1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Yêu cầu xác định ngưỡng an toàn trong vay vốn ODA

(Dân trí) - Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Bộ Tài chính được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, xác định ngưỡng an toàn trong vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi, không ảnh hưởng đến trần nợ công...

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi vừa có chỉ đạo yêu cầu các bộ ngành liên quan phải nâng cao trách nhiệm, hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi đảm bảo an toàn nợ công bền vững...

Theo đó, các ngành, các cấp quán triệt tinh thần, nguyên tắc chỉ đạo, những lĩnh vực ưu tiên sử dụng theo từng nguồn vốn (ODA không hoàn lại, ODA vốn vay, vốn vay ưu đãi), lồng ghép những chương trình, dự án đề xuất đủ điều kiện theo quy định của pháp luật vào kế hoạch đầu tư công hàng năm và trung hạn để tổ chức thực hiện. Đảm bảo thực hiện các cam kết của phía Việt Nam, bao gồm công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, bố trí nhân lực có chất lượng, bố trí đầy đủ và kịp thời vốn đối ứng.

Để đẩy nhanh quá trình chuẩn bị, phê duyệt danh mục dự án, đàm phán, ký kết, phê chuẩn và thực hiện các dự án, các đơn vị cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ kịp thời về những vướng mắc trong việc thực hiện các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi, đặc biệt là các dự án trọng điểm...

ODA là nguồn vốn quan trọng để đầu tư phát triển kinh tế xã hội nhưng lại được sử dụng chưa đạt hiệu quả như mong muốn
ODA là nguồn vốn quan trọng để đầu tư phát triển kinh tế xã hội nhưng lại được sử dụng chưa đạt hiệu quả như mong muốn

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính sớm hoàn chỉnh Nghị định của Chính phủ về cho vay lại đối với chính quyền địa phương; sớm hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc cho chương trình, dự án đầu tư vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ thông qua cơ quan cho vay lại chịu rủi ro tín dụng.

Bộ Tài chính cũng được giao chủ trì, phối hợp với Bộ KHĐT nghiên cứu, xác định ngưỡng an toàn trong vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi, không ảnh hưởng đến trần nợ công... Qua đó, nâng cao trách nhiệm, hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đồng thời đảm bảo an toàn nợ công bền vững.

Các cơ quan quản lý nhà nước về ODA và vốn vay ưu đãi, cơ quan chủ quản, chủ dự án phối hợp với các nhà tài trợ định kỳ tổ chức cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện chương trình, dự án. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra thực địa, giám sát và đánh giá để xác định và kịp thời xử lý các vướng mắc nảy sinh, thúc đẩy tiến độ thực hiện và nâng cao tỷ lệ giải ngân các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi.

Theo báo cáo chưa đầy đủ của các Bộ, ngành và địa phương, tổng nhu cầu huy động và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi thời kỳ 2016-2020 là rất lớn, khoảng 39,5 tỷ USD.

Tổng số vốn ODA và vốn vay ưu đãi chưa giải ngân của các chương trình, dự án đã ký kết chuyển tiếp từ thời kỳ 2011 - 2015 sang thời kỳ 2016 - 2020 còn khá lớn, khoảng gần 22 tỷ USD, trong đó phần lớn là những dự án đầu tư của Nhóm 6 Ngân hàng Phát triển với các khoản vay ODA ưu đãi.

Theo lộ trình, đến tháng 7/2017, Ngân hàng Thế giới (World Bank) sẽ tuyên bố chấm dứt ODA ưu đãi với Việt Nam và phải chuyển chủ yếu sang sử dụng nguồn vay kém ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường. Nguồn vốn ODA đã vay chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi hoặc tăng lãi suất lên từ 2% - 3,5%. Điều này sẽ gây áp lực lên nợ công.

Bộ Tài chính cho biết, con số trả nợ trong năm 2015 chiếm khoản 16% tổng thu ngân sách. Trong năm 2016 con số trả nợ được báo cáo lên Quốc hội và Chính phủ được tính toán dựa trên kịch bản quản lý nợ, khoản nợ đến hạn và tình hình kinh tế hiện nay là hơn 24% tổng thu ngân sách.

Bích Diệp

Yêu cầu xác định ngưỡng an toàn trong vay vốn ODA - 2