10 lời khuyên cho việc đàm phán lương bổng

Đàm phán lương bổng là một vấn đề tế nhị. Trước khi bước vào phỏng vấn, bạn phải hiểu rõ và lường trước được những tình huống khó ngờ để có thể đạt được mức lương cao nhất tối thiểu.

Những lời khuyên sau đây của Martin Yate, tác giả của loạt sách Knock'em Dead của The New York Times có thể giúp ích cho bạn trước khi nộp lá đơn xin việc.

 

1. Tìm hiểu các bậc lương cho vị trí của bạn. Nhiều bạn trẻ khi xin việc, được nhà tuyển dụng đề nghị mức lương nhưng lại lúng túng không biết “nhiêu đó đã đủ chưa”. Cố gắng truy cập vào các trang web thương mại, nhờ đồng nghiệp, bạn bè tư vấn xem từng mức lương tương ứng với từng vị trí công việc. Và điều quan trọng: Bạn phải có một cái nhìn khách quan về chính năng lực của mình, xem có phù hợp với mức lương đó hay không.

 

2. Lên kế hoạch cho buổi đàm phán. Trước bất kỳ cuộc phỏng vấn nào, bạn cần phải đặt ra ba dữ kiện trong đầu. Đầu tiên, ít nhất bạn phải đặt vấn đề xem mức lương có đáp ứng được nhu cầu về ăn, ở của mình không? Thứ nhì, đâu là mức lương phù hợp với năng lực và kinh nghiệm của bạn? Và thứ ba, mức lương nào sẽ tạo cho bạn có cảm giác đang ở thiên đường? Từ đó hãy vứt bỏ dữ kiện 1 vì quá mang tính cá nhân, không đáng để bàn thảo. Tập trung vào dữ kiện 2 và 3 để định ra mức lương mong muốn.

 

3. Đừng bao giờ là người đầu tiên nói chuyện về tiền nong. Nếu đem chuyện lương bổng ra nói trước khi nhà tuyển dụng đề cập đến, cuộc đàm phán sẽ mất đi tính chân thật. Còn nếu nhà tuyển dụng cũng không màng đề cập đến chuyện tiền nong, điều đó có nghĩa bạn chưa thuyết phục được họ hiểu bạn là một ứng viên lý tưởng.

 

Phải tập trung hướng cuộc phỏng vấn đến vấn đề đó. Thể hiện cho nhà tuyển dụng biết rõ bạn có thể giúp họ kiếm tiền hoặc giữ tiền như thế nào.

 

4. Đừng bao giờ kết thúc buổi phỏng vấn bằng một câu hỏi về lương bổng. Đa số các ứng viên đều có tư tưởng “chờ hoài không thấy đề cập thì phải hỏi”. Đó là điều tồi tệ nhất mà người ứng viên có thể làm vì điều đó có nghĩa bạn chẳng có gì để nói về mình và khả năng của mình ngoài chuyện đòi lương.

 

5. Hãy trì hoãn các buổi thảo luận về lương bổng cho đến khi bạn thu thập được tất cả dữ liệu. Nếu nhà tuyển dụng đặt câu hỏi “Anh (chị) muốn có mức lương bao nhiêu?”. Đừng vội trả lời ngay lúc đó mà nên đặt thêm vài câu hỏi tìm hiểu thêm về công việc và yêu cầu của công việc. Đến khi nắm rõ công việc hãy nói đến mức lương mình muốn.

 

6. Đừng dựa vào mức lương cũ để quyết định mức lương mới. Hai công việc ở hai nơi khác nhau, vì vậy, không nên để mức lương cũ tác động đến mức lương mới. Hãy cho nhà tuyển dụng biết những khác biệt giữa công việc mới và cũ, rồi nói - đại loại như: “Tôi đổi chỗ làm vì tôi muốn kiếm khá hơn. Tôi muốn có một lời đề nghị đúng với khả năng và kinh nghiệm của tôi”.

 

7. Đừng bao giờ nói dối nhà tuyển dụng về mức lương thật hiện nay của bạn. Nhà tuyển dụng luôn có cách kiểm tra thu nhập của bạn nếu họ muốn. Đừng làm hỏng hình ảnh mình trong mắt họ.

 

8. Cho nhà tuyển dụng biết bạn cũng nhận được những lời đề nghị từ các công ty cạnh tranh khác. Có thể coi đây là một biện pháp đòn bẩy. Cho họ biết mình thật sự muốn làm việc cho họ, nhưng cũng vừa nhận được các lời đề nghị nghiêm túc từ công ty X, Y, Z nào đó đang cạnh tranh với công ty của nhà tuyển dụng. Tỏ ý muốn chọn công ty này và cho rằng mình đang đi đúng hướng.

 

9. Đừng bao giờ nhận lời đề nghị đầu tiên. Hầu hết các công ty đều có những mức lương khác nhau và đôi khi có vài mức lương cá biệt họ có thể trả. Một việc nhỏ nhưng ít người chú ý là tạo cho nhà tuyển dụng cơ hội để trả lương cao hơn cho bạn. Điều đó chứng tỏ bạn là người cao tay hơn. Nhà tuyển dụng rất muốn có bạn, nhưng chưa có được bạn thì đây là cơ hội để bạn có thể yêu cầu mức lương cao nhất có thể.

 

10. Đừng từ chối làm việc ngay khi nhà tuyển dụng đưa ra mức lương quá thấp. Nếu bạn thực sự muốn một công việc, nhưng nhà tuyển dụng lại đưa ra đề nghị quá thấp. Lúc ấy, đừng chối phắt mà hãy trả lời rằng bạn cần suy nghĩ thêm vài ngày. Vẫn cho họ biết bạn rất quan tâm đến công việc, nhưng muốn họ có thay đổi tốt hơn về lương bổng. Vài ngày sau, gọi điện cho nhà tuyển dụng xem họ có thể thay đổi được gì hay không trước khi bạn đưa ra câu trả lời cuối cùng.

 

Theo Lê Huỳnh Lê

Thanh Niên/The Ultimate Job Seeker's Guide