Xuất khẩu một số mặt hàng vào Trung Quốc sẽ gặp khó!

(Dân trí) - “Sự kiện Tòa Trọng tài Quốc tế ra phán quyết bác yêu sách “Đường lưỡi bò” sai trái của Trung Quốc đang đặt ra cho các nước, trong đó có Việt Nam, phải có đối sách cụ thể khi Trung Quốc chuyển sang sử dụng công cụ kinh tế làm lá bài gây sức ép cho các nước”.

Đây là khẳng định của TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) bên lề Hội nghị Kinh tế 6 tháng năm 2016 tại Hà Nội ngày 26/7.

Ông Doanh nhấn mạnh: “Sau phán quyết Tòa trọng tài Quốc tế, Trung Quốc đã ngay lập tức ngừng nhập khẩu hàng hóa từ Philipines. Đối với các nước khác, trong đó có Việt Nam, phía Trung Quốc đã có dấu hiệu ngừng nhập khẩu các mặt hàng từ trước đó, trước mắt là thịt lợn, sau đó đến các hàng hóa khác như thủy sản, hoa quả… Nếu các diễn biến nóng ở biển Đông còn diễn ra thì xuất khẩu nhiều mặt hàng của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ gặp khó”.

Sau thời gian Trung Quốc nhập khẩu heo thịt ồ ạt, hai tháng gần đây thương lái Trung Quốc đã giảm mạnh mua heo, khiến giá thịt heo xuất chuồng trong nước giảm mạnh.
Sau thời gian Trung Quốc nhập khẩu heo thịt ồ ạt, hai tháng gần đây thương lái Trung Quốc đã giảm mạnh mua heo, khiến giá thịt heo xuất chuồng trong nước giảm mạnh.

Thông tin này phù hợp với thực tế ngày hôm qua 25/7, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho hay: Giá thịt heo hơi (heo sống) tại chuồng ở nhiều trang trại của địa phương này đầu tháng đến nay liên tục giảm mạnh, hiện giá chỉ còn 42.000 – 45.000 đồng/kg. Nguyên nhân được ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, giá heo giảm mạnh là do Trung Quốc hạn chế nhập khẩu. Trước đó, trong tháng 6/2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng phát đi thông tin, phía Trung Quốc hạn chế nhập khẩu thịt heo của Việt Nam sau thời gian nhập khẩu ồ ạt mặt hàng này.

Theo ông Doanh: Trung Quốc đang dùng các công cụ kinh tế để phục vụ các lợi ích của mình. Xuất khẩu nhiều mặt hàng của Việt Nam trong thời gian tới, như thủy sản, hoa quả có thể ảnh hưởng vì Trung Quốc, bởi nước này đang hạn chế nhập khẩu, một biện pháp để trả đũa các quốc gia ủng hộ phán quyết hoặc ủng hộ ASEAN đưa ra tuyên bố chung về Biển Đông.

Trên thực tế, với lợi thế thị trường tiêu thụ lớn, những thay đổi chính sách nhập khẩu của nước này sẽ làm ảnh hưởng đến nhiều nước có quan hệ thương mại trong khu vực. Về phía Việt Nam, chuyên gia Doanh cho rằng: Trung Quốc sẽ sử các công cụ kinh tế, trong đó có hạn chế nhập khẩu cả diện chính ngạch lẫn tiểu ngạch.

Ông Doanh nhấn mạnh: “Xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc không nhiều, không lớn song đây cũng là thị trường quan trọng của một số loại sản phẩm của Việt Nam, trong đó có gạo, thịt lợn, thủy sản hay hoa quả. Việc thương nhân, đầu mối xuất khẩu của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch đang là rủi ro rất lớn bởi Trung Quốc sẽ sử dụng các công cụ kinh tế, khiến thiệt hại cho người dân và nền kinh tế”.

Cũng theo ông Doanh, 6 tháng đầu năm nay, đất nước phải trải qua nhiều khó khăn khi một loạt sự cố như thiên tại, dịch bệnh; thảm họa môi trường, vấn đề tham nhũng và đặc biệt là bài toán thu – chi ngân sách chưa được giải quyết triệt để. Chính phủ mới có nhiều cải cách và tư duy đột phá, nhưng hiện thực hóa còn chặng đường dài. Trong khi đó, khó khăn trước mắt đã nhìn thấy trước khi xuất khẩu sang Trung Quốc được dự đoán là khó khăn trong những tháng tiếp theo. Trong khi đó, nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn không giảm được (bởi Việt Nam nhập khẩu chủ yếu linh phụ kiện, máy móc, nguyên liệu…).

Cùng quan điểm với TS Doanh, chuyên gia kinh tế TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nói: Trong 30 năm đổi mới, giờ đây chứng kiến nông nghiệp tăng trưởng âm, phải nói là rất đau xót cho người nông dân. Sau những tác động của hạn hán, thiên tai, dịch bệnh là đến thảm họa do con người gây ra. Những người chăn nuôi heo đang phải đối mặt với thực tế, họ là nạn nhân của chính mình khi phụ thuộc vào thị trường và thương lái Trung Quốc. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc sử dụng công cụ kinh tế phục vụ lợi ích của mình cũng khiến bộ phận nông dân hết sức khốn khó. Dự đoán từ nay đến cuối năm, ngành nông nghiệp vẫn chưa có nhiều cải thiện.

Nguyễn Tuyền