trì hoạt động này để giải trí, thư giãn, nhưng hãy tách biệt nó với công việc chính của bạn.

 

Nhầm lẫn giữa một phần và toàn bộ công việc

 

Cái bạn thích làm không nhất thiết phải là cái chủ đạo mà bạn làm. Người ta thường có xu hướng nghĩ rằng họ phải trở thành cái họ thích thay vì làm nó.

 

Ví dụ như một người có sở thích là viết. Thay vì tìm kiếm cơ hội được thực hiện việc VIẾT, anh ta lại nghĩ rằng mình phải trở thành một nhà văn. Anh ta chỉ theo đuổi sự nghiệp “nghiên bút” như tiểu thuyết gia, phóng viên, người viết slogan, trong khi đó anh ta có thể hướng vào vị trí một bộ trưởng, một nhân viên PR, một biên tập viên hay một viên chức vận động hành lang cho chính phủ. Ở đó, anh ta hoàn toàn có “đất” để “múa bút” thoải mái đồng thời phát huy được những khả năng khác của bản thân.

 

Lưu ý cuối cùng: Hãy suy nghĩ một cách sáng tạo khi xem xét đến công việc sẽ theo đuổi sau khi tốt nghiệp. Có nhiều lựa chọn cho bạn hơn là bạn nghĩ đấy!

 

Phước Đại

Theo CareerBuilder