1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Ý tưởng kinh tế số đang "chảy máu" ra nước ngoài vì đói chính sách

(Dân trí) - Bàn về kinh tế số tại Việt Nam trong thời buổi Cách mạng Công nghệ 4.0 đang diễn ra tại nhiều nước trên thế giới, các chuyên gia khẳng định, Việt Nam đang thiếu các chính sách hỗ trợ cho ý tưởng và tư duy kinh tế số phát triển. Điều này có thể đẩy các startup đi ra nước ngoài.

Tại Hội nghị bàn về giải pháp phát triển kinh tế số ở Việt Nam diễn ra tại Hà Nội sáng nay (29/6), ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho rằng: Việt Nam là một quốc gia thụ động trong kinh tế số khi thế giới vận động ở Cách mạng 4.0, thấy việc gì cần làm thì mới làm.

Thế giới đi vào công nghiệp 4.0, kinh tế số sẽ là trọng tâm của tiến trình hiện đại hóa thế giới.
Thế giới đi vào công nghiệp 4.0, kinh tế số sẽ là trọng tâm của tiến trình hiện đại hóa thế giới.

"Một năm trôi qua chúng ta vẫn thụ động, không có chuyển biến về chính sách cũng như phát triển kinh tế số lên tầm cao. Tôi kỳ vọng vài năm nữa khi nào đó chúng ta trở thành quốc gia chủ động, kinh tế số mới thực sự trở thành niềm tự hào sức mạnh lớn cho nền kinh tế đất nước", ông Hưng nói.

Điểm yếu nhất của Việt Nam trong kinh tế số, theo ông Hưng, không phải là ý tưởng, sự mạnh dạn xuất khẩu trực tuyến mà là ở chính sách và các khoản đầu tư mạo hiểm.

Ông Hưng nêu ví dụ: Nhiều Doanh nhân trẻ nói với tôi chính sách ở Việt Nam hiện nay khiến chúng tôi buộc ra nước ngoài thực hiện ý tưởng và tham vọng của mình. Đây là thực tế bởi hiện chúng ta có 1 nhóm người giỏi nhưng chính sách đang như gáo nước lạnh, đẩy ý tưởng phải đi ra nước ngoài để hiện thực hoá.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: Việt Nam đang đứng trước cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn trong thời buổi kinh tế số mà nước nào cũng kỳ vọng, cũng tạo hạ tầng mềm (chính sách, con người...) và hạ tầng cứng (cơ sở vật chất, hệ thống thông tin...).

Ông Cung cho hay: Điểm kém nhất của chúng ta là hệ thống thuế; chính sách luật lệ của chúng ta rất kém trong cách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Cái họ cần ta không có, cái ta có thì họ chẳng cần, thậm chí đã phát triển mức cao hơn. Hệ thống thuế thì tận thu, không ổn định, thiếu dự đoán tương lai nên mới xảy ra câu chuyện chạy theo xử phạt taxi công nghệ, doanh nghiệp áp dụng kinh tế sẻ chia...

"Tiếp cận kinh tế số, tư duy phải thay đổi, vẫn là thúc đẩy mạnh mẽ chuyển sang kinh tế thị trường thay đổi nhiều hơn cách thức quản lý nhà nước hiện nay. Cơ hội là 3 cuộc cách mạng trước chủ yếu đầu tư vào tài sản vật chất. Cuộc cách mạng 4.0 quan trọng nhất là trí tuệ. Tôi nhìn thấy yếu tố quyết định để phát triển kinh tế số hiện nay đều nằm ở thể chế, di thể chế quyết định", ông Cung nói.

TS Cung nhấn mạnh: Thủ tướng luôn luôn nói vấn đề phát triển đất nước hiện nay là luôn ở "thể chế, thể chế và thể chế". Thể chế phải như thế nào đó cho kinh tế đất nước theo kịp, chứ chưa nói vượt các nước, đây là câu hỏi của thời cuộc đặt ra cho chúng ta.

Theo ông Cung, hiện thể chế đang điều chỉnh cả kinh tế thực và kinh tế số nhưng nó không phù hợp vì còn nhiều rào cản. Kinh tế số phát triển phải có cuộc cách mạng thay đổi tư duy, chứ không phải thay đổi ở từng đạo luật.

Nguyễn Tuyền

Ý tưởng kinh tế số đang "chảy máu" ra nước ngoài vì đói chính sách - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm