Thanh Hóa;

23 doanh nghiệp tuyển hơn 5.300 lao động dịp đầu năm

Thanh Tùng

(Dân trí) - Trong phiên giao dịch việc làm đầu năm 2023, 23 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Thanh Hóa có nhu cầu tuyển dụng hơn 5.300 vị trí làm việc.

Ngày 10/2, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa phối hợp với Ủy ban nhân dân thị xã Bỉm Sơn tổ chức phiên giao dịch việc làm dành cho 1.500 học sinh, sinh viên và người lao động trên địa bàn đang có nhu cầu tìm kiếm việc làm, học nghề.

Đây là phiên giao dịch đầu tiên trong năm 2023, thu hút 39 đơn vị, doanh nghiệp tham gia, trong đó có 23 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tuyển dụng trực tiếp với hơn 5.300 vị trí việc làm được giới thiệu.

23 doanh nghiệp tuyển hơn 5.300 lao động dịp đầu năm - 1

1.500 học sinh, sinh viên và người lao động trên địa bàn đang có nhu cầu tìm kiếm việc làm, học nghề có mặt tại phiên giao dịch việc làm tại thị xã Bỉm Sơn (Ảnh: Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa).

Có mặt tại phiên giao dịch từ rất sớm, em Mai Văn Long - Trường Trung cấp nghề Bỉm Sơn cho biết, qua phiên giao dịch việc làm đã nắm được nhu cầu và vị trí tuyển dụng của các doanh nghiệp, qua đó Long lựa chọn và định hướng được việc làm phù hợp với trình độ và tay nghề của mình.

"Đây là cơ hội để các học sinh, sinh viên như em được tiếp xúc trực tiếp với các công ty trong và ngoài tỉnh, tìm kiếm cơ hội việc làm, học nghề", Long chia sẻ.

Theo ông Hoàng Duy Xuyên - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa, năm 2022, tình hình thế giới có nhiều biến động, nhiều nhà máy phải đóng cửa, người lao động gặp khó khăn trong quá trình tìm việc làm phù hợp với khả năng, nhu cầu. Các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở đào tạo nghề gặp khó trong tuyển dụng, nhất là lao động có trình độ, công nhân kỹ thuật.

23 doanh nghiệp tuyển hơn 5.300 lao động dịp đầu năm - 2

Học sinh, người lao động đến phiên giao dịch với mong muốn tìm được việc làm ngày đầu năm (Ảnh: K.T.).

"Việc tổ chức ngày hội việc làm lưu động là một trong những giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường lao động, đặc biệt là hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động trên địa bàn bị ảnh hưởng bởi biến động thị trường lao động", ông Xuyên cho biết.

Cũng theo ông Xuyên, các phiên giao dịch việc làm không chỉ tạo môi trường kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động, mà còn là cơ hội tốt để lực lượng lao động trẻ tiếp cận học hỏi, trau dồi, trang bị thêm kỹ năng, kiến thức cơ bản, khả năng thích nghi với biến động thị trường việc làm khi ra trường; tăng thêm kinh nghiệm khi tiếp cận thị trường lao động…

Theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thanh Hóa, năm 2022 Trung tâm đã tổ chức thành công hàng chục phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm lưu động ở các huyện, thị xã, thành phố.

Năm 2023, Trung tâm dự kiến tổ chức hơn 20 phiên tại các địa phương trong toàn tỉnh, đáp ứng được yêu cầu cung cấp thông tin về cung - cầu lao động, việc làm, học nghề, kết nối, giải quyết việc làm trực tiếp và gián tiếp cho người lao động.

Được biết, trong 6 tháng vừa qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp của 12.426 lao động bị mất việc làm, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Trung tâm đã thẩm định hồ sơ và trình giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ký, ban hành quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 11.272 người, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2021. Tiếp nhận 43.916 lượt khai báo thông tin tìm kiếm việc làm hằng tháng của người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp...

Hệ thống bộ máy tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp đang ngày càng thực hiện theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả, hiệu lực, hiện đại, góp phần phục vụ đối tượng tham gia, hưởng thụ chính sách bảo hiểm thất nghiệp ngày càng tốt hơn.