2/3 phụ nữ bị xâm hại không được trợ giúp vì cán bộ không “thuộc” chính sách
Các đại biểu Quốc hội muốn “mổ xẻ” khiếm khuyết của hệ thống chính sách về trợ giúp xã hội với người khuyết tật, người cao tuổi. Bộ trưởng LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung đáp, hệ thống pháp luật hiện bao phủ tốt, vấn đề chỉ ở khâu thực hiện. Đi kiểm tra mới thấy 2/3 số phụ nữ từng bị xâm hại không được trợ giúp mà lý do là vì cán bộ… không nắm được chính sách.
Sáng 8/6, UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức phiên giải trình với Bộ trưởng LĐ,TB&XH về “việc thực hiện chính sách pháp luật về trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi và người khuyết tật”.
Báo cáo tình hình thực tế, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, hiện nay cả nước có hơn 11 triệu người cao tuổi (trong đó 7,2 triệu người cao tuổi sống ở khu vực nông thôn) và 6,5 triệu người khuyết tật. Phần lớn trong số này đang phải đối mặt với cuộc sống khó khăn, chịu hạn chế trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội.
Một con số khác đáng chú ý, trên 40% người cao tuổi Việt Nam sau khi nghỉ hưu vẫn phải tiếp tục lao động. Theo Bộ trưởng Lao động, trong xu hướng già hoá dân số thì đây là vấn đề cần phải suy nghĩ.
Cũng theo Bộ trưởng, mức trợ cấp xã hội của người cao tuổi, người khuyết tật hiện nay thấp, chỉ bằng 30% chuẩn nghèo ở đô thị và 40% chuẩn nghèo ở nông thôn. Công tác trị liệu, đặc biệt là trị liệu về tâm lý, vẫn rất thấp. Rào cản về tiếp cận thông tin, tiếp cận giao thông còn rất khó khăn. Một trong vấn đề dễ thấy nhất là khi xây dựng các công trình công cộng vẫn rất ít dành làn đường riêng để hỗ trợ người khuyết tật.
“Thực tế số lượng người khuyết tật còn cao hơn rất nhiều so với số đang được hưởng chính sách hiện nay. Nhiều cháu nhỏ, nhiều người khuyết tật còn thiệt thòi lắm” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định.
Báo cáo tốt đẹp cả, sao xâm hại trẻ em lại thành vấn nạn?
Chất vấn Bộ trưởng, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Bắc Giang) dẫn báo cáo, 40% phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật từng bị xâm hại tình dục ít nhất là 1 lần trong đời nhưng chính sách hỗ trợ những trường hợp này ít được quan tâm?
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: "Nhiều chính sách đã có cả rồi nhưng việc thực hiện còn… lơ ngơ".
Trả lời, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, hệ thống pháp luật hiện đã bao phủ tương đối tốt các đối tượng xã hội cần hỗ trợ. Yếu kém chủ yếu ở khâu tổ chức thực hiện, mà khâu đó diễn ra chủ yếu tại cơ sở. Ông Dung phân tích cụ thể, biểu hiện yếu kém thể hiện ngay ở chỗ nhận thức của một bộ phận chưa tốt, coi người khuyết tật, người cao tuổi, người yếu thế là một gánh nặng, coi việc hỗ trợ là việc làm từ thiện chứ không phải là trách nhiệm xã hội nên dễ buông lỏng nhiệm vụ này.
“Vậy nên nhiều chính sách đã có cả rồi nhưng việc thực hiện còn… lơ ngơ. Đại biểu đề cập chính sách hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị xâm hại, tôi đi kiểm tra thực tế thì thấy, 2/3 số phụ nữ, trẻ em gái từng bị xâm hại ít nhất một lần trong đời không được trợ giúp, hỏi lý do mới biết, cán bộ phụ trách cũng không biết, không nắm được chính sách” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung than.
Điều này cũng xuất phát từ vấn đề thanh tra, kiểm tra, xử lý, xử phạt những trường hợp vi phạm chính sách chưa nghiêm. Ở một số địa phương Bộ Lao động đi kiểm tra có thể thấy rất rõ vấn đề này.
Vậy nên mới có nghịch lý, trong khi hầu hết cơ sở đều báo cáo tốt đẹp cả, không phát hiện sai phạm nào hết thì thực tế, chuyện xâm hại trẻ em đã thành vấn nạn báo động. Thời gian qua, UB Tư pháp của Quốc hội đã liên tiếp thực hiện nhiều phiên điều trần về nội dung này. Quốc hội cũng vừa phải quyết định giám sát tối cao về vấn đề xâm hại trẻ em, trong đó có trẻ em khuyết tật.
Bộ trưởng Dung nhấn mạnh, với các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em phải tuân thủ nguyên tắc “3 nhất” là: giải quyết nhanh nhất, xử lý nghiêm khắc nhất, hỗ trợ kịp thời nhất.
Tự kỷ là “bệnh” hay là “tật”?
Cùng tham gia giải trình với Bộ trưởng LĐ,TB&XH còn có đại diện Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao&Du lịch...
Tại phiên giải trình, Bộ trưởng LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung cũng nêu một vấn đề thời sự, gần đây một số địa phương báo cáo có sự gia tăng rất nhanh số người bị tự kỷ, người tâm thần và liên tục đề nghị xây thêm các Trung tâm nuôi dưỡng, bảo trợ. Có nơi do thiếu chỗ đã ghép nhiều đối tượng, cả tự kỷ và tâm thần, thậm chí một số đối tượng cai nghiện vào nuôi dưỡng, chăm sóc chung.
Bày tỏ quan tâm về nội dung này, đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) đặt câu hỏi: “Chúng ta có xem người tự kỷ là người khuyết tật hay không? Hiện nay người tự kỷ dường như không được hưởng các chính sách đối với người khuyết tật. Quan điểm của Bộ trưởng?”.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời: “Tự kỷ là một dạng khuyết tật và người tự kỷ cũng được hưởng các chính sách hỗ trợ. Chúng tôi đã quy định trong thông tư đầu năm 2019 nhưng vì quy định này mới quá nên chắc chưa triển khai triệt để được đến cơ sở”.
Tuy nhiên, phát biểu sau đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến lại phân tích, người bị tự kỷ nên được xếp vào đối tượng bệnh, không nên xếp vào đối tượng người bị tật như quy định hiện nay. “Hiện nay, theo các nghiên cứu mới nhất, người mắc chứng tự kỷ có khả năng là do gen, và nếu do gen thì chúng ta có thể nghiên cứu để chữa được” – ông Tiến thông tin.
Không tán thành hướng lập luận này, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TPHCM nêu quan điểm: “Thứ trưởng Y tế nói về tự kỷ như vậy là sai. Chúng tôi cho rằng tự kỷ là khuyết tật, chứ không phải là “bệnh”. Tại TPHCM, chúng tôi có đến nhiều cơ sở khám bệnh thì thấy so với cách đây 10 năm, tỷ lệ đưa con cháu đi khám tự kỷ tăng 100 lần. Không hẳn do tự kỷ gia tăng, mà trước đây chúng ta chưa làm, chưa xác định rõ dạng khuyết tật này”.
P.Thảo