Việt Nam có thể độc lập, tự chủ về kinh tế nếu kịch bản xấu xảy ra

Giàn khoan Hải Dương -981 của Trung Quốc đã phải rút khỏi vùng biển nước ta nhưng không có nghĩa là những căng thẳng đã chấm dứt.

Vẫn còn đó đường lưỡi bò phi lý 10 đoạn và những tuyên bố phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông, vẫn còn đó, đau đáu Hoàng Sa đang bị chiếm đóng và cả những hòn đảo của chúng ta đang bị Trung Quốc cưỡng chiếm... Vì vậy, nhìn thấy trước những biến động, đặc biệt là quan hệ kinh tế Việt Nam - Trung Quốc để sớm có chính sách đối phó là một trong những nhiệm vụ chiến lược hiện nay.
 
(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Mới đây nhất, ngày 14/7/2014, Nhóm nghiên cứu về quan hệ kinh tế Việt - Trung do ông Nguyễn Quốc Trường và Ngô Hải Long chủ trì trong báo cáo công bố với chủ đề kịch bản hợp tác kinh tế Việt - Trung do Công ty Cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam - Vietnam Report phối hợp với các chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ kinh tế Việt  - Trung thực hiện đã đưa ra 3 kịch bản trong quan hệ kinh tế Việt Nam - Trung Quốc.
 
Kịch bản xấu nhất là Trung Quốc đơn phương ngừng các quan hệ mậu dịch, du lịch, đầu tư với Việt Nam. Với kịch bản này, GDP của Việt Nam trong năm 2014 sẽ giảm khoảng 10%.
 
Kịch bản thứ hai là Trung Quốc tiếp tục hành động gây hấn trên biển (có thể cả ở biên giới trên bộ), lợi dụng mọi lúc, mọi nơi để tìm cách “phá rối” quan hệ thương mại, du lịch, dịch vụ, đầu tư, nhằm gây thiệt hại lớn nhất cho Việt Nam, nhưng vẫn duy trì quan hệ buôn bán hai chiều, du lịch giữa công dân hai nước, đầu tư tại nước ta những dự án không tạo ra sức mạnh để cạnh tranh với Trung Quốc.
 
Đây là kịch bản đã và đang xảy ra. Với kịch bản này, chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn trong cung ứng vật tư sản xuất hàng xuất khẩu, tạo nên những rào cản kỹ thuật hoặc thu hẹp thị trường. Kịch bản thứ ba là tình hình vẫn giữ nguyên như hiện nay. Cũng như kịch bản thứ nhất, đây là kịch bản khó xảy ra. 

Phải nói thẳng, ở cạnh một người láng giềng có tâm địa khó lường như Trung Quốc, chúng ta đã nhận thức được những nguy hiểm khi nền sản xuất trong nước có sự phụ thuộc thị trường Trung Quốc. Và chúng ta đã có sự chuẩn bị trong vài năm gần đây. Dĩ nhiên buôn bán làm ăn có lợi cho cả hai phía, họ nhập khẩu nông sản dưới chuẩn của chúng ta và chúng ta mua của họ chủ yếu là máy móc, nguyên phụ liệu sản xuất hàng xuất khẩu. Về mặt chiến lược, Việt Nam sẽ khó khăn hơn trong việc tận dụng sự trỗi dậy của cường quốc kinh tế Trung Quốc như một thị trường khổng lồ cũng như nguồn cung cấp vốn, công nghệ và đổi mới cho quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa của Việt Nam.

Hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng xấu trong ngắn hạn. Trung Quốc chiếm vị trí số một trong các nước xuất khẩu tới Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng nguyên vật liệu, máy móc đầu vào sản xuất. Các doanh nghiệp Việt Nam, vốn lệ thuộc khá lớn vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc (chẳng hạn, nhập khoảng 70% số giống lúa, 80% số nguyên liệu dệt may…từ Trung Quốc) sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng và sẽ đối mặt nhiều khó khăn lớn.

Do Trung Quốc là thị trường quan trọng đối với nhiều nhiều nông sản của Việt Nam (cao su, gạo, sắn, hoa quả), sự gián đoạn bất thường của hoạt động nhập khẩu nông sản Việt Nam có thể gây ra những khó khăn trực tiếp tới những người nông dân Việt Nam - nhóm  dễ bị tổn thương. Nếu không có các biện pháp chuẩn bị phù hợp, điều này có thể gây ra những bất ổn nhất định trong đời sống kinh tế xã hội của nông thôn Việt Nam.

Ngành du lịch cũng sẽ bị ảnh hưởng do lượng du khách từ Trung Quốc suy giảm. Trong giai đoạn 2007-2013, lượng khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam tăng bình quân khoảng 22,8%; tăng từ mức hơn 557.000 lượt người năm 2007 lên 1,9 triệu lượt khách năm 2013. Trung Quốc luôn đứng đầu về lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, trung bình chiếm khoảng 21-23% tổng số du khách nước ngoài vào Việt Nam.

Tuy nhiên, những sóng gió trên Biển Đông vừa qua khiến chúng ta phải quyết tâm cải cách mạnh mẽ hơn với Việt Nam, nhất là trong giới hoạch định chính sách và doanh nghiệp. Một loạt chính sách lớn liên quan kinh tế biển, chính sách đối với ngư dân bám biển… đang được quan tâm, đề xuất.
 
Trong trường hợp Việt Nam bị Trung Quốc trả đũa về kinh tế, thậm chí cắt đứt quan hệ kinh tế, thì trong ngắn hạn, Việt Nam sẽ đối mặt những thách thức lớn với nền kinh tế, song về lâu dài, điều này có ý nghĩa quan trọng giúp Việt Nam đẩy mạnh cải cách, chuyển hướng và lành mạnh hóa nền kinh tế. Cơ hội lớn nhất của Việt Nam là khả năng tận dụng sức ép từ thay đổi quan hệ kinh tế Việt - Trung như là một động lực để thúc đẩy các cải cách tái cơ cấu kinh tế trong nước vốn đã không thể trì hoãn.

Về mặt thị trường, chúng ta cũng đã nhanh chóng có cách mở rộng thị trường, tìm nguồn thay thế Trung Quốc trong cung cấp các nguyên phụ liệu sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản và chiếm lĩnh nhiều thị trường xuất khẩu mới. Thực tế, trong khoảng 2 tháng sau khi Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông và quan hệ Việt - Trung căng thẳng, ngoại trừ lĩnh vực du lịch, các lĩnh vực kinh tế khác của Việt Nam cơ bản vẫn ổn định.
 
Theo nhận định của Tổng cục thống kê, Việt Nam lại có những chỉ báo về kinh tế khá tốt trong tháng 5 và tháng 6-2014 với những dấu hiệu rõ rệt của việc nền kinh tế đã thoát đáy. Có thể thấy, bên cạnh các khó khăn, thách thức nêu trên, việc Trung Quốc gây căng thẳng trên Biển Đông đã khiến Việt Nam đánh giá đúng tình hình quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, các mối quan hệ đối ngoại, để từ đó Đảng, Nhà nước, các doanh nghiệp đưa ra các quyết sách kinh tế mang tính chiến lược và dài hạn.

Rõ ràng kinh tế Việt Nam không phụ thuộc hay lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc, Việt Nam hoàn toàn có thể độc lập tự chủ trong lĩnh vực kinh tế khi xảy ra kịch bản kinh tế xấu nhất.
 
Theo Đức Phan
An ninh Thủ đô