Tăng trưởng tín dụng 6 tháng thấp: Có đáng lo ngại?

(Dân trí) - Theo số liệu của NHNN, trong 6 tháng đầu năm 2014, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 3,52% so với cuối năm 2013.

Tín dụng những tháng cuối năm thường tăng trưởng mạnh hơn
Tín dụng những tháng cuối năm thường tăng trưởng mạnh hơn

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

* Giăng bẫy cho vay tiêu dùng

Bão Rammasun có khả năng đổ bộ vào Nam Định và Hải Phòng

* Quốc Cường Gia Lai xin trả bớt đất cho Đà Nẵng

* Thị trường M&A tiếp tục sôi động

* Formosa nhận bồi thường và ưu đãi kịch trần

Điều này đã làm dấy lên một số ý kiến lo ngại, liệu ngành Ngân hàng có “về đích” với mục tiêu tăng trưởng 12-14%  đã đặt ra cho cả năm 2014?.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, tín dụng 6 tháng đầu năm 2014 tăng hơi thấp so với chỉ tiêu cả năm, nhưng không đáng lo ngại vì theo quy luật, tín dụng thường tăng thấp trong những tháng đầu năm.

Mặt khác, tín dụng tăng thấp còn do những nguyên nhân khác như: sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn còn yếu, tình trạng nợ đọng ngân sách, vướng mắc trong xử lý tài sản đảm bảo chưa được xử lý dứt điểm, cơ chế bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn chưa được đẩy mạnh; kinh tế thế giới chưa thực sự hồi phục cộng với bất ổn chính trị tại một số khu vực trên thế giới đã tác động bất lợi đến hoạt động xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam; năng lực quản trị, năng lực tài chính của nhiều doanh nghiệp còn yếu, dẫn đến việc thiếu các điều kiện để tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng…

Mặc dù tín dụng 6 tháng đầu năm chỉ tăng 3,52%, nhưng diễn biến tăng trưởng tín dụng đã có chiều hướng tích cực, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Đến cuối tháng 6/2014, đã có một số lĩnh vực ưu tiên tăng cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung của toàn hệ thống như: tín dụng xuất khẩu tăng 10%, công nghiệp hỗ trợ tăng 5,8%, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 13%.

Chương trình tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội đến cuối tháng 5/2014 đã có 5.355 khách hàng tiếp cận được gói tín dụng này với tổng số tiền đạt khoảng 4.265 tỷ đồng. Một số chương trình khác cũng đạt được kiết quả tốt như: dư nợ cho vay đối với các sản phẩm lúa gạo toàn quốc đạt khoảng 31.935 tỷ đồng; dư nợ cho vay thu mua tạm trữ lúa gạo vụ Đông Xuân đạt khoảng 8.170 tỷ đồng; dư nợ cho vay đối với lĩnh vực thủy sản đạt khoảng 55.000 tỷ đồng; dư nợ cho vay theo chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp đạt hơn 1.354 tỷ đồng; dư nợ cho vay cà phê ước đạt khoảng 33.575 tỷ đồng…

TS.Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng có những nhận định khả quan về tình hình tăng trưởng tín dụng: “Cá nhân tôi đánh giá đây là một điểm sáng, là điều nên mừng chứ không phải nỗi lo. Đã nhiều năm liền, chúng ta nói rằng nền kinh tế phát triển theo chiều rộng, tăng trưởng nhờ tăng trưởng tín dụng. Các doanh nghiệp không có nguồn vốn tự có và tăng trưởng nhờ nguồn vốn vay của ngân hàng. Đến thời điểm này, chỉ số GDP 6 tháng đầu năm tăng 5,19% cao hơn cùng kỳ năm ngoái ở mức 4,9%. Trong khi tăng trưởng tín dụng hơn 3,5%, tức là chúng ta đang điều chỉnh nền kinh tế theo đúng định hướng tái cơ cấu đã đặt ra”.

