3 giải pháp khắc phục sự lệch pha trong tuyển dụng
Sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vực công nghệ khiến những đòi hỏi về kỹ năng ở ứng viên ngày càng cao hơn. Tuy nhiên, dường như ở bất kỳ một thị trường lao động nào cũng có sự lệch pha, ở các mức độ khác nhau, giữa những kỹ năng doanh nghiệp đòi hỏi và những kỹ năng ứng viên sở hữu.
Steve Odland – Chủ tịch, CEO của The Committee for Economic Development of The Conference Board (tổ chức phi lợi nhuận chuyên cung cấp những số liệu phân tích và giải pháp khắc phục những vấn đề quan trọng của nước Mỹ) nhận định, có hơn một nửa nhà tuyển dụng cho biết họ không thể tìm thấy ứng viên phù hợp cho nhiều công việc đăng tuyển.
Để khắc phục sự lệch pha giữa cung - cầu kỹ năng trong thị trường lao động, Steve Odland gợi ý 3 giải pháp quan trọng sau:
Sức mạnh kinh tế của một quốc gia nói chung, một doanh nghiệp nói riêng luôn phụ thuộc vào chất lượng của lực lượng lao động. Điều này đặc biệt đúng trong bối cảnh hiện nay khi mà nguồn vốn lẫn ý tưởng dễ dàng vượt ra khỏi mọi biên giới và “hạ cánh” tại những nơi có chất lượng lao động tốt nhất. 1. Tuyển dụng theo năng lực
Hiện nay, gần như 2/3 thông tin tuyển dụng vị trí thư ký ở Mỹ đòi hỏi bằng cử nhân, nhưng trên thực tế chỉ có 19% nhân viên thư ký đang đi làm có học vấn cao.
Việc ứng viên có bằng cử nhân hay không và việc họ tốt nghiệp trường nào không nói lên được tất cả mọi thứ. Một số người tốt nghiệp đại học từ trường uy tín vẫn thiếu những kỹ năng cần thiết. Ngược lại, nhiều người không có bằng đại học nhưng lại có nhiều kỹ năng quan trọng đáp ứng được yêu cầu của công việc nhờ nhiều cách, chẳng hạn như họ đã từng chạy một dự án kinh doanh riêng.
Những gì nhà tuyển dụng cần quan tâm là người tìm việc có đủ kiến thức và kỹ năng để đáp ứng cho công việc hay không, còn trình độ học vấn chỉ nên là một “điểm cộng”.
Hiện tại, những hình thức đánh giá trực tuyến và nhiều hình thức đánh giá đơn giản khác có thể giúp nhà tuyển dụng dễ dàng kiểm tra thực lực của ứng viên. Vì vậy, nhà tuyển dụng hãy giảm bớt sự lệ thuộc vào các yêu cầu về trình độ học vấn và mở rộng cơ hội cho bất kỳ ai có khả năng chứng minh được năng lực và sự phù hợp với công việc. Nhờ đó, nhà tuyển dụng sẽ được hưởng lợi từ những nhân viên có độ phù hợp cao với công việc, đồng thời tất cả mọi người cũng đều được hưởng lợi khi cơ hội việc làm được mở rộng hơn.
2. Phối hợp giữa doanh nghiệp và nhà trường
Doanh nghiệp là đơn vị tiêu thụ “sản phẩm”, là nơi kiểm chứng chất lượng giáo dục của trường học. Tuy nhiên, hơn một nửa nhà điều hành doanh nghiệp Mỹ được khảo sát tin rằng hệ thống giáo dục của nước này không dạy sinh viên các kỹ năng cần thiết cho những công việc ngày nay.
Khắc phục sự lệch pha giữa cung – cầu kỹ năng trong thị trường lao động đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nhà trường. Đơn cử như công ty chuyển phát nhanh quốc tế FedEx đã mạnh tay đầu tư vào một nền tảng giáo dục trực tuyến chuyên cung cấp các khóa học giúp cải tiến công việc. Được biết, nhiều chương trình học này có giá trị tương đương với chứng chỉ đại học.
Bên cạnh đó, mô hình đào tạo nhân viên ngay tại nơi làm việc kết hợp với các khóa huấn luyện kỹ năng cũng hứa hẹn mang đến nhiều lợi ích cho các nhân viên thế hệ Y, đặc biệt là những người không có bằng đại học.
3. Trang bị sẵn kỹ năng cho người trẻ
Trên thực tế, đa số lao động Việt Nam, thậm chí ở các vị trí quản lý cấp cao vẫn còn yếu nhiều kỹ năng như: kỹ năng lãnh đạo, làm việc nhóm, sử dụng ngoại ngữ...
Vấn đề thiếu hụt kỹ năng sẽ được giải quyết nếu mọi học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông đều được trang bị một bộ kỹ năng tối thiểu để sẵn sàng đón nhận những điều mới mẻ trên giảng đường đại học và cả những cơ hội nghề nghiệp sau này.
Theo Doanh nhân Sài gòn