1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

1/10/2005 tiếp tục thực hiện cải cách tiền lương

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đỗ Quang Trung đã cho biết như vậy trong buổi làm việc sáng nay 10/6, khi các đại biểu chất vấn Bộ trưởng về chính sách cải cách tiền lương, bù trượt giá, lương hưu...

2007 sẽ tăng lương với mức độ cao hơn

Mở đầu buổi làm việc sáng nay, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Sinh Hùng tiếp tục giải trình trước Quốc hội chất vấn của các đại biểu. Trả lời các ĐB Nguyễn Ngọc Trân (An Giang), Lê Thị Nam (Bình Dương) về việc tăng lương cho đội ngũ giáo viên giảng dạy và cán bộ y tế, Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng cho biết tư tưởng lâu dài để cải cách tiền lương cho hai bộ phận này vẫn là dựa vào viện phí và học phí. 

Về việc khám chữa bệnh, trừ trẻ em dưới 6 tuổi và người nghèo, còn các đối tượng chính sách thì đã có chế độ nhà nước quy định. Còn lại bộ phận những người có thu nhập, có điều kiện thì đương nhiên đi học, đi khám bệnh phải nộp tiền… đây chính là chính sách xã hội hoá: dần dần người dân sẽ tự trả lương cho chính mình.

Ngân sách Nhà nước sẽ chỉ lo quỹ lương cho công chức, viên chức và các đối tượng về hưu. Có ngân sách và nguồn thu, đơn vị được sử dụng toàn quyền, nếu có sinh lợi, đơn vị đó được trả lương cho nhân viên gấp 3 lần, các đơn vị có nguồn thu dần dần sẽ tự lo được nguồn thu cho chính mình.

Bộ trưởng cho biết thêm, đến năm 2007 sẽ tăng lương với mức độ cao hơn và ông giải thích: "Nếu tăng 10.000 đồng tiền lương cho một người/tháng thì nhà nước phải bỏ ra thêm 2.000 tỷ đồng. Nếu cứ như vậy thì chẳng mấy chốc chúng ta ăn hết ngân sách, trong khi nhà nước vẫn phải lo cho hàng loạt các vấn đề thiết yếu khác".

Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhận trách nhiệm về việc chậm thực hiện cải cách tiền lương

Sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đỗ Quang Trung lên đọc giải trình và trả lời chất vấn với các vấn đề đặt ra: cải cách tiền lương, tại sao chậm, bao giờ được giải quyết triệt để... Bộ trưởng Đỗ Quang Trung xin nhận trách nhiệm trước Quốc hội khi để chính sách cải cách tiền lương thực hiện chậm.

Trả lời các câu hỏi cải cách tiền lương vì sao chậm? Những cơ quan nào chịu trách nhiệm?, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đỗ Quang Trung cho biết từ tháng 1/2005, chính sách cải cách tiền lương đã hoàn chỉnh, vì vậy nơi nào chưa giải quyết thì trách nhiệm thuộc về địa phương đó.

Trả lời thắc mắc của ĐB Nguyễn Thị Tuyết Nga (Hà Tĩnh) về mức lương dành cho giáo viên, phải chăng có sự mâu thuẫn khi lương của giáo viên có bằng cử nhân, thạc sĩ bằng những giáo viên có bằng cao đẳng, Bộ trưởng Trung khẳng định lương giáo viên tiểu học có 3 ngạch rõ ràng: ngạch cho những người chưa đạt chuẩn, những người đạt chuẩn và vượt chuẩn. Lương của giáo viên trung học cũng tương tự.

Trả lời về chính sách lương, Bộ trưởng Trung cho biết hiện không phải tăng lương tối thiểu mà chúng ta giải quyết hai việc: điều chỉnh quan hệ hệ số (từ 1 - 1,78 lên 1 - 2,34) và sửa thang bảng lương theo hướng thu gọn bảng lương, giảm bớt bậc lương để công chức trong đời làm việc, nếu phấn đấu tốt, sẽ được hưởng mức lương cuối cùng. Bộ đang điều chỉnh thang bảng lương và thu gọn bảng lương, giảm bớt bậc lương. Cụ thể bảng lương hiện tại có 16 bậc lương, Bộ đang xem xét để rút xuống còn 12 bậc. Bộ trưởng Trung cũng cho biết thêm là muốn rút nữa nhưng còn nhiều phức tạp.

Trả lời câu hỏi của ĐB Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) về thời gian thực hiện cải cách,  mới cho cán bộ hưu trí, cán bộ xã phường bao giờ hoàn thành. Mức tăng 10% lương vừa qua chưa đáp ứng cuộc sống của cán bộ hưu trí, trong lần điều chỉnh lương mới, đối tượng này sẽ được tăng bao nhiêu?, Bộ trưởng cho biết 1/10/2005 sẽ tiếp tục thực hiện nâng lương tối thiểu cho công chức, cán bộ hưu trí. Hiện nay, cũng đã có bảng lương riêng dành cho cán bộ xã và đây là sự ưu ái của nhà nước dành cho công chức địa phương.

Theo Tuổi Trẻ