Rõ ràng, tăng trưởng tín dụng phải đi đôi với chất lượng và cơ cấu hợp lý; chúng ta cần tăng trưởng nhưng trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không thể đánh đổi bằng chất lượng tín dụng; nếu cứ ép tăng bằng mọi giá sẽ dẫn đến nợ xấu cao, mà nợ xấu cao thì dòng vốn lại bị tắc nghẽn, gây ra một vòng luẩn quẩn như những năm trước đây mà hệ quả hiện nay chúng ta vẫn còn đang phải xử lý.

Nỗ lực khơi thông dòng vốn

Được biết, để khơi thông dòng vốn tín dụng, trong những tháng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục bám sát diễn biến tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống và từng tổ chức tín dụng (TCTD) để điều chỉnh linh hoạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD trên cơ sở đánh giá tình hình tài chính, khả năng mở rộng tín dụng của các TCTD; Theo dõi sát diễn biến tín dụng ngoại tệ để có biện pháp điều hành phù hợp; Kịp thời xử lý các khó khăn vướng mắc về cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thống TCTD mở rộng tín dụng trên cơ sở nguồn vốn lành mạnh, đảm bảo chất lượng tín dụng và an toàn hệ thống.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng tiếp tục nghiên cứu trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn để phù hợp với tình hình thực tế và đáp ứng được yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế; Chỉ đạo các ngân hàng thương mại Nhà nước đẩy mạnh triển khai chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ; Tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để xây dựng, triển khai và rà soát các chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, đề xuất hướng sửa đổi, bổ sung đối với các chính sách không còn phù hợp. Mô hình chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đã và đang được triển khai hiệu quả tại TP.Hồ Chí Minh cũng sẽ được nhân rộng ra một số tỉnh, thành phố khác.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tập trung xử lý các vướng mắc liên quan đến tài sản bảo đảm, đăng ký giao dịch bảo đảm, công chứng và hợp đồng giao dịch bảo đảm… nhằm tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp…

Cần sự phối hợp đồng bộ chính sách

Các chuyên gia đều cho rằng, bên cạnh việc triển khai tích cực các giải pháp của hệ thống ngân hàng, cần phải có sự phối hợp đồng bộ các chính sách vĩ mô, trong đó có chính sách tài khóa, đầu tư, chính sách đối với doanh nghiệp… thì mới có thể đẩy mạnh dòng vốn tín dụng, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng hợp lý.

Đồng quan điểm, TS. Trần Du Lịch - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh cho rằng: “Cái gốc của vấn đề tăng trưởng tín dụng thấp là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp? Theo tôi, Chính phủ cần phải vào cuộc để hỗ trợ các doanh nghiệp bằng các biện pháp: tăng cường các giải pháp tăng tổng cầu, hỗ trợ thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho doanh nghiệp; thứ hai là bản thân các doanh nghiệp cũng phải tự cơ cấu lại, chấn chỉnh hoạt động, đổi mới công nghệ, tập trung nâng cao năng lực quản trị, năng lực cạnh tranh, có phương án sản xuất kinh doanh khả thi, trong đó đặc biệt là vấn đề thị trường”.

Nhìn lại những diễn biến kinh tế vĩ mô gần đây như tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2014 đạt 5,18%, cải thiện hơn so với mức tăng 4,9% của cùng kỳ các năm 2012-2013, chỉ số sản xuất công nghiệp, bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đều tăng cao hơn cùng kỳ là những tín hiệu tốt cho thấy sản xuất kinh doanh đang phục hồi, đồng thời, theo tính quy luật hàng năm, tín dụng 6 tháng cuối năm thường tăng cao.

Do đó, đến hết năm 2014, tăng trưởng tín dụng hoàn toàn có khả năng đạt mục tiêu định hướng đề ra như khẳng định của Thống đốc Nguyễn Văn Bình tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng 6 tháng cuối năm 2014.

Minh Phương
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”