Xuất nhập khẩu năm nay tiến sát mốc lịch sử 800 tỷ USD
(Dân trí) - Bộ Công Thương cho biết kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm nay ước đạt 783 tỷ USD, trong đó xuất khẩu vượt 400 tỷ USD.
Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Bộ Công Thương diễn ra chiều 23/12, bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm nay đã xác lập kỷ lục mới, dự kiến vượt ngưỡng 700 tỷ USD (ước đạt 783 tỷ USD).
Trong đó, xuất khẩu ước đạt 403 tỷ USD. Nhập khẩu ước đạt 380 tỷ USD. Kim ngạch xuất nhập khẩu vượt hơn 100 tỷ USD so với mức 681 tỷ USD của năm 2023.
Đáng chú ý, xuất khẩu năm nay ước đạt 403 tỷ USD, tăng 13,6% và vượt xa mức 354,7 tỷ USD của năm 2023. Lãnh đạo Bộ Công Thương đánh giá đây là mức tăng trưởng khá cao so với nhiều nước trong khu vực ASEAN và châu Á.
Xuất khẩu tăng mạnh ở nhóm hàng nông lâm thủy sản (11 tháng tăng 20,6%), với giá bán nông sản thuận lợi đã hỗ trợ tiêu thụ tốt đầu ra cho sản xuất nông nghiệp, người dân và nhóm hàng công nghiệp chế biến (11 tháng tăng 14,3%).
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước là 18,9%, cao hơn so với khu vực FDI (11,6%). Đồng thời, tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước cao hơn so với cùng kỳ năm trước (28,9% so với 26,9%).
"Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 9 liên tiếp (từ năm 2016) với mức thặng dư khá cao (ước đạt 23 tỷ USD), góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá, các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế", bà Thắng cho biết.
Đối với thị trường trong nước, tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng ước đạt 6,4 triệu tỷ đồng, tăng 9%. Đáng chú ý, hoạt động thương mại điện tử tiếp tục phát triển trở thành kênh phân phối quan trọng, góp phần phát triển chuỗi cung ứng trong và ngoài nước, hỗ trợ tiêu thụ hiệu quả lượng lớn nông sản, thực phẩm cho người nông dân, doanh nghiệp, đặc biệt khi vào vụ thu hoạch.
Nhiều doanh nghiệp tăng trưởng đột phá nhờ ứng dụng thương mại điện tử, doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới tăng cao, trong đó có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Năm 2024, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước vượt mốc 25 tỷ USD, đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 20%/năm so với năm 2023, chiếm 2/3 giá trị kinh tế số Việt Nam.
Trước bối cảnh trên, Bộ Công Thương đặt ra mục tiêu cụ thể cho năm 2025. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp phấn đấu tăng khoảng 9-10%; xuất khẩu hàng hóa phấn đấu tăng khoảng 12%; tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng phấn đấu tăng khoảng 10% so với năm nay.