1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Xuất khẩu vải thiều: Trung Quốc làm khó, nông dân có định thôi?

(Dân trí) - Trước đây, việc bán vải cho các thương lái Trung Quốc đều dưới hình thức tiểu ngạch. Nhưng từ khi vải và 7 loại trái cây khác được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc thì cách làm phải hoàn toàn thay đổi. Tuy nhiên, liệu người nông dân tại Lục Ngạn (Bắc Giang) có sẵn sàng chấp nhận thay đổi thói quen canh tác sau hàng chục năm?

Xuất khẩu vải thiều chính ngạch: Nông dân thấy khó có định thôi?

Năm 2019, tỉnh Bắc Giang dự kiến tổng sản lượng vải khoảng 150.000 tấn. Trong đó, diện tích vải thiều sớm khoảng 6.000 ha, cho sản lượng khoảng 40.000 tấn, 22.000 ha vải thiều chính vụ cho sản lượng khoảng 110.000 tấn.

Với sản lượng trên, tỉnh Bắc Giang dự kiến tiêu thụ trong nước khoảng 75.000 tấn, chiếm 50% và 50% còn lại để phục vụ xuất khẩu. Năm nay, thị trường Trung Quốc vẫn là thị trường truyền thống, có quan hệ hợp tác nhiều năm với tỉnh Bắc Giang.

Xuất khẩu vải thiều: Trung Quốc làm khó, nông dân có định thôi? - 1

Người nông dân phấn khởi vì vải được giá

Đặc biệt năm nay, tỉnh Bắc Giang đã chú trọng tới việc đăng ký mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói và tem truy xuất nguồn gốc,…để xuất khẩu sang Trung Quốc theo chương trình hợp tác chính ngạch.

Theo báo cáo của riêng huyện Lục Ngạn (vùng trồng vải nổi tiếng tại Bắc Giang), trong năm 2019, riêng diện tích 15.290 ha vải thiều của huyện đã cho sản lượng khoảng 80.000 tấn (diện tích sản xuất theo quy trình Vietgap và Globalgap trên 12.000 ha).

Đáng chú ý theo lãnh đạo huyện, tính đến thời điểm này, ngoài 18 vùng do Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cấp tại 7 xã, thì Trung Quốc cũng đã cấp 36 mã số vùng trồng vải thiều Lục Ngạn đảm bảo tiêu chuẩn xuất vào thị trường này cho 30 xã, thị trấn. Chính những tín hiệu tích cực này đã giúp trái vải Lục Ngạn có mặt ở nhiều thị trường lớn trên thế giới.

Xuất khẩu vải thiều: Trung Quốc làm khó, nông dân có định thôi? - 2

Vải mọng, đẹp và ngọt

Hướng trái vải tới thị trường lớn là mong mỏi của nhiều cấp lãnh đạo và bà con nông dân. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, thị trường Trung Quốc vẫn đang là chủ lực xuất khẩu của vải. Nhưng thị trường này đã không còn “dễ tính” như nhiều năm trước.

Theo báo cáo của Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn, những năm qua, lượng vải xuất khẩu qua các cửa khẩu thuộc địa bàn Lạng Sơn chiếm khoảng 2/3 lượng vải xuất khẩu trên toàn quốc. Đặc biệt, cửa khẩu phụ Tân Thanh (Việt Nam) và Pò Chài (Trung Quốc) được Chính phủ hai nước ký kết Hiệp định thương mại là cặp chợ biên giới. Vì thế, đây chính là điểm giao thương truyền thống của nhóm hàng trái cây, nông sản giữa hai nước.

Tính riêng kim ngạch xuất khẩu trái câu, nông sản qua đây cũng đã chiếm tới 90% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu đường bộ trên tuyến biên giới tiếp giáp với Trung Quốc.

Xuất khẩu vải thiều: Trung Quốc làm khó, nông dân có định thôi? - 3

Vườn vải Lục Ngạn

Trong đó, năm 2018, riêng trái vải tươi xuất sang Trung Quốc đã đạt 51.000 tấn, vải khô là 19.000 tấn, với giá trị trên 30 triệu USD.

Thế nhưng, chính sách mỗi năm một khác, vì vừa qua, các lực lượng chức năng phía Trung Quốc có sự thay đổi về cơ cấu tổ chức. Theo đó, lực lượng Kiểm dịch sát nhập vào Hải quan, do đó, nhiều cơ chế cũng có sự thay đổi.

Điểm thay đổi cũng gây khó khăn nhiều cho người trồng vải nhất đó là, từ ngày 1/5/2018, phía Trung Quốc đã áp dụng truy xuất nguồn gốc. Phía Trung Quốc sẽ tăng cường và siết chặt quản lý xuất nhập khẩu biên mậu đối với các mặt hàng nông sản, hoa quả của Việt Nam. Điều này dẫn đến tình trạng hàng nông sản qua các cửa khẩu tại Lạng Sơn giảm đáng kể và ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, kinh doanh của người dân.

Xuất khẩu vải thiều: Trung Quốc làm khó, nông dân có định thôi? - 4

Trái vải năm nay tại Bắc Giang được đánh giá là ngon nhất so với nhiều năm gần đây

Tuy nhiên, phía Việt Nam và Trung Quốc cũng đã kịp thời ký kết hiệp định thư về kiểm dịch thực vật, cho phép 8 loại quả nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, trong đó có trái vải.

Xuất khẩu chính ngạch là tín hiệu mừng bởi đầu ra sẽ ổn định hơn với bà con nông dân, mọi người có thể yên tâm sản xuất. Thế nhưng, những khó khăn về việc thay đổi tập quán canh tác nhiều năm nay, thay đổi về cách làm liệu có được người nông dân chấp nhận?

Người trồng vải thấy khó với xuất khẩu chính ngạch?

Anh Tô Văn Hải (xã Giáp Sơn, Lục Ngạn) vụ năm nay dự kiến cho thu hoạch 15 tấn vải. Nhưng khác với mọi năm, năm nay, anh Hải đã áp dụng Vietgap cho toàn bộ diện tích vải của gia đình.

Theo anh Hải: “Do vải sẽ xuất khẩu chính ngạch nên quy trình trồng phải kĩ càng hơn, ngay cả thu hái chúng tôi cũng phải được tập huấn để làm sao cho ít lá, ít cuống. Quả vải thu hoạch xong cũng phải được chăm sóc và chọn lọc kĩ hơn.”

Xuất khẩu vải thiều: Trung Quốc làm khó, nông dân có định thôi? - 5

Anh Tô Văn Hải (xã Giáp Sơn, Lục Ngạn)

“Bước đầu khi tiếp cận cách làm mới theo tiêu chuẩn thì còn gặp nhiều khó khăn, nhưng được sự tuyên truyền và hướng dẫn và với kinh nghiệm lâu năm thì các hộ như chúng tôi cũng năm được quy trình. Việc phải là theo tiêu chuẩn quốc tế, tuân theo quy luật thị trường cũng là điều phải làm”, anh Hải cho biết thêm.

Để có thể xuất khẩu trái vải chính ngạch sang thị trường lớn như Trung Quốc, người trồng vải phải tuân thủ kỹ thuật canh tác mới, không sử dụng chất cấm, giữ khoảng cách thời gian cách ly,…

Đáng chú ý, năm 2019 là năm đầu tiên huyện Lục Ngạn có sản phẩm vải thiều hữu cơ với diện tích 20ha. Các vườn vải tham gia mô hình vải thiều hữu cơ được lắp camera giám sát, nhật ký chăm sóc là nhật ký điện tử. Vải thiều hữu cơ cũng vì thế có nhiều ưu điểm vượt trội, có tiền năm phát triển rất lớn.

Các địa phương cũng nên học theo cách làm của Bắc Giang để đẩy mạnh phát triển các sản phẩm chủ lực của mình. Từ đó nâng cao giá trị hàng Việt, đưa hàng Việt vươn tầm ra thế giới.

Thế Hưng