10 câu hỏi hữu ích cho người viết báo

(Dân trí) - Viết báo, một công việc không khó nhưng chẳng dễ chút nào, và với những người làm báo thì viết được một tác phẩm hay thật hao tâm tổn sức. Nhưng ngay cả khi đã viết được bài ưng ý thì việc có nên gửi đăng hay không cũng lại là một vấn đề.

Chúng ta sẽ cùng xem xét 10 câu hỏi dưới đây khi ai đó muốn tác nghiệp trong vai trò một nhà báo.

 

1. Vấn đề bạn định viết có thú vị không?

Đây có lẽ là tiêu chí quan trọng nhất khi bạn hình thành ý tưởng bài viết. Nếu vấn đề đó không thú vị thì bạn đề cập tới nó làm gì? Câu chuyện của bạn phải khiến người xem, người nghe và người đọc phải ngừng lại để xem xét và muốn đem nó kể lại với người khác. Một thử nghiệm hiệu quả cho điều này là, khi đồng nghiệp của bạn muốn biết ý tưởng của bạn thú vị ra sao mà bạn lại không thể trả lời câu hỏi đó thì rất có thể, vấn đề bạn định viết không thực sự thú vị như bạn đã nghĩ.

2. Trước đây bạn đã biết gì về ý tưởng này chưa?

Nếu bạn tiếp cận với khá nhiều nguồn tin tức hàng ngày, bạn sẽ biết ngay câu chuyện mình định nói là mới hay cũ rích. Đồng nghiệp của bạn có thể cũng là những người có trí nhớ khá tốt về các bài báo đã được viết trước đó. Nếu không tin tưởng lắm vào bản thân, bạn có thể tham khảo ý kiến đồng nghiệp, và nếu họ cũng chưa từng nghe nói tới ý tưởng đó thì rất có thể nó là mới.

3. Có ai muốn bạn đừng đề cập tới vấn đề đó không?

Nếu sau khi bạn hoàn tất các bước tìm hiểu và phỏng vấn thu thập thông tin mà nhân vật chính lại không nghe điện thoại hoặc không trả lời các câu hỏi của bạn thì rất có thể, họ có điều gì đó lo ngại về vấn đề bạn định viết hoặc có điều gì muốn giấu giếm.

4. Bài báo của bạn sẽ ảnh hưởng tới bao nhiêu người?

Vấn đề bạn định đề cập có thể là câu chuyện tuyệt vời nhất trên thế giới nhưng lại chỉ có ảnh hưởng tới một người duy nhất. Tất nhiên nói thế không có nghĩa bạn không nên đề cập tới nó nhưng rõ ràng là, câu chuyện bạn kể càng có ảnh hưởng tới nhiều người thì nó càng thú vị với độc giả của bạn.

5. Ý tưởng đó có khó trình bày không?

Một quy tắc hay được rút ra từ hàng ngàn bài báo là, vấn đề càng khó trình bày thì bài báo đó càng nhiều khả năng là một câu chuyện hấp dẫn với người đọc. Đừng hỏi tại sao, bởi đơn giản là, nếu đó là vấn đề dễ giải quyết thì hẳn ai đó cũng đã nghĩ ra trước bạn rồi phải không nào?

6. Vấn đề đặt ra có dễ hiểu không?

Câu chuyện trong bài báo của bạn càng khó tin và xa rời hiện thực thì càng trở nên xa lạ với người đọc. Bạn cần thực sự chắc chắn về những chứng cứ, chi tiết được sử dụng trong bài báo trước khi xuất bản. Thường thì những câu chuyện hay nhất luôn là một mảnh ghép trong trò chơi ô chữ, người ta chỉ có thể hiểu được chúng nhờ những điều đã được biết trước đó.

7. Những người khác sẽ tiếp tục triển khai vấn đề bạn đặt ra?

Đó thực sự là một phần của báo chí truyền thống, các đối thủ của bạn sẽ tiếp tục dựa vào đề tài của bạn để triển khai các bài viết của mình. Nếu thực sự vấn đề của bạn trở thành sự quan tâm nổi bật của báo chí, chính phủ, các nhà hoạch định chính sách, chắc chắn họ sẽ làm được điều gì đó.

8. Từ ý tưởng của bài báo này, còn có những vấn đề khác liên quan không?

Một vấn đề thực sự đáng bàn sẽ có ít nhất ba vấn đề khác liên quan bạn có thể đề cập tới. Bạn luôn có những đối thủ cạnh tranh bên cạnh, vì thế hãy dự trù trước những vấn đề liên quan mà độc giả quan tâm có thể được đặt ra để thực hiện trước khi bài báo xuất bản. Đừng ngủ quên trên những thành công của bản thân mà hãy luôn vận động trí sáng tạo và lao động của mình.

9. Bài báo của bạn sẽ làm thay đổi điều gì?

Nếu bạn nói ra vấn đề của mình, liệu sẽ có điều gì đổi thay? Cuộc sống của những người khác sẽ tốt hơn lên hay tồi tệ đi? Nếu tốt hơn, đó là tín hiệu tích cực. Nhưng nếu mọi việc trở nên tồi tệ hơn với mọi người, có lẽ bạn cần xem xét lại việc có nên xuất bản bài báo đó hay không.

10. Sau khi công bố bài báo, bạn còn có thể gặp gỡ với những người có liên quan?

Hãy tự đặt cho mình câu hỏi rất quan trọng này, nếu bạn kể ra câu chuyện đó, vấn đề đó trong bài viết của mình thì liệu khi bài báo được xuất bản, bạn có dám nhìn thẳng vào mắt và trò chuyện trực diện với những người có liên quan trong bài báo đó không. Một cuộc tranh chấp nếu được tường thuật khách quan và minh bạch sẽ khiến người khác tôn trọng bạn, nhưng nếu bạn phản ánh phiến diện và không công tâm, bạn sẽ rất khó khăn khi tác nghiệp trong tư cách một nhà báo.

Đỗ Dương
Theo IJNet