Xuất khẩu khó không chỉ do thị trường thế giới
(Dân trí) - Xây dựng cán bộ trong sạch, hệ thống quản lý minh bạch cũng như cải thiện thủ tục hải quan ở sân bay, bến cảng… là những đề xuất của các doanh nghiệp FDI nhằm hỗ trợ cho công tác sản xuất, xuất khẩu trước tình hình hiện nay.
Dự báo những tháng còn lại của năm 2009 xuất khẩu sẽ vẫn
gặp khó (ảnh minh họa).
gặp khó (ảnh minh họa).
Doanh nghiệp FDI giảm gần 9% so với cùng kỳ
Trong 3 tháng đầu năm 2009, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam mới đạt gần 13,5 tỷ USD, tăng 2,4 % so với cùng kỳ năm 2008. Dù mức tăng này còn cao hơn nhiều nước (như Nhật giảm tới 50%, Trung Quốc giảm 25,7%, Thái Lan giảm 11,3%, Singapor giảm 23,7%) nhưng vẫn chưa đạt được kế hoạch đề ra là 13%.
Khu vực doanh nghiệp FDI vẫn tiếp tục giữ vị trí đầu tàu trong việc tạo ra giá trị xuất khẩu cũng như chiếm tỷ trọng cao trong xuất khẩu. Tuy nhiên, trong 2 tháng đầu năm 2009, kim ngạch xuất khẩu của DN FDI bị sụt giảm, chỉ đạt 2,97% tỷ USD, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm 2008.
Tại buổi toạ đàm với doanh nghiệp FDI về tình hình các biện pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu vào sáng 3/4 do Bộ Công Thương tổ chức, ông Phan Văn Chinh, Phó vụ trưởng Vụ xuất nhập khẩu cho biết: Với tình hình này, nếu không có những giải pháp tích cực hữu hiệu thì dự kiến trong năm 2009 mức độ sụt giảm kim ngạch xuất khẩu có thể sẽ lên tới 10 - 15%, tức là chỉ đạt khoảng 19 - 20 tỷ USD.
Điển hình như Công ty Panasonic Việt Nam, hơn 3 năm thành lập tại Việt Nam, 100% sản phẩm được sản xuất tại công ty đều xuất khẩu. Tháng 9/2008, do khủng hoảng, các thị trường lớn của công ty như Mỹ, Nga sụt giảm mạnh, các thị trường khác cũng tiếp nối sụt giảm theo ảnh hưởng tới việc tiêu thụ sản phẩm ở đây.
Theo nhận định của lãnh đạo Vụ xuất nhập khẩu, ngoài những khó khăn chung như bị giảm đơn hàng, giảm giá, rào cản thương mại… doanh nghiệp FDI còn có những bất lợi khác về cơ chế chính sách, quy hoạch…
Doanh nghiệp FDI cần gì?
Tại buổi toạ đàm, hầu hết các doanh nghiệp FDI đều có kiến nghị về cải cách hành chính trong thủ tục hải quan, nâng cao đội ngũ chất lượng cán bộ quản lý.
Đại diện Công ty Brother Hải Dương cho biết: Việc tiến hành đơn giản hoá thủ tục xuất nhập khẩu tại hải quan chưa được đẩy nhanh. Cơ chế thủ tục lại chưa đồng bộ, mỗi nơi một khác.
“Chúng tôi mong Tổng cục Hải quan xem xét để tạo điều kiện cho các công ty trong lĩnh vực xuất nhập khẩu” - lãnh đạo công ty nói.
Một công ty FDI khác sản xuất trong lĩnh vực gia vị đã có hơn 20 năm làm việc tại Việt Nam thì cho biết: Vấn đề quan trọng nhất là phải xây dựng cán bộ trong sạch, có chuyên môn để làm việc. Cần xây dựng một hệ thống quản lý minh bạch, nghiêm minh khi làm việc với các doanh nghiệp bảo đảm đúng đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Có doanh nghiệp còn đề xuất đến việc giải quyết khó khăn về nhà trọ cho các công nhân để bảo đảm công việc ổn định. Công ty TNHH Yangshin (Đài Loan) thì cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần xem xét đến việc giảm thuế xuất khẩu nhôm hợp kim từ 5% xuống 0%...
Trước các ý kiến trên, đại diện Tổng cục Hải quan giải thích: Tổng cục đang triển khai hiện đại hoá, hải quan điện tử đang được thực hiện ở TPHCM và Hải Phòng với mục tiêu đến năm 2012 là 80 - 90% tờ khai xuất nhập khẩu được thực hiện thông qua hải quan điện tử, tương đương với các nước ở Đông Nam Á. Tổng cục cũng ghi nhận ý kiến các doanh nghiệp về thủ tục hải quan và sẽ cho kiểm tra lại.
Đại diện phía ngân hàng, ông Nguyễn Văn Bình, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định: Trong năm 2009 sẽ điều hành lãi suất và tỷ giá ổn định về cơ bản, tuy nhiên, vẫn có sự điều chỉnh linh hoạt theo thị trường.
Nhưng dù thế nào thì Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng phải thừa nhận mục tiêu tăng trưởng 13% (tương đương 71 - 72 tỷ USD) trong năm 2009 là rất khó khăn vì quý I chỉ tăng 2,4%.
Do đó, trước những ý kiến của doanh nghiệp trong buổi toạ đàm, Bộ sẽ tập hợp lại và trình Thủ tướng Chính phủ kèm theo các đề xuất giải quyết nhằm cải thiện tình hình.
Lan Hương