Kiên Giang:
22,8 tỷ đồng chi đào tạo nghề cho 12.000 lao động nông thôn
(Dân trí) - Giai đoạn 2022-2025, Kiên Giang dành 22,8 tỷ đồng để đào tạo nghề cho 12.000 lao động nông thôn. Đối tượng hướng đến là hộ nghèo, cận nghèo và những lao động có thu nhập thấp.
Theo đó, giai đoạn 2022-2025, tỉnh Kiên Giang dành 22,8 tỷ đồng từ nguồn kinh phí 3 chương trình mục tiêu quốc gia là chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 để triển khai các chương trình đào tạo nghề nông nghiệp cho 12.000 lao động.
Đối tượng được đào tạo nghề là các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp nhằm giảm nghèo bền vững.
Người lao động sẽ được đào tạo một số ngành nghề liên quan đến các chương trình, đề án mà ngành nông nghiệp đang chủ trì như quản lý hợp tác xã nông nghiệp, nâng cao giá trị các sản phẩm chủ lực, phát triển sản phẩm OCOP, sản phẩm mang đậm bản sắc dân tộc vùng miền, gắn với du lịch nông nghiệp nông thôn...
Ngoài ra, địa phương dự kiến đào tạo bổ sung một số nghề mới, đặc thù thu hút nhiều lao động nông thôn trong giai đoạn mới như dịch vụ sơ chế biến, bảo quản nông sản; kinh doanh nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Ông Đặng Hồng Sơn - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Kiên Giang cho biết, với nguồn kinh phí 22,8 tỷ đồng, UBND tỉnh sẽ phân bổ về các huyện, thành phố thực hiện đề án đào tạo nghề nông nghiệp cho người lao động. Từ đó, các địa phương căn cứ vào tình hình lao động, nhu cầu học nghề, nhóm nghề, tiến hành hợp tác với các cơ sở đào tạo nghề, dạy nghề cho người lao động.
Chương trình có ý nghĩa thiết thực, trao "cần câu" cho người lao động để người dân nâng cao thu nhập một cách bền vững, từ đó giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, cải thiện đời sống của người dân có thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh.
Mục tiêu đề ra, đến năm 2025, tỉnh Kiên Giang phấn đấu nâng tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt trên 55%, thu nhập của cư dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020, góp phần tạo việc làm ổn định cho người lao động nông thôn, giảm nghèo bền vững